Bài 06: Quá trình văn tư tu

02/11/2021 3.944 lượt xem

Hôm nay là ngày mùng 9 tháng 12 năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về Tứ Diệu Đế. Chúng ta đang nói về chánh kiến, tức là cái thấy chính xác, trước hết là cái thấy về bốn sự thật là khổ, tập, diệt và đạo. Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự thật thứ tư là đạo.

Đạo tức là con đường (marga). Có con đường đưa chúng ta thoát khổ đau, có con đường chuyển hóa khổ đau. Dịch ra tiếng Anh một cách đơn giản thì khổ là ill hay là ill-being (duhkha). Tập là sự tập hợp của những nguyên do đưa tới khổ, có thể dịch là arising (samudaya). Diệt là cessation, tức là chấm dứt, không tạo tác ra khổ nữa. Đạo là the way. Có thấy đạo thì mới có chánh kiến.

Chúng ta đã biết rằng khi quán chiếu về khổ một cách sâu sắc ta có thể thấy tập, thấy diệt và thấy đạo. Khi nhìn vào tập, chúng ta cũng thấy khổ, thấy diệt và thấy đạo. Nhìn vào diệt, chúng ta cũng thấy khổ, thấy tập và thấy đạo. Và bây giờ nhìn vào đạo, chúng ta cũng thấy rõ khổ, tập và diệt. Cho nên đạo chỉ có thể thấy được từ sự đau khổ. Nếu không nhận ra khổ thì không thể nào tìm ra đạo.

Người ta thường không hiểu đúng về đạo. Họ nghĩ rằng có một con đường tu hành, nhưng bây giờ còn trẻ, mình chưa tu làm gì vội. Đợi khi nào 60 hoặc 70 tuổi rồi tu cũng không muộn. Hoặc nghĩ rằng đạo là để dành cho những người già cả và những kẻ chán đời. Họ không biết rằng đạo là con đường chuyển hóa, giúp mọi người thoát khổ. đạo vốn có nghĩa là con đường đi. Ở Đông Phương chúng ta nói đến đạo làm người, đạo làm cha, đạo làm thầy. Người con có đạo làm con, người vợ có đạo làm vợ, người chồng có đạo làm chồng, v.v.. Trong sách Minh Tâm Bảo Giám có câu “mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đa thị thiếu niên nhân”, nghĩa là đừng có đợi đến già rồi mới học đạo, tại vì cứ nhìn vào nghĩa địa thì biết, ở trong ấy có rất nhiều nấm mồ của những thiếu niên. Như vậy dù ở tuổi tác nào, ở vị trí nào chúng ta cũng cần học đạo. Và đạo mà Bụt dạy là đạo giải thoát, đạo sống an lạc.

Nhầm lẫn quan trọng hơn nữa là nhiều người nói về đạo như một lý thuyết, hay những hý luận cho vui. Nghĩ rằng về già mới cần học đạo, đó không phải là chánh kiến. Hý luận về đạo lại là một tà kiến khác. Nhiều người nói về đạo rất lưu loát, nhưng các lý thuyết họ nói không dính líu gì đến đời sống của họ cả. Trong giới Phật tử Việt Nam có rất nhiều người nói tới đạo một cách rất say mê, nhưng đạo ấy không được thể hiện trong đời sống và trong sự tu học của họ. Bài hát đạo ca: “Tôi là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng…” dùng những danh từ đạo Bụt, kỳ thực không có nội dung đạo, chẳng qua chỉ là những ý tưởng uỷ mị, lãng mạn về thiền, về đạo mà thôi. Có rất nhiều trường hợp trong đó chúng ta hiểu lầm về đạo như vậy.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×