Dính mắc

07/02/2024 189 lượt xem

Trong một ngôi chùa trên núi vắng, có một Hòa thượng và năm đệ tử. Tất cả đều tu hành nghiêm chỉnh, không giao thiệp nhiều với dân làng. Chùa chỉ mở cửa đón tiếp Phật tử mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và mồng một. Ngoài giờ tu hành, tăng chúng trồng rau cải sau chùa để có đồ ăn tự túc. Riêng vị Hòa thượng già, ngài thích trồng mía và hàng ngày thường ra vườn chăm sóc khóm mía của mình. Cuộc sống tu hành êm ả trôi qua, một hôm Hòa thượng bị trúng gió và đột ngột viên tịch không kịp triệu tập đệ tử để trăn trối.

Vài tháng sau, có một vị cao tăng từ phương xa trên đường hoằng pháp ghé đến chùa nghỉ chân vài ngày. Chư tăng trong chùa biết đây là một bậc đắc đạo nên thân hành đảnh lễ cung thỉnh ngài từ bi nhập định xem sư phụ của họ đã siêu sinh Cực Lạc hay chưa? Vị tăng nhập định xong liền dẫn đại chúng ra sau vườn chỉ vào bụi mía và bảo “thầy của quý vị đã tái sinh làm một con sâu trong đó”. Đại chúng không ai tin, nhưng vị cao tăng từ bi chỉ rõ hơn, bảo một thầy nhẹ tay vạch cây lá ra và mọi người đều nhìn thấy một con sâu mía to mập dị thường đang nằm bên trong. Vị cao tăng bảo một người bắt con sâu ra đưa cho ngài. Kỳ lạ thay, khi bị đưa trước vị cao tăng thì con sâu ngóc đầu lên xuống ba lần như đảnh lễ rồi nằm yên chờ lệnh. Khi đó vị cao tăng bèn khai thị: “Vì tâm đam mê, dính mắc vào cây mía nên ông đã tái sinh làm con sâu mía, thật uổng phí cả đời tu hành, nay có nhân duyên gặp ta, ông hãy tỉnh giác xả bỏ cây mía mà đi đầu thai, sớm trở lại thân người, xuất gia tu hành”. Con sâu nghe xong, ngóc đầu lên xuống ba lần như đảnh lễ tạ ơn rồi lại nằm yên. Sau đó ngài đem con sâu vào chánh điện để lên bàn thờ và bảo đại chúng tụng một thời kinh cho nó. Sau thời kinh người ta nhìn lại thì con sâu đã chết từ hồi nào. Vị cao tăng kia bảo các đệ tử thi hành lễ hỏa táng cho con sâu như một vị tăng và cho hay nó đã rời bỏ xác sâu mà đi tái sinh. Chỉ vì tâm luyến tiếc dính mắc vào cây mía trước khi chết mà vị Hòa thượng kia tái sinh làm con sâu quanh quẩn trong khóm mía của mình.

Theo tâm lý học Phật giáo, cái ý niệm chót trước khi chết chính là động cơ dẫn đi tái sinh. Nếu trước khi chết mà nghĩ đến đức Phật A Di Đà hay cảnh giới Cực Lạc thì tâm sẽ tái sinh cảnh Cực Lạc. Nếu trước khi chết mà thương tiếc vợ con, nhà cửa, tài sản thì tâm sẽ tìm đường trở lại với vợ con, nhưng tiếc thay khi trở lại (nếu may mắn được làm người) thì phải trải qua tiến trình của một thai nhi, và sau đó đâu còn gặp được vợ con, của cải như mình tưởng. Nhiều người xuất gia tu hành, từ bỏ gia đình, của cải, cầu giải thoát, nhưng sau đó lại dính mắc vào nhiều thứ khác như chùa to, tượng lớn, danh vọng, địa vị, hoặc những thứ nhỏ nhặt như y bát, đồ cổ, cây kiểng, ăn uống, v.v…

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×