Hồi hướng là bố thí

27/01/2024 281 lượt xem

Ở chùa, cuối các thời kinh đều tụng bài hồi hướng công đức, và sau mỗi thời thuyết pháp cũng có hồi hướng công đức. Bài hồi hướng thường được tụng như sau:

Nguyện đem công đức này Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh Đều trọn thành Phật đạo.

Tại sao lại phải hồi hướng công đức, và tại sao không giữ công đức đó cho mình hoặc hồi hướng cho gia đình, họ hàng của mình mà lại đem cho chúng sinh?

Trong khi tụng kinh thì thân quỳ lạy trang nghiêm, miệng tụng lời kinh Phật, tâm không suy nghĩ chuyện đời, nhờ đó mà ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh, sinh ra phước đức.

Trong một buổi thuyết pháp thì người thuyết và người nghe đều có phước. Người thuyết thì được phước do bố thí pháp, người nghe thì thâu thập lời giảng, tích lũy phước trí, đời sau được thông minh, trí tuệ. Dù có hồi hướng hay không thì vẫn có phước đức.

Tụng kinh, nghe pháp đều là những việc phước, đời sau sẽ tự động cho ra quả báo tốt. Nhưng hồi hướng tức là từ bi nghĩ đến những chúng sinh vô phước, không biết làm phước. Vì vô phước, không biết làm phước nên bị đọa lạc vào ba đường ác. Một khi bị đọa thì làm sao có cơ hội làm phước? Do đó, đã khổ lại càng khổ thêm.

Những người nghèo đói mà được cơm ăn, áo mặc thì họ vui mừng biết bao. Đối với những người nghèo đói thì chúng ta giúp họ bằng tiền bạc, cơm áo. Nhưng đối với chúng sinh cõi khác, nhất là loài ngạ quỷ, họ không xài tiền hoặc ăn uống như mình được nhưng họ cần phước để được an lành, thoát khổ. Khi chúng ta hồi hướng, đó chính là bố thí phước của mình cho họ. Hồi hướng như vậy không hết phước mà lại còn gia tăng. Khi hồi hướng đến một người thì phước của ta tăng lên một, khi hồi hướng đến một trăm người thì phước của ta tăng lên gấp trăm. Và khi hồi hướng đến tất cả chúng sinh thì phước của ta trở thành vô lượng, vô biên, và khi đó phước đức nhỏ bé của ta trở thành công đức vô lượng, vô biên. Và thêm nữa, chúng ta hồi hướng phước của mình cho chúng sinh, không phải để cầu cho họ giàu sang, sung sướng mà cầu cho họ đi hết con đường của Phật, tức là thành Phật và giải thoát, đó là sự mong cầu cao thượng nhất, và như thế công đức đã vô lượng thì nay lại càng thêm vô lượng không thể nghĩ bàn hay tính đếm.

Ngoài đời người ta có câu “Mình ăn thì hết, mà người ăn thì còn”, nếu mình xin được một bát cơm mà ăn một mình thì chỉ no được một bữa, nhưng nếu biết xớt ra chia cho nhiều người khác thì họ sẽ mang ơn mình và giúp đỡ mình khi hoạn nạn, như thế có phải người ăn thì còn không? Miếng ăn nhỏ nhoi mà còn như thế, huống chi phước đức, nhất là hồi hướng cho vô lượng chúng sinh?

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×