Bài 10: Sống giây phút hiện tại

29/12/2021 1.704 lượt xem

Hôm nay là ngày 23 tháng 12 năm 1993 chúng ta ở tại Xóm thượng và học tiếp về chánh niệm. Chánh niệm là trái tim của sự thực tập, vì vậy ta phải học về chánh niệm thật kỹ. Tất cả những chi phần khác của Bát Chánh Đạo sẽ không thể nào thành tựu khi ta không phát triển chánh niệm. Trong đời sống hàng ngày nhiều khi chúng ta không có mặt, không thực sống trong giờ phút hiện tại. Vì vậy, chánh niệm trước hết là sự có mặt của chính mình trong đời sống.

Trong nền văn học của nhân loại, tác phẩm đầu tiên xuất hiện sớm nhất để dạy chúng ta trở về để sống và an trú trong hiện tại, là Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta sutta). Kinh Người Biết Sống Một Mình dạy nghệ thuật sống trong từng giây từng phút hiện tại. Nguồn năng lượng có thể giúp mình trở về có mặt trong giây phút hiện tại là chánh niệm. Cho nên chánh niệm là sự tu tập để mình có mặt bây giờ, có mặt ở đây. Tâm của chúng ta có thể đang nuối tiếc về quá khứ, đang mơ tưởng chuyện tương lai, hoặc đang bị giam hãm trong những nỗi lo âu, phiền muộn, giận hờn trong hiện tại. Chúng ta không có tự do, không có khả năng tiếp xúc với sự sống đang diễn ra. Chánh niệm là yếu tố giải phóng cho chúng ta.

Sống giây phút hiện tại

Trước hết chúng ta định nghĩa chánh niệm là thứ năng lượng đem chúng ta trở về với sự sống. Có những người chỉ biết lo lắng cho tương lai, chỉ mơ ước về tương lai và vì vậy họ không có khả năng sống với sự sống hiện tại. Có những người lại thương tiếc, vướng víu vào quá khứ, chỉ thấy sự sống ở trong quá khứ. Cả hai đều không tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại. Do đó trong cuộc đời của họ, sự sống không có mặt, dù họ có đủ sáu căn để tiếp xúc được với sáu trần. Thất niệm làm cho họ không có sự sống. Nhà văn Albert Camus dùng văn ảnh “Sống như một người chết.” Một người sống trong thất niệm, không an trú được trong hiện tại, sống không ý thức thì cũng như đã chết.

Tự đánh mất mình trong những tham đắm vật dục, đó cũng không phải là đang sống ý thức trong hiện tại. Bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp lôi cuốn, mê mờ không biết mình đang làm gì, không biết mình thực sự là ai, đó cũng không phải là đang sống. Tự tàn phá đời mình và làm khổ những người xung quanh mà không hay, cũng không phải đang sống. Tuy không bị quá khứ, không bị tương lai lôi cuốn, nhưng vẫn sống trong mê tưởng, thì cũng chưa biết an trú trong hiện tại. Sống trong hiện tại là sống tỉnh táo. Sự sống ở đây được nuôi dưỡng bằng chánh niệm. Chánh niệm là hạt giống quý báu ở trong tâm ta. Việc tu tập hàng ngày của chúng ta là để tiếp xúc được với hạt giống đó, giúp nó nẩy mầm, nở hoa và làm đẹp đời mình và đời những người xung quanh.

Kinh Người Biết Sống Một Mình được chú giải và xuất bản bằng tiếng Anh đã mang tên Your Appointment With Life, nghĩa là Cuộc hẹn ước của quý vị với đời sống. Bản dịch sang tiếng Trung Quốc lấy tên là Dữ Sinh Mạng Hữu Ước, nghĩa là có Ước hẹn với sự sống. Chúng ta có ước hẹn với sự sống, chúng ta phải gặp sự sống, đừng để lỡ cuộc hẹn hò này “do not miss your appointment with life”. Yếu tố giúp chúng ta khỏi bị lỡ hẹn với sự sống là chánh niệm. Mà ta hẹn hò với sự sống ở đâu, vào lúc nào? Câu trả lời là “Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ sự sống bây giờ và ở đây.” Cho nên tu tập là tiếp xúc được với sự sống trong mỗi giây, mỗi phút của đời sống hằng ngày. Nói như dễ hiểu và dường như dễ làm. Nhưng nếu không có thầy, không có bạn và không có tăng thân thì chúng ta sẽ lỡ hẹn liên tiếp với sự sống. Thất niệm níu ta về quá khứ, kéo ta tới tương lai, lôi chúng ta vào những lo lắng, giận hờn, ganh tỵ và bực bội. Chúng ta trở thành nô lệ của những thứ phiền não đó và không còn tự do để gặp mặt sự sống nữa.

Mỗi buổi sáng thức dậy ta hãy tập thở và mỉm cười, nhớ rằng hôm nay chúng ta có hẹn với sự sống (I have an appointment with life today!). Chúng ta hãy thở, mỉm cười và đọc bài kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Tôi nguyện sẽ không lỡ hẹn với sự sống ngày hôm nay, bài kệ có nghĩa như vậy. Đó là một lời nguyện, là sự bày tỏ một quyết tâm, thực hiện được chừng nào là tùy công phu tu tập của mình. Trong hăm bốn giờ đồng hồ ta có thể tiếp xúc với rất nhiều mầu nhiệm của sự sống, trong ta và xung quanh ta. Nếu ta có đủ năng lượng của chánh niệm thì tất cả những điều ta thấy và nghe đều có tác dụng giúp ta thực tập như lý tác ý, lay thức ta dậy để ta trở về với giây phút hiện tại. Trước khi đi ngủ, chúng ta hãy thở và kiểm điểm lại xem ngày hôm nay chúng ta đã tiếp xúc được với sự sống tới mức nào. Chúng ta đã để cho những hờn giận, ganh ghét và buồn phiền trấn ngự trong tâm đến mức độ nào? Ta tự hẹn ngày mai sẽ làm khá hơn. Giá trị của tăng thân và của khung cảnh tu học là ở chỗ có thể tạo những hình ảnh và âm thanh giúp ta trở về chánh niệm. Tiếng chuông chùa là một yếu tố hỗ trợ như thế. Tôi trở về được với chánh niệm, tôi được nuôi dưỡng bằng những thức ăn lành mạnh, đẹp đẽ và vui tươi của đời sống, đó là nhờ anh, nhờ chị, nhờ em. Tăng thân gồm tất cả mọi người và mọi cảnh vật có tác dụng giúp ta trở về với chánh niệm.

Vậy thì chánh niệm là có mặt trong cuộc sống. Khi thở một cách có ý thức, thở trong chánh niệm, tự nhiên ta thiết lập được sự có mặt của ta. Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi đang thở vào. Tôi đang thở ra và tôi biết là tôi đang thở ra. Phép tu tập đó tuy đơn giản nhưng có thể đem ta trở về với giây phút hiện tại. Chánh niệm là một ngọn đèn chiếu sáng cho ta thấy. Có bông hoa rất đẹp, có bầu trời rất xanh, có cây bồ đề rất tươi tốt, có nụ cười em bé rất ngọt ngào, có người sư chị dịu hiền, có người sư em rất tươi vui. Nhưng khi bị giam hãm trong giận hờn và trong lo lắng, khi đang phiêu lãng trong quá khứ hay tương lai, ta không tiếp xúc được với những vẻ đẹp đó. Nụ cười tươi mát kia, bầu trời xanh kia, vì sao ta không được hưởng? Vì ta không có mặt. Người và cảnh chung quanh đều có thể giúp ta thức dậy trở về với chánh niệm. Người phát thư đi tới hỏi: “Có ai trong nhà không?” Ta trả lời: “Có, tôi đang ở đây.” Với câu nói đó, ta thực tập chánh niệm: Tôi biết tôi đang có mặt bây giờ và ở đây. Người phát thư không biết ta đang thực tập chánh niệm. Nhưng câu trả lời “Tôi đang ở đây” có nghĩa là: “Tôi đang ở đây, tôi đang thực sự có mặt đây, ông phát thư ạ.” Thấy một sư chị đang rửa chén, chúng ta hỏi: Sư chị đang làm gì đó? Tự nhiên sư chị biết đây là một người sư em đang đến giúp mình vượt thoát ra ngoài thế giới của suy nghĩ, của lo lắng, để có thể tiếp xúc lại với sự sống mầu nhiệm. Vì rửa chén trong chánh niệm và thở trong chánh niệm cũng là một phép tu tập. Rửa chén với tâm an lạc cũng giống như đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Ta đâu cần trở về 2600 năm về trước, ta đâu cần đi tới vườn Lâm Tỳ Ni, ta đâu phải đầu thai thành một vị thị nữ của bà Maya mới có dịp tắm cho đức Bụt sơ sinh? Phép lạ thứ nhất của chánh niệm là làm cho ta có mặt trong sự sống hiện tại.

Trang: 1 2 3 4 5

×