Hôm nay là ngày 30 tháng chạp năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về chánh niệm.
Kỳ trước chúng ta đã nói tới Kinh Niệm Xứ và Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Hai Kinh đều dạy về phương pháp thực tập chánh niệm và cho chúng ta những chỉ dẫn rất cụ thể. Đó là hai cuốn Kinh gối đầu giường mà chúng ta phải tụng đọc luôn. Kinh Quán Niệm Hơi Thở (sách tiếng Anh: Breathe, You Are Alive), Kinh Niệm Xứ có in trong cuốn Con Đường Chuyển Hóa (sách tiếng Anh: Transformation and Healing,) dạy chúng ta thực tập chánh niệm trong bốn lĩnh vực. Trước hết là lĩnh vực thân thể, thứ hai là lĩnh vực cảm thọ (feelings), thứ ba là lĩnh vực tâm, tức là tâm hành (mental formations) và thứ tư là lĩnh vực pháp, tức là tất cả những đối tượng của tâm hành. Nếu các tâm hành có 51 thứ thì pháp cũng có 51 loại. Kỳ trước chúng ta đã học về quán niệm trong lĩnh vực thân thể. Chúng ta đã học rằng hơi thở có thể là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, nhưng hơi thở cũng có thể đồng thời chuyên chở một đối tượng khác.
Tiếp xúc với sự sống nhiệm mầu
Khi chúng ta tiếp xúc với hai mắt: “Tôi đang thở vào và có ý thức về hai mắt của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với hai mắt tôi”, thì đối tượng của tâm trong chánh niệm lúc bấy giờ là hơi thở và đồng thời cũng là đôi mắt. Trong khi thở vào, ta quán chiếu hai con mắt trong suốt chiều dài của hơi thở. Và trong suốt thời gian của hơi thở ra ta mỉm cười với đôi mắt của chúng ta. Nếu thành công, nếu cảm thấy dễ chịu, ta có thể lặp lại. Và chúng ta có thể quán chiếu tất cả những bộ phận khác của cơ thể theo lối ấy. Thực tập tiếp xúc và mỉm cười với cơ thể, chúng ta nhận biết, phát sinh lòng ưu Đi, sự săn sóc, và chú ý đến thân thể mình. Khi tôi tiếp xúc, mỉm cười với đôi mắt tôi thì tôi biết rằng mắt tôi còn đó, mắt tôi còn sáng. Hễ mở mắt ra là tôi có thể thấy được trời xanh, mây trắng, và những người sống xung quanh tôi. Cho nên tôi vui mừng vì biết còn hai mắt sáng. Sự quán chiếu đó có thể đem lại tịnh lạc. Nhiều người trong chúng ta có hai mắt sáng nhưng có khi phải đợi đến khi bị đau mắt rồi mới thấy chuyện có hai mắt sáng là một phép lạ mầu nhiệm. Chánh niệm đánh thức chúng ta dậy để chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Và do đó chúng ta mới biết trân quý những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại. Nhiều người nghĩ rằng đời họ không có gì đáng kể hết, không có gì đáng gọi là vui hết. Trong khi đó thì họ thực sự may mắn hội đủ những điều kiện có thể cho họ rất nhiều hạnh phúc. Chỉ cần tiếp xúc với những thức ấy thôi là tự nhiên họ có hạnh phúc. Tiếp xúc với đôi mắt chẳng Hạn. Biết rằng có hai mắt sáng mình có thể thấy được bao vẻ đẹp, nhìn ra bao người thân. Người nào bị mù rồi thì mới tiếc rẻ: “Bây giờ nếu có ông bác sĩ nào mổ mắt, làm cho mắt tôi sáng lại, nhìn được trời xanh mây trắng, thì cũng như là tôi từ địa ngục mà được đưa lên thiên đường.” Những người có mắt sáng đều đang ở thiên đường cả, nhưng họ không biết. Chánh niệm giúp chúng ta ngay trong giờ phút hiện tại tiếp xúc với thiên đường của hình ảnh và mầu sắc.
Khi ta thực tập “Tôi đang thở vào và ý thức về trái tim của tôi, tôi đang thở ra và tiếp xúc với trái tim của tôi”, thì trong hơi thở ấy, chánh niệm là một năng lượng bao bọc lấy trái tim ta. Tôi có một trái tim và trong đời sống hằng ngày tôi ít khi để ý tới nó. Phần lớn chúng ta đều như vậy. Chúng ta lo toan đủ chuyện nhưng trái tim của ta, chúng ta không thèm đoái hoài tới. Đến khi nó có vấn đề, lúc đó ta mới nghĩ tới nó và như vậy có khi đã trễ. Tôi đang thở vào và tiếp xúc với trái tim tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với trái tim tôi, đó là một chuyến trở về. Sự trở về để tiếp xúc với những điều kiện của tịnh lạc, của hạnh phúc trong ta. Vì trái tim ta không có vấn đề gì cho nên ta mới có thể ăn, uống, nói, cười, đi, đứng bình thường. Khi trở về tiếp xúc với trái tim, ta khám phá ra trái tim ta đang hoạt động một cách bình thường. Nhiều người đêm ngày chỉ mong ước trái tim của họ hoạt động trở lại bình thường. Biết trái tim của ta đang hoạt động bình thường thì ta mừng, đó là một nỗi vui mừng sinh ra nhờ chánh niệm. Bỗng nhiên, ta biết rằng ta phải đối xử với trái tim ta một cách sáng suốt. Trong đời sống hàng ngày ta phải ăn những thức nào và uống những thứ nào không làm hại trái tim. Ta biết khi châm một điếu thuốc lên hút là ta đã không thân thiện, đã khai chiến với trái tim của ta, khai chiến cả với cả hai lá phổi của ta nữa. Khi tiếp xúc với trái tim bằng chánh niệm, bằng sự tỉnh thức, bằng lòng ưu ái, ta biết rằng trái tim của ta đang làm việc ngày đêm không nghỉ. Trái tim ngày đêm bơm hàng ngàn lít máu để nuôi dưỡng tất cả những tế bào trong cơ thể. Ta sẽ thấy thương, thấy trong lòng biết ơn trái tim, và tình thương và lòng biết ơn đó là hoa trái do chánh niệm sinh ra.
Từ niềm ưu ái, tình thương yêu đó, ta nguyện phải sống, phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ như thế nào để trái tim ta đừng khổ nhọc. Chánh niệm đưa tới ý thức về giới, giới đây là sự gìn giữ và bảo vệ trái tim của mình. Anh phải bảo vệ được hai mắt, bảo vệ được trái tim của anh, nếu không anh làm sao bảo vệ được ai? Khi tiếp xúc với hai lá phổi và với lá gan cũng vậy. Không có lá gan lành mạnh, ta không thể sống. Trong khi đó thì ta thất niệm, hàng ngày nuốt vào trong ta những chất độc làm hại lá gan. Có thể lá gan đang năn nỉ: “Thôi ông ơi, tội tôi lắm mà! Đừng có uống rượu nữa!” Nhưng ta không nghe thấy lời năn nỉ ấy, vì đầu ta còn đang mãi nghĩ những chuyện gì đâu đâu. Chúng ta chưa bao giờ trở về lắng nghe lá gan của mình. Bây giờ nghe Bụt dạy, ta thực tập: “Tôi đang thở vào và tiếp xúc với lá gan của tôi.”
Chánh niệm về thân thể trước hết là sự trở về với thân thể để nối lại tình thân thuộc lâu nay đã đánh mất. Đối xử với bạn mình, với anh em, cha mẹ mình, ta cũng làm như vậy thôi. Không trở về với chánh niệm thì không thể tiếp xúc, không thể hiểu, không thể thương. Và cũng không biết mình cần chấm dứt ngay những hành động gây đau khổ. Thực tập quán chiếu thân thể là dùng năng lượng của chánh niệm để chiếu rọi, để tiếp xúc và mỉm cười với những bộ phận trong cơ thể.