Hôm nay ngày mùng 6 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp Bát Chánh Đạo. Hôm nay ta học về sự thật thứ tư trong Tứ Diệu Đế.
Chúng ta đã học rằng trong tinh thần của Tứ diệu đế, một sự thật gồm chứa cả ba sự thật khác. Khi quán chiếu về một sự thật ta phải thấy được cả ba sự thật kia. Đạo, sự thật về con đường, hàm chứa sự thật về khổ đau. Nếu con đường không phải để chuyển hóa khổ đau thì không phải là con đường đích thực trong Tứ Diệu Đế. Khi quán chiếu và tu tập về đạo đế, nếu chúng ta không thấy được bản chất và cội nguồn của khổ đau thì đó chưa đích thực là đạo đế. Cũng vậy, trong khi học hỏi và thực tập về đạo đế mà chúng ta không cảm thấy an lạc và chuyển hóa, nghĩa là chưa sống được sự thật thứ ba là diệt đế, thì đó cũng không phải là đạo đế đích thực. Cần nhắc lại rằng sự thật thứ tư là đạo đế gồm chứa cả ba sự thật đầu: khổ đế, tập đế và diệt đế.
Đạo đế có thể diễn tả bằng những vòng tròn Bát Chánh Đạo. Vòng tròn thứ nhất là chánh kiến, rồi đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chúng ta đã thấy tính cách tương tức, tương nhập và tương dung của tất cả những chi phần trong Bát Chánh Đạo và bốn sự thật mầu nhiệm. Mỗi chi phần của Bát Chánh Đạo cũng bao hàm bảy chi phần khác. Mỗi chi phần của Bát Chánh Đạo cũng hàm nhiếp tất cả bốn sự thật.
Trong khóa tu này, chúng ta sẽ thấy toàn bộ giáo lý đạo Bụt có thể thâu tóm trong Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế. Chúng ta đã biết rằng ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên cho năm thầy khất sĩ, Bụt đã giảng dạy giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Đến giờ nhập diệt ở rừng Sala, khi dạy người đệ tử cuối cùng là Subadha, Bụt cũng giảng về Bát Chánh Đạo. Cho nên chúng ta có thể vững tâm tin rằng Bát Chánh Đạo là tinh yếu của giáo lý đạo Bụt. Toàn bộ giáo lý có thể được học hỏi qua cấu trúc của Bát Chánh Đạo.
Chúng ta đã thấy rằng càng học về chánh niệm chừng nào chúng ta càng hiểu thêm về chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định chừng ấy. Đây cũng là một điều chứng minh cho tính tương tức của Bát Chánh Đạo.