Chánh niệm nuôi dưỡng các phần khác của thánh đạo
Khi thực tập chánh niệm, ta thấy được vị trí của chánh niệm trong những chi phần khác là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định. Trong khi tư duy có chánh niệm, ta biết đang tư duy về cái gì. Có thể là ta đang thương tiếc quá khứ, và khi có chánh niệm, thì ta biết đang nghĩ về quá khứ. Đang lo lắng tương lai mà có chánh niệm thì tự nhiên ta biết tâm ta đang lo nghĩ về tương lai, và ta đang tự đánh mất mình trong tương lai. Biết rồi thì tự nhiên chánh niệm đưa ta trở về an trú trong hiện tại. Do đó ta biết vai trò chánh niệm trong chánh tư duy rất quan trọng.
Chánh kiến cũng được nuôi dưỡng bằng chánh niệm. Chánh kiến có thể nhận diện được chánh tư duy. Thầy Xá Lợi Phất nói: “Khi có tà tư duy thì chánh kiến cho ta biết đó là tà tư duy. Khi có chánh tư duy thì chánh kiến cho ta biết đó là chánh tư duy, và như vậy đã gọi là chánh kiến.”
Trước đây ta đã biết chánh niệm có nhiều công năng (function). Công năng thứ nhất là làm cho ta (chủ thể) có mặt. Công năng thứ hai là công nhận sự có mặt của đối tượng, của người kia, của sự vật kia. Công năng thứ ba là nuôi dưỡng. Công năng thứ tư là tạo ra an tịnh, có khổ thọ thì làm khổ thọ êm dịu lại, người kia đang đau khổ thì chánh niệm ta cũng giúp cho bớt khổ. Công năng thứ năm là công năng quán chiếu, nghĩa là nhìn sâu. Công năng thứ sáu là công năng giác ngộ, nghĩa là thấu hiểu và công năng kế tiếp là chuyển hóa. Vì vậy cho nên chánh niệm quả thực là thức ăn cho chánh kiến. Chánh niệm tạo ra chánh định, là thức ăn cho chánh định. Trong niệm có định, trong định có niệm. Niệm và Định là hai thứ gần gũi nhất với chánh kiến.
Có chánh kiến ta biết rằng ta đang tà tư duy hay đang chánh tư duy. Tà tư duy là tiếp tục gieo rắc hoặc tưới tẩm những hạt giống không lành trong tâm thức. Chánh tư duy giúp ta gieo rắc và tưới tẩm những hạt giống tốt trong tâm địa. Khi nói năng có chánh niệm, ta biết ta đang nói gì. Tự nhiên ngôn ngữ của ta sẽ chuyển hướng. Đôi khi chánh niệm giúp ta thấy rằng ta đang nói những điều chính ta không muốn nói. Một con ma ở trong ta đang nói. Con ma đó là tập khí, là nỗi giận, là niềm đau có thể đã được trao truyền lại tự hàng ngàn năm trước cho ta. Khi có chánh niệm, ta tự hỏi: mình đang nói gì đây? Đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Đó là một tia ánh sáng chiếu vào. Tự nhiên ta ngừng lại. Nếu điều đang nói có chứa đựng yêu thương và hiểu biết thì chánh niệm cũng cho ta biết. Chánh niệm giúp ta thêm năng lượng để tiếp tục nói những lời yêu thương và hiểu biết ấy. Thành ra chánh niệm nuôi dưỡng chánh ngữ, phòng hộ cho chánh ngữ, là thức ăn của chánh ngữ. Viết một lá thư, một bài văn hay một cuốn sách, đó cũng là cơ hội thực tập chánh ngữ. Chánh niệm soi sáng cho việc viết lách của chúng ta. Mỗi câu viết trong lá thư, ta có thể đọc lại bằng chánh niệm. Viết xong một lá thư, ta nên đọc lại lá thư để thực tập chánh niệm. Đó cũng là thực tập chánh ngữ. Viết câu nào ta biết ta đang viết câu đó; viết đoạn nào ta biết ta đang viết đoạn đó. Viết sách và viết báo cũng vậy, tất cả đều có thể trau dồi thực tập chánh ngữ.
Chánh nghiệp là hành động của thân thể. Chúng ta biết rằng khi quán thân ta cũng phải ý thức được tất cả những động tác của thân thể. Ví dụ như khi hút thuốc ta phải biết là ta đang hút thuốc. Ta nhận diện đơn thuần: tôi đang hút thuốc và tôi biết rằng tôi đang hút thuốc. Đó là chánh niệm. Còn chuyện thói quen hút thuốc mạnh hơn ta, và tuy ta đã có chánh niệm mà ta cứ tiếp tục hút, đó là chuyện khác. Điều quan trọng không phải ở chỗ anh ngưng hút thuốc ngay lập tức hay không, mà ở chỗ anh có ý thức là anh đang hút thuốc hay không. Chánh niệm trước hết là sự nhận diện đơn thuần. Nếu chánh kiến còn yếu thì ta chưa đủ sức ngưng hút thuốc. Có người nói: tôi có chánh niệm rõ ràng, mà tôi vẫn cứ tiếp tục hút thuốc thì chánh niệm có ích lợi gì đâu? Nói như vậy không đúng. Phép tu là anh phải có ý thức rằng anh đang hút thuốc và anh biết anh đang tự làm hại trái tim và lá phổi của anh. Anh mới thực tập chánh niệm được một vài ngày, trong khi đó hút thuốc là một tập khí hai ba chục năm. Ta nên nhớ thực tập chánh niệm ở đây không phải là ra trận để vật lộn với thói quen hút thuốc của anh. Chánh niệm chỉ là ánh sáng chiếu ra, để anh ý thức rằng anh đang hút thuốc. Nếu anh thực tập chuyên cần như trong tăng thân thì một ngày nào đó chắc chắn anh sẽ chấm dứt hút thuốc. Chìa khóa đem lại sự chuyển hóa nằm ở chánh niệm. Nếu anh uống rượu thì điều đầu tiên tôi đề nghị với anh thực tập là có chánh niệm về việc anh đang uống rượu. Cứ thực tập chánh niệm hàng ngày cho chuyên cần, dầu anh vẫn còn uống rượu. Thực tập chánh niệm, một mình hay cùng các bạn, để thấy càng ngày càng rõ rằng uống rượu đem lại những hậu quả nào cho thân, cho tâm, cho gia đình và xã hội. Anh cứ tiếp tục như vậy, một ngày nào đó anh sẽ đủ sức mạnh để chấm dứt uống rượu. Không nên gây ra cuộc chiến giữa chánh niệm và mặc cảm yếu đuối. Chánh niệm có phong thái của một bà mẹ. Biết rằng con mình hư đốn mà vẫn yêu thương, vẫn chăm sóc, vẫn giúp đỡ. Điều này quý vị cần ghi nhớ. Chánh niệm là sự nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra. Không lên án, không trách móc, không tấn công, không tiêu diệt. Chánh niệm nuôi dưỡng, ôm ấp và chuyển hóa. Chánh niệm cũng nuôi dưỡng những phần khác của Bát Chánh Đạo cho đến một ngày nào đó các tập khí có đủ sức chuyển hóa.
Đây là một điều hết sức quan trọng. Tu tập theo đạo Bụt không có nghĩa là tự biến mình thành một chiến trường: phe chánh đánh phe tà. Cuộc tranh đấu này có thể đúng trong một vài truyền thống khác, nhưng trong đạo Bụt thì hoàn toàn sai lạc. Đó là cách nhìn nhị nguyên. Đứa con đang khóc và đang khổ ấy không phải là kẻ thù của bà mẹ. Bà mẹ với đứa con là một. Đứa con hạnh phúc bà mẹ ôm lấy, đứa con khổ đau bà mẹ cũng ôm lấy. Chánh niệm là như vậy. Tình thương là ta mà cái giận cũng là ta nữa. Những yếu đuối trong ta như ganh ghét, nghi kỵ và giận hờn phải được ta chấp nhận là chính ta. Tôi đang thở vào và biết rằng có sự ganh ghét trong tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với sự ganh ghét trong tôi. Đó là hành động nhận diện và chấp nhận. Trong khi thực tập, nếu quý vị thấy có tình trạng chống đối và tranh chấp, thì đó chưa phải là thực tập đúng theo tinh thần đạo Bụt. Sự thực tập ấy còn căn cứ trên cái nhìn nhị nguyên. Cũng như rác và hoa. Những người làm vườn khôn khéo biết biến rác thành phân bón để nuôi hoa. Vì vậy họ không kỳ thị rác, họ gìn giữ rác. Chúng ta muốn có tình thương và có hạnh phúc mà không thấy cần phải xua đuổi và đàn áp nỗi buồn, cơn giận và niềm đau của mình. Nhờ chăm sóc nỗi buồn, cơn giận và niềm đau của ta đúng mức, ta chuyển hóa chúng. Đó là lối nhìn bất nhị, là phương pháp bất nhị.
Kinh thường định nghĩa chánh nghiệp là không tàn hại, nghĩa là không phá hủy, không làm hư hoại và đổ vỡ những gì trong ta và xung quanh ta. Hành động phá hoại và giết chóc là ác nghiệp. Chánh niệm là để biết ác nghiệp là ác nghiệp và thiện nghiệp là thiện nghiệp. Có hai người đang ngắm một con cá đang bơi trong hồ. Một nhà khoa học có thể ngắm con cá để tính toán làm cách nào áp dụng phương pháp của cá bơi để sáng tạo ra loại vỏ tầu thủy có cơ năng chạy nhanh hơn. Trong khi đó, người thứ hai có thể đang nhìn vào con cá để suy tư xem con cá này chiên thì ngon, hay là đem hấp thì ngon hơn. Những thái độ đó biểu hiện tùy theo tập khí mỗi người. Thí dụ nếu như người thứ hai đã đến chùa Làng Mai tu học, đã ăn chay được ba, bốn năm rồi. Anh ta đã có tập khí ăn chay, đã cảm thấy sung sướng trong khi ăn chay và đã bỏ thói quen ăn mặn. Một hôm ra hồ, anh nhìn thấy con cá. Tự nhiên tập khí cũ nhảy ra: con cá này chiên thì sẽ ngon hơn là hấp! Lạ quá! Anh nghĩ, mình đã ăn chay ba, bốn năm rồi, mà cái ông bạn cũ tập khí đó vẫn còn nguyên trong tàng thức, bây giờ lại nhảy ra. Trong trường hợp đó, anh phải làm gì? Tự trách hay không tự trách? Câu trả lời là ta chỉ nên phát khởi chánh niệm, để biết rằng tập khí cũ vẫn còn nấp đâu đó và vừa mới ló đầu ra. “Tập khí ơi, chào mi!” Mỉm cười thì tự nhiên nó tan biến. Lần sau nếu nó xuất hiện nữa thì ta cũng sẽ làm như vậy. Chỉ cần nhận diện đơn thuần mà không cần phải vật lộn với nó. Đến một lúc nào đó, tập khí sẽ được thực sự chuyển hóa. Phép tu trong đạo Bụt là bất bạo động (nonviolence). Phương pháp bất bạo động phát xuất từ cách nhìn bất nhị. Khi ta nổi giận, ta đừng tự giận thêm rằng tại sao mình nổi giận. Giận mình vì mình đang giận thì trên cơn giận này còn chồng thêm một cơn giận khác nữa, năng nề thêm.
Chánh nghiệp trước hết là không tàn hại. Chánh nghiệp còn là không trộm cắp và không tà dâm. Đó là hiểu chánh nghiệp một cách đơn giản, gồm ba trong năm giới. Trong năm giới có những giới giúp ta thực tập chánh ngữ và chánh tư duy. Tất cả năm giới đều phát xuất từ chánh niệm và chánh kiến.