Bài 19: Quán không trong năm lễ

03/12/2022 2.148 lượt xem

Hôm nay là ngày 27 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại xóm Thượng và học tiếp về Bát Chánh Đạo.

Chủ nhật vừa rồi chúng ta học về năm lễ. Ở Việt nam, cúng lễ tổ tiên không phải chỉ mỗi năm một lần. Chúng ta lạy ông bà, cha mẹ trong những đám cưới, đám hỏi, những ngày giỗ, ngày tết. Lễ là để tiếp xúc với gốc rễ của mình. Trong chùa mỗi ngày chúng ta đều lễ. Chúng ta lễ Bụt, lễ các vị tổ sư, lạy thầy, lạy chúng, v.v..

Quán không trong năm lễ

Trong khi thực tập năm lễ, chúng ta cũng phải biết thực tập về Không quán và Không tam muội. Trước khi lễ, ta chắp tay, thực tập hơi thở để quán chiếu về chủ thể của sự lễ lạy là người lễ và đối tượng của lễ tức là người được lạy. Trong các thiền viện Việt nam, mỗi khi chắp tay chuẩn bị lễ ta phải quán tưởng như sau:

Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch.
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

dịch:

Trong tự tính chân như
Không chủ thể đối tượng
Đệ tử kính lạy Bụt
Trong giao cảm nhiệm mầu.

Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch tức là bản chất của người lễ và bản chất của vị được lễ, cả hai đều không.

Trong khi lễ; chúng ta thực tập quán không. Không ở đây có nghĩa là giữa hai bên, người lạy và người được lạy, có sự tương duyên tương sinh. Chủ thể và đối tượng không phải là những gì tồn tại và độc lập ngoài nhau. Khi cúi xuống lễ tổ tiên, ta phải thấy rằng tổ tiên có liên hệ mật thiết với ta. Ta không thấy cái ngã riêng biệt của ta đối lại với

cái ngã riêng biệt của tổ tiên. Ta thấy được tính chất vô thường, vô ngã của ta và của tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Thấy được tính tương quan, tương duyên và vô ngã giữa ta và ông bà, cha mẹ, thì lễ mới thành công. Quý vị đã từng thực tập và đã thực tập thành công, quý vị đã thấy mình hòa nhập được vào dòng sống tổ tiên, ông bà, cha mẹ và con cháu của mình. Cái ngã của ta tan biến. Khi cái ngã của ta và của tổ tiên ta tan biến thì có sự cảm thông mầu nhiệm và năng lượng của tổ tiên mới truyền qua cho mình được. Đó là ý nghĩa của câu thứ hai: Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Con đường cảm ứng, giao tiếp (communication, communion) mầu nhiệm không thể tưởng tượng được, không thể đàm luận và diễn tả được, đó gọi là nan tư nghì. Khi còn bị giam khóa trong bản ngã của mình, ta chỉ thấy mình là mình, cha mẹ là cha mẹ, mỗi người là một hải đảo hay một tháp ngà riêng. Nhưng khi lạy xuống để quán tưởng ta sẽ thấy được rằng cái ta là do những yếu tố không ta tạo nên. Sự có mặt của ta ở đây tức cũng là sự có mặt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và sông núi. Tự nhiên cái ngã tan đi. Trong trạng thái tan biến đó của cái ngã thì năng lượng của đất nước, của tổ tiên và của ông bà mới truyền sang cho ta được. Đó gọi là cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Có những người thực tập một ngàn tám mươi lễ mỗi ngày. Lễ như vậy được vài ba tuần thì tan hết nỗi khổ, niềm đau, và sự cô đơn của họ. Mỗi khi lạy xuống như thế, cái vỏ bản ngã của họ lại tan rã thêm. Nếu chúng ta lễ như tế sao mà không quán chiếu về tính cách vô thường, vô ngã và tương tức thì sẽ không có thành quả gì. Cho nên lễ là một phương pháp thực tập rất hay. Chúng ta hãy quán tưởng chúng ta đang lạy Bụt Thích Ca Mâu Ni là Thầy của chúng ta, là người khai sáng của đạo Bụt.

Chúng ta đứng trước Bụt Thích Ca Mâu Ni quán tưởng: Lạy Bụt, ngài với con, hai bên đều trống rỗng, không bên nào có một thực thể riêng biệt. Chính nhờ như vậy mà ngài với con mới có sự thông cảm nhiệm mầu. Ít có một tôn giáo nào mà tín đồ hướng về đức giáo chủ để nói một câu nói như vậy. Đối với một số các tôn giáo khác, đó là một thái độ kiêu căng và bất kính rất lớn. Chỉ có trong đạo Bụt người đệ tử mới có thái độ như vậy, vì năng lễ và sở lễ tánh không tịch cho nên cảm ứng đạo giao mới nan tư nghị. Khi lạy xuống, nếu ta chuẩn bị tâm tư kỹ lưỡng chừng nào, thì kết quả càng lớn chừng ấy. Có nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ mới, thấy mình phải ngồi lên để mấy đứa con lạy xuống thì không chịu. Sống trong thời đại dân chủ, mỗi người có nhân phẩm, ngồi lên bắt con lạy xuống như vậy thì khó chịu lắm. Trong chùa cũng vậy, có nhiều thầy bây giờ không muốn người ta lạy mình. Một phần các thầy nghĩ mình không có đủ đức độ, để Phật tử lạy thì tổn phước. Như vậy là chưa đạt giáo lý của Bụt.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×