Hôm nay là ngày 19 tháng Chạp năm 1993, chúng ta học tiếp về Bát Chánh Đạo. Hôm trước chúng ta đã vẽ một trái quít, năm múi tượng trưng cho năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Hôm nay chúng ta vẽ một cái nhà hai tầng. Tầng dưới là Thức uẩn và tầng trên là Hành uẩn.
Chánh niệm và 51 tâm hành
Hành uẩn ở trên đây gồm đủ 51 tâm hành, trong đó có cả Thọ và Tưởng, tức là cảm thọ và tri giác, và 49 hành khác.
Thức uẩn là phần căn bản của tâm thức. đạo Bụt đại thừa (học phái Duy Thức) gọi là Thức A lại da (Alaya) hay Tàng thức. Alaya có nghĩa là hàm tàng, kho cất chứa. Ví dụ lòng đất chứa đựng những hạt giống. Khi những hạt giống ở trong đất tâm phát hiện ra, đó là những tâm hành (mental formations). Từ là một tâm hành, Tầm là một tâm hành, Thọ là một tâm hành, Tưởng là một tâm hành. Hành có nghĩa là phát hiện và lưu hành. Sau khi phát hiện rồi những tâm hành sẽ biến trở lại thành những hạt giống mới. Chúng ta thường ví dụ Thức là cái nhà kho ở dưới và Hành là phòng khách ở trên. Những hạt giống của tâm thức ở dưới nhà kho, phát hiện lên phía phòng khách ở trên, tồn tại một thời gian rồi nó trở lại xuống dưới, lại mang hình thái hạt giống.
Trong số 51 tâm hành có Tầm (vitarka) và Từ (vicara), tức là tác dụng liên tưởng và tư duy, có hạt giống ở trong tàng thức. Tuệ giác của chúng ta cũng tồn tại dưới hình thức những hạt giống ở trong tàng thức. Thường tiếng Anh dịch Tầm là thought, conception. Từ dịch là the continuing activity of the mind. Tầm và từ là ngữ ngôn của ý, như chúng ta nói thầm ở trong ý, trong tâm. Trong trí ta các tâm hành tầm và từ luôn luôn đang hoạt động mà chúng ta không nghe thấy. Ví như chúng ta mở máy phát thanh nhưng không nghe được vì không cắm giây nối vào loa phóng thanh. Khi tư duy chuyển sang ngữ ngôn thì tầm và từ phát hiện trong tiếng nói, như cắm loa phóng thanh vào thì tự nhiên phát ra tiếng. Nhưng trong thức của chúng ta cũng còn có những hạt giống khác, đồng thời phát hiện, để chọn lựa những điều muốn phát thanh ra. Cũng như tầm và từ được kiểm soát, được nhuận sắc. Có nhiều người bệnh tới một bác sĩ tâm lý trị liệu, biết rằng muốn lành bệnh thì phải nói hết cho bác sĩ nghe, nhưng họ vẫn che dấu, hoặc thêm bớt, tô điểm. Vị bác sĩ giỏi có khi bất chợt hỏi một câu, bệnh nhân buột miệng nói. Bác sĩ nhờ câu nói đó mà nắm được một điều, khám phá ra những sự thật ẩn chứa trong tâm người bệnh.
Khi có chánh niệm, ta biết ta đang nghĩ gì, ta tự biết những suy tư đó có phù hợp với chánh pháp không, có phù hợp với nguyên tắc của bốn sự thật, với quan niệm về bốn loại thức ăn hay không. Chánh niệm giống một cây đèn thắp lên trong cái phòng khách phía trên, phòng của tâm hành, soi rõ hình dáng của tầm và của từ. Nhờ đó ta biết ta đang suy tư những gì và, nếu thực tập giỏi hơn, biết được nội dung và bản chất của điều ta suy tư. Biết được như vậy thì tự nhiên tầm và từ thay đổi, đó là nhờ chánh niệm.
Hạt giống chánh niệm là một hạt giống rất quý trong đất tâm. Biết sử dụng thì hạt giống chánh niệm, khi phát hiện thành tâm hành, sẽ đóng vai trò soi sáng, dẫn đường và chuyển hóa. Có chánh niệm, chúng ta sẽ biết tư duy của ta là thiện hay bất thiện, có tác dụng gây tai hại hay không. Khi tầm và từ phát ra thành lời nói, chánh niệm vẫn tiếp tục soi sáng để ta biết ngôn ngữ của ta có phải là ái ngữ hay không. Phát xuất từ chánh kiến, tầm và từ là chánh tư duy. Ngôn ngữ phát xuất từ chánh tư duy là chánh ngữ. Cho nên ngọn đèn chánh niệm rất quan trọng.
Có khi những khổ đau và nội kết chìm sâu trong tâm thức quá lớn. Những giận hờn, bực tức, thất vọng và những thèm khát của chúng ta, đôi khi không cần đi qua trung gian của tầm, từ mà cũng tự phát thành ngôn ngữ. Những nội kết của ta cũng trực tiếp biểu hiện ra bằng ngôn ngữ khi ta không đủ chánh niệm, không đủ sức kiểm soát tất cả những niềm đau, cơn giận, nỗi buồn phiền, thất vọng của mình. Chúng ào ra thành những tiếng gào thét, khóc lóc, chửi rủa, hoặc những lời than vãn và kể lể. Người bác sĩ tâm lý có tài có thể làm cho người bệnh nói ra được điều họ thường che giấu một cách ý thức hay vô thức. Người ấy nói một câu làm động tới một điều sâu kín trong lòng người bệnh; người này tự nhiên mở ra tất cả những điều chất chứa, dù muốn che dấu cũng không được. Trong câu chuyện hàng ngày ta có những bước trượt của vô thức, những câu nói lỡ lời. Ta phải thấy mối liên hệ giữa chánh ngữ và tri giác, giữa chánh ngữ và thất niệm, giữa chánh ngữ với tập khí. Và cuối cùng chánh ngữ liên hệ với bồ đề tâm và từ bi tâm. Khi ta có tình thương, có ý chí muốn cứu giúp người thì năng lượng của bồ đề tâm sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp biểu hiện ra chánh ngữ. Bằng chánh ngữ chúng ta có thể giúp người khác thấy được nỗi khổ, niềm đau và nhìn rõ những khối nội kết của họ. Bằng chánh ngữ chúng ta có thể giúp cho người khác thấy được những hạt giống của hạnh phúc và của tài năng họ mà họ không thấy. Những hạt giống hạnh phúc và các tiềm năng ở trong tâm họ bị đè nén bởi những lớp khổ đau và phiền muộn cho nên không phát hiện ra được. Với chánh ngữ, chúng ta có thể tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và tài năng ấy để chúng tự khai mở.