Bài 16: Chánh định

10/06/2022 3.422 lượt xem

Hôm nay là ngày 16 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ, học tiếp về Tứ Diệu Đế.

Hôm trước chúng ta đã bắt đầu học về chánh tinh tấn và biết rằng năng lượng tinh tấn được phát sinh là do chất liệu của niềm vui và niềm tin. Nếu thiếu niềm vui và niềm tin, nếu ta không có hăng hái và niềm an lạc thì dù ta có cố sức đó cũng không phải là tinh tấn. Tinh tấn không có nghĩa là cố gắng một cách mệt nhọc. Khi việc ta làm đem lại kết quả tốt, đem lại niềm vui và niềm tin thì chánh tinh tấn sẽ đến một cách rất tự nhiên. Nếu trong khi thiền hành và thiền tọa mà ta cảm thấy an lạc, thì tự nhiên ta sẽ thích thiền hành và thiền tọa. Nghe chuông báo giờ thiền hành hoặc thiền tọa thì tự nhiên trong lòng thấy phấn chấn và hân hoan. Lúc đó là ta có chánh tinh tấn. Tôi còn nhớ hồi xuất gia ở chùa Từ Hiếu, tôi đã đi tu với cả một bầu nhiệt huyết. Tôi đã phải tranh đấu lắm mới được gia đình cho đi tu. Gia đình cứ nghĩ đi tu là khổ, một quan niệm sai lầm của người lớn đã trở thành thói quen. Trong khi đó thì mình cứ nghĩ rằng chỉ có đi tu mình mới có hạnh phúc thật sự. Thành ra khi được đi tu mình cũng giống như một con chim được tung cánh bay lên giữa trời. Và đến giờ đi tụng kinh là tôi mừng lắm, đi tụng kinh mà thấy giống như đi nhạc hội vậy. Tôi rất thích tụng kinh, rất thích nghe tụng kinh và rất muốn được tụng kinh với đại chúng. Những đêm trăng từ dưới hồ bán nguyệt nghe tiếng các thầy tụng kinh ở trên chùa mình có cảm tưởng là nghe thiên nhạc. Những buổi sáng có trách vụ phải làm, không được đi tụng kinh, từ xa nghe tiếng tụng Lặng Nghiêm vọng xuống, trong lòng thích thú vô cùng. Những giờ được vào lớp nghe giảng cũng vậy, giờ ngồi thiền hay khóa tịnh độ cũng vậy. Tôi đã đi tu trong không khí đó. Khi trong tăng thân mình đã có tình bạn rồi thì tất cả đều hăng hái trong chuyện tu học.

Nếu trong lúc tham dự mỗi sinh hoạt ta đều hăng hái, tin tưởng và có niềm vui thì đó là ta đang có chánh tinh tấn. Còn khi ta vẫn thấy mệt nhọc, thấy cần phải cố gắng tham dự, thì ta phải xét lại phép thực tập của mình xem có đúng cách hay không. Chúng ta ngồi thiền theo cách thức nào đó, đi thiền hành theo cách thức nào đó cho nên chúng ta mới chán. Điều này cũng tự nhiên. Vì thực tập mà không có thầy chỉ dạy, không có bạn hướng dẫn, lại không tìm thấy những chất liệu nuôi dưỡng thân tâm trong lúc thực tập, thì sự thực tập trở thành một sự ép buộc.

Nhiều thiếu nhi về Làng Hồng, thấy các bạn ngồi thiền, đi thiền và ăn cơm im lặng thì cũng làm theo. Vì người ta làm nên mình cũng phải làm theo thôi, chứ mình không thích thú gì cả. Đi theo, tuy không thích, nhưng có bạn còn dễ chịu hơn là ra ngoài chơi một mình. Tình trạng đó có thể kéo dài cả năm, hai hoặc ba năm. Cho đến ngày nào đó em lớn lên, thấy thiền hành, thiền tọa và ăn cơm im lặng đều mang lại cho em niềm an lạc, và hạnh phúc. Lúc đó em mới bắt đầu tu thật. Nhiều thiếu nhi đã nói thật cho sư ông biết là trong những năm đầu các em chỉ làm cho có hình thức thôi, thấy các bạn làm thì làm theo, chứ không thấy có thích thú nào. Cháu Thục Hiền đến Làng Mai năm tám tuổi, rất ngoan ngoãn tham dự các sinh hoạt, nhưng chỉ làm theo hình thức. Bây giờ Thục Hiền đã lớn, cô ta mới cảm thấy sự thực tập là thiết yếu. Khi lo âu, buồn khổ hoặc bực bội cô ta mới biết rằng những phương pháp thực tập đó tháo gỡ được những nỗi lo buồn và đem lại thảnh thơi cho mình. Lúc đó cô ta mới biết quý sự thực tập. Kinh nghiệm đau khổ của chúng ta nhiều khi giúp chúng ta tới gần sự thật hơn. Những lúc đó ta mới thấy sự quan trọng của những bài tập nho nhỏ như quay về nương tựa hải đảo tự thân. Nếu ta thấy chán nản, không có năng lượng tinh tấn, đó là vì hoặc chưa nắm được phương pháp thực tập đúng, hoặc chưa có nhu yếu tu tập. Lý do khác là chúng ta không thực sự thích thú trong việc tu tập, hay mới chỉ thực tập hời hợt, chưa có cơ hội tự chuyển hóa thực sự.

Đây là bài thi kệ đầu tiên trong cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Bài này để đọc khi mới thức dậy, đang còn nằm trên giường. Ngày xưa trong các tự viện có một bài khác bằng chữ Hán:

Thùy miên thỉ ngộ,
Đương nguyện chúng sanh,
Nhất thiết trí giác,
Châu cố thập phương.

Nghĩa là:

Ngủ nghỉ mới dậy
Nên nguyện chúng sanh
Tất cả trí giác
Đoái khắp mười phương

Bài mới bằng tiếng Việt giàu chất liệu Phật pháp, tươi mát và thực tế hơn. Thức dậy miệng mỉm cười, vì ta thấy hăm bốn giờ mới tinh khôi là một món quà rất lớn trong đời sống. Thường thường ta không thấy một ngày của đời mình là châu báu, và cứ để cho hăm bốn giờ đi qua uổng phí. Thức dậy miệng mỉm cười, hăm bốn giờ tinh khôi. Nụ cười đó đã là nụ cười của giác ngộ. Thấy hăm bốn giờ đồng hồ là một tăng thân lớn ta trân quý từng giây phút một. Hăm bốn giờ đó hư uổng hay hăm bốn giờ mầu nhiệm, điều này tùy thuộc vào chính ta. Nếu để những lo âu, phiền giận và ganh ghét làm hư hỏng hăm bốn giờ đồng hồ, đó là mình tự tàn phá cuộc đời mình, chứ không phải là ai khác. Xin nguyện sống trọn vẹn, là lời nguyện không làm hư uổng hăm bốn giờ đồng hồ này. Mắt thương nhìn cuộc đời là năm chữ trong Kinh Pháp Hoa: từ nhãn thị chúng sinh. Nếu lấy con mắt của tình thương nhìn cuộc đời thì tự nhiên lòng thư thái, có hạnh phúc, và trong cái nhìn sẽ không còn có sự khắt khe và giận hờn nữa.

Buổi sáng thực tập bài kệ đó ta làm cho thế giới tươi sáng lên. Rồi trong mỗi giây phút, khi rửa chén, quét nhà, đi thiền hành, ngồi thiền tọa, ta đều hớn hở như mới bắt được vàng ròng của sự sống. Những người xuất gia được cơ hội gần gũi thầy, gần gũi bạn, thì luôn luôn có điều kiện hạnh phúc hơn những người không xuất gia. Người không xuất gia bị các gánh nặng của gia đình và xã hội đè nặng trên vai, không có nhiều cơ hội bằng. Cho nên người xuất gia phải thể hiện hạnh phúc để tạo hứng khởi cho người tại gia. Nếu người xuất gia không thấy hạnh phúc thì không gây được cảm hứng và niềm tin cho người tại gia. Trong bài văn Cảnh Sách của thiền sư Quy Sơn Đại Viên, có câu: thời quang yếm một, tuế nguyệt ta đà, nghĩa là thời gian đi qua rất mau, ngày tháng như tên bắn, và nếu sống hời hợt thì ta sẽ đánh mất cuộc đời của chính mình, rất uổng.
Tóm lại, tu tập là tạo an vui, mà tu tập càng an vui thì càng thấy phấn khởi, đó là chánh tinh tấn.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×