Bài 20: Quán vô tác vô nguyện

04/08/2023 440 lượt xem

Hôm nay là ngày 30 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại xóm Hạ và chúng ta học tiếp về Bát Chánh Đạo.

Chúng ta đang học về tam giải thoát môn, tức là ba cánh cửa đưa tới giải thoát. Cánh cửa thứ nhất là Không. Quán Không, ta phải thấy tính tương quan, tương duyên, tương tức và tương sinh trong mọi sự mọi vật. Thấy như vậy, ta vượt được hàng rào bản ngã, thoát được ngục tù ý niệm về ta và về của ta, và mở được cánh cửa giải thoát. Trong tăng thân, nhìn bằng con mắt Không Quán, ta thấy sự an vui của ta liên hệ tới sự an vui của người, sự an vui của người liên hệ tới sự an vui của ta. Cho nên không là cách nhìn, quán, và tiếp xúc để thực tập chứ không phải chỉ là đề tài để đàm luận, nghiên cứu.

Vô tướng cũng vậy. Tất cả mọi sự mọi vật được biểu hiện qua tướng và vì thường bị cái tướng ấy đánh lừa, nên ta mới sợ hãi, mới giận hờn, mới căm thù. Khổ đau xung quanh ta và trong ta đều do sự kiện ta bị kẹt vào tướng. Kinh Kim Cương nói về bốn loại tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ mệnh.

Sở dĩ ta bị kẹt vào tướng ngã là vì chúng ta nghĩ có những cái đối lập với ngã tức phi ngã. Khi thấy được trong tướng ngã toàn là những yếu tố phi ngã thì tự nhiên ý niệm về ngã tan biến, và chúng ta thoát ra được khỏi tướng ngã. Tướng thứ hai là tướng nhân. Nhân đây nghĩa là loài người. Cho loài người là một thực tại độc lập, không phải là thú, là cây, là đất đá, chúng ta bị kẹt vào tướng nhân. Chúng ta nói trời sinh ra những con tôm, con cá, con bò, con heo để cho loài người ăn. Ta tưởng cây cỏ, đất đá, không khí, trời, sông, rừng và biển là để cho ta sử dụng thả cửa, ta không cần thương tiếc, không cần bảo vệ. Lo phục vụ tướng người, ta tàn phá các loài động vật, thực vật và khoáng vật. Đạt tới cái thấy vô tướng về người, thấy trong người có hàm chứa các loại động vật, thực vật và khoáng vật ta mở được cánh cửa giải thoát thứ hai. Tướng thứ ba là tướng chúng sinh. Chúng sinh ở đây là các loài động vật, các loài có sự sống. Các loài có mạng sống

tùy thuộc và được tạo thành bằng những loài gọi là vô tình, không có sự sống. Khi tàn phá không khí, sông hồ, biển cả và rừng cây ta cũng hủy hoại luôn những chủng loại gọi là chúng sinh. Cho nên nhìn vào chúng sinh ta phải thấy các yếu tố không phải chúng sinh. Nhìn vào các yếu tố gọi là vô tình ta phải thấy các chủng loại hữu tình. Trong đời sống hàng ngày mà quán chiếu như vậy thì tự nhiên ta thấy được chúng sinh vô tướng. Sau cùng là tướng thọ mạng, nghĩa là khoảng thời gian của mạng sống, từ khi sinh ra đến khi chết. Ta cứ thường nghĩ sinh mạng ta nằm trong khoảng thời gian đó. Khi quán chiếu, ta thấy mình không từng sinh và cũng sẽ không bao giờ diệt đi, thấy rằng ta không bắt đầu có từ khi sinh ra, cũng không bắt đầu không từ lúc chết đi, nhờ thế pháp quán đưa ta tới cánh cửa giải thoát vô tướng về thọ mạng. Nỗi sợ hãi cái chết được dựa trên ý niệm sai lạc là tướng thọ giả. Kinh Kim Cương chỉ nói về bốn tướng nhưng còn rất nhiều tướng khác nữa mà ta có thể quán chiếu. Nếu không dùng niệm và định để quán chiếu thì ta không mở được ba cánh cửa giải thoát không, vô tướng và vô tác.

Trang: 1 2 3 4

×