Ngoại cảm

04/02/2024 309 lượt xem

Gần đây, tôi được xem chương trình tu học “Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 5” trên đĩa VCD do chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn tổ chức ngày 25/3/2007, có mời một nhà “ngoại cảm” tên Phan Thị Bích Hằng đến nói chuyện về khả năng ngoại cảm của mình.

Ban đầu, vì không nghe quen danh từ “ngoại cảm”, tôi tưởng đó là sự cảm cúm do khí hậu nóng lạnh bên ngoài gây ra. Nhưng rồi tôi cũng đoán biết đó là những người “psychic” hay “medium”.

“Psychic” là người có khả năng tri giác (perception) vượt ngoài mức bình thường như khả năng thấu thị (claivoyance) thấy được ma quỷ, thiên thần, tinh linh, hoặc quá khứ, vị lai; khả năng thấu thính (clairaudience) nghe được người âm, thiên thần, các bậc đạo sư vô hình; khả năng thấu cảm (clairsentience) sờ mó, cảm nhận được những vật vô hình; khả năng thấu giác hay linh cảm (claircognizance) nhận được tín hiệu trực tiếp từ cõi vô hình, không qua ý thức suy nghĩ.

“Medium” là nhà “giao cảm”, họ có khả năng giao tiếp và cảm nhận thế giới vô hình bên kia (other side), nên làm trung gian truyền thông giữa người sống và người âm. Đa số “medium” đều có những khả năng của “psychic”.

Nếu nói theo danh từ bình dân xưa nay thì “psychic” giống như thầy bói tướng, còn “medium” giống như đồng cốt. Nhưng thầy bói thường không có khả năng tâm linh như “psychic”, họ phải nương vào các vật trung gian để đoán như bói bài, tử vi, xem chỉ tay, chỉ chân, mai rùa, bát quái, quẻ xâm, v.v… Còn đồng cốt cũng không có khả năng tâm linh như “medium” mà chỉ là người cho đồng cô, cốt cậu mượn xác nhập vào. Vì vậy đối với người trí thức thì những chuyện bói toán, lên đồng là chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan, dành cho đàn bà, con nít nhẹ dạ.

Trong bài “Sợ Ma” ở trên nói con người gồm có hai phần là thể xác và linh hồn, đó là nói theo quan niệm phổ thông. Nhưng con người được phân chia thành nhiều phần tùy theo chúng ta đứng trên phương diện nào và nhìn dưới khía cạnh nào. Nếu theo Phật giáo thì con người được cấu tạo bởi năm yếu tố là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nhưng nếu theo khoa học huyền bí (esoteric science) thì con người có nhiều thể (body) gồm: thể xác (physical body), thể phách (etheric body), thể vía (astral body), thể trí (mental body), và thể nhân (causal body). Ngoài thể xác thô kệch, các thể sau đều vi tế và lồng vào thể xác nên mắt trần không trông thấy được.

Thể xác được cấu tạo bằng xương bằng thịt nên không cần giải nghĩa.

Thể phách còn được gọi là thể khí (energetic body) được cấu tạo bởi chất ether (dĩ thái) là một chất vi tế gần như hư không nằm giữa vật chất (matter) và năng lượng (energy), chính chất ether này chuyên chở sinh lực mà chúng ta gọi là mạng căn. Hình dáng của nó y hệt như thể xác nhưng mờ ảo như mây khói, có màu nửa trắng nửa xanh lơ. Khi một người già hết sinh lực mà chết thì thể phách cũng tiêu tan theo, nhưng người còn trẻ, khỏe mạnh mà chết vì tai nạn thì thể phách còn sinh lực nên không tan rã kịp. Do đó lâu lâu trong nghĩa địa ban đêm người ta bắt gặp “ma trơi” là những bóng trắng cụt đầu, cụt tay, mất chân, bay là đà trên mặt đất, đó là thể phách của người chết dưới mồ chưa tan rã kịp. Phải mất vài tuần hay vài tháng thì thể phách mới tan rã hết và khi đó ta sẽ không còn thấy những bóng trắng này nữa. Nếu so sánh với ngũ uẩn thì thể phách và thể xác tương đương với sắc uẩn. Xin nói thêm là các “ma trơi” hay thể phách đang tan rã này không phải là “người âm”, mà chỉ là một loại vỏ năng lượng đang tan rã, không có ý thức bên trong. Do đó nếu có dịp gặp “ma trơi” thì bạn cứ việc lại gần và đi xuyên qua nó vì nó không phải là một chúng sinh.

Thể vía được cấu tạo bởi tình cảm và cảm xúc nên còn được gọi là thể tình (emotional body), hình dáng của nó cũng y như thể xác nhưng được cấu tạo bởi những nguyên tử vi tế hơn. Khi chúng ta ngủ thì thể vía thường tách rời khỏi thể xác khoảng vài tấc và nằm lơ lửng bên trên, hoặc có khi nó bay đi đây đó du ngoạn và khi gần thức thì nó nhập trở vào thể xác. Khi tỉnh giấc ta có cảm tưởng như mình nằm mơ thấy cảnh này cảnh nọ . Thể vía được cột với thể xác bằng một sợi giây bạc (silver cord) phía sau ót. Gọi là giây bạc vì màu nó trắng như bạc và rất dẻo dai, có thể đàn hồi, thu ngắn hay kéo dài vô tận. Nhờ sợi giây bạc mà thể vía có thể trở về thể xác trong nháy mắt. Chỉ khi chết thì sợi giây bạc mới tan rã và thể vía không thể nhập lại thể xác nữa. Lúc đó thể vía thực sự đi vào cảnh “Trung giới” (tiếng Anh có nhiều từ như intermediate state, astral plane, other side). Gọi là Trung giới vì đây là cảnh tạm thời, chuyển tiếp trước khi đi tái sinh. Thời gian tồn tại của thể vía dài hay ngắn trong Trung giới tùy vào tình cảm luyến ái nhiều hay ít. Những người không có nhiều luyến ái thế gian thì thể vía tan rã rất nhanh và chuyển tải năng lượng qua thể trí. Những người quá nhiều tình cảm, luyến ái thì thể vía sẽ trụ trong cảnh Trung giới một thời gian dài tương ưng với nồng độ luyến ái. So sánh với ngũ uẩn thì thể vía tương đương với thọ uẩn, vì tình cảm, cảm xúc đều là những cảm thọ. Những người âm thường có thể liên lạc với chúng ta trong giấc ngủ, vì khi đó chúng ta tạm thời xử dụng thể vía giống như họ. Bởi vậy có những người “nằm mơ” gặp người thân ở xa đến báo mộng là họ vừa từ trần, và sau khi tỉnh dậy thì nhận được tin là họ đã từ trần thật sự. Chúng ta tưởng mình nằm mơ, nhưng trong giấc ngủ, họ đã thực sự đến gặp ta bằng thể vía của họ. Mỗi khi thể vía của ta nhập trở lại thể xác thì đa số những kinh nghiệm vừa qua đều bị các tế bào (thô kệch) của bộ não làm quên hết.

Thể trí được cấu tạo bởi những ý tưởng, tư duy, suy nghĩ. Hình dáng của nó cũng y hệt như thể xác, và nguyên tử cấu tạo vi tế hơn thể vía. Thể trí cũng tồn tại trong Trung giới một thời gian dài hay ngắn tùy theo sự dính mắc, bám chấp vào các lý tưởng, quan niệm, tín ngưỡng nhiều hay ít. Khi những sự bám víu này chấm dứt thì thể trí sẽ tan rã và chuyển hết năng lượng qua thể nhân. So sánh với ngũ uẩn thì thể trí tương đương với tưởng uẩn và hành uẩn.

Thể nhân là cái chứa đựng tất cả nghiệp của hành động, lời nói, suy nghĩ. Chính thể nhân là cái đi tái sinh qua đời sau. So sánh với ngũ uẩn thì thể nhân tương đương với thức uẩn.

Mỗi thể đều có những giác quan giống như thể xác, nhưng vì chúng ta không biết nên không thể phát triển và sử dụng. Người khai mở được giác quan thể phách có thể thấy được hào quang (aura) và các kinh mạch vi tế trong thân (như 14 kinh mạch đông y), nghe được âm thanh của các bộ phận trong người như tim, gan, phổi, thận, v.v… Người khai mở được giác quan thể vía có thể thấy, nghe được người âm, chư thiên (devas), thiên thần (angels), hướng đạo tâm linh (spiritual guides), v.v… Người khai mở được thể trí có khả năng đọc được tư tưởng, ý nghĩ của kẻ khác, tương đương với tha tâm thông. Người khai mở được giác quan thể nhân có thể biết được nguyên nhân kiếp trước của kẻ khác, tương đương với túc mạng thông.

Trên đây chỉ nói sơ lược về các thể vi tế của con người để chúng ta có thể hiểu được phần nào khả năng của các nhà ngoại cảm.

Thường xuyên thấy và tiếp xúc được với người âm, đó là do nhãn căn của thể vía được khai mở. Còn lâu lâu bất chợt thấy ma hoặc bóng trắng, bóng đen hiện ra rồi biến mất, đó không phải là ngoại cảm. Như đã nói ở trên, nếu bóng trắng hiện ra ở những nơi như nghĩa địa hoặc lâu đài cổ và không có vẻ muốn tiếp xúc hay liên lạc với chúng ta thì đó là những thể phách chưa tan rã, hoặc là những “ký ức hình tư tưởng” (memory of thought forms), không phải là chúng sinh; còn nếu bóng trắng có hình dáng rõ ràng như người sống và có vẻ muốn liên lạc với chúng ta thì đó là một chúng sinh thuộc cõi âm của Trung giới, hoặc là chúng sinh thuộc Thượng giới (chư thiên, hay thiên thần). Việc họ không thể hiện hình lâu hơn vài giây là vì họ phải vận dụng rất nhiều năng lượng để nâng cao tần số rung động (vibration rate) khiến các nguyên tử vi tế cô đọng lại thành hình sắc cho chúng ta nhìn thấy. Làm như vậy rất mệt giống như bắt họ phải chạy hết ga 100 thước trong vài giây. Vì thế nên họ chỉ hiện ra trong chớp mắt. Còn các bóng đen cũng là người âm nhưng thuộc cảnh Trung giới thấp (low astral plane), họ là những chúng sinh nhiều tà kiến, mất đi các tánh thiện, nên bị kẹt lâu đời khó siêu thoát.

Có người sẽ thắc mắc làm thế nào để khai mở giác quan thể vía?

Có ba cách:

Do bẩm sinh: ở Âu Mỹ có những trẻ nhỏ sinh ra đã sẵn có khả năng ngoại cảm, chúng được gọi bằng nhiều danh từ như “con nít chàm ” (indigo child), “trẻ thủy tinh” (crystal child) hay “trẻ cầu vòng” (rainbow child). Những khả năng bẩm sinh này do đời trước đã tu luyện thiền định hoặc các phương pháp huyền bí như đạo cổ Ai Cập; hoặc các giống dân cổ xa xưa như Lemurian, Atlantean38 (có nền văn minh tiến bộ hơn hiện nay và có khả năng tâm linh rất cao) sau khi tái sinh ở các hành tinh khác một thời gian, nay đầu thai trở lại trái đất.

Do biến cố tai nạn: có người do té cầu thang, xương cụt (coccyx) bị đập mạnh, kích động luồng hỏa hầu (kundalini) chạy dọc lên sạn đạo trung ương (sushumna), xuyên qua các luân xa và khai mở giác quan thể vía; có người bị tai nạn như đụng xe, sét đánh , hoặc ghẹt tim chết vài giờ rồi sống lại, nhờ chết đi trong thời gian ngắn nên giác quan thể vía được khai mở một cách tự nhiên; có người bị nhiễm độc óc mà không chết, hệ thần kinh, đặc biệt là tuyến tùng (pineal gland) và tuyến yên (pituitary gland) được kích động nên khai mở.

Do tu luyện: tu thiền định, vào được định sâu và lâu, bặt hết giác quan của thể xác, khi đó các giác quan thể vía tự động thức tỉnh, giống như đứa bé sơ sinh, vừa ra khỏi bụng mẹ thì tức khắc mở mắt, la khóc, dãy dụa, hít thở; ngoài cách tu thiền định theo kiểu truyền thống, còn có những phương pháp bí truyền của mật tông, hoặc phương pháp khoa học của các ngành tình báo, tập luyện cho điệp viên, mật thám của họ, v.v…

Vấn đề kế tiếp được đặt ra là chúng ta làm gì với khả năng ngoại cảm, hay sự khai mở giác quan thể vía? Đạo Phật chú trọng đến việc diệt trừ tham, sân, si, và ô nhiễm phiền não trong tâm để giải thoát sinh tử luân hồi nên không màng đến việc khai mở thần thông hay khả năng ngoại cảm. Vì thế người tu thiền nếu khai mở được một chút thần thông cũng không quan tâm và bỏ qua thì tự động nó sẽ biến mất. Hoặc có người thích thú đạt được nhưng sau một thời gian thấy nó làm chểnh mảng việc tu hành và có khi gây ra phiền não nên cũng bỏ qua.

Nhưng ngày nay có những nhà “ngoại cảm” xuất hiện ở Việt Nam, vì họ không phải là tu sĩ Phật giáo nên có thể đem khả năng hy hữu đó ra phục vụ quần chúng. Ngoài việc đi tìm mồ mả giúp người âm và người dương được mãn nguyện, nhà ngoại cảm đã đóng góp và làm sáng tỏ nhiều điều ích lợi sau đây:

  • Chứng minh có một đời sống sau khi chết.
  • Người chết rồi không phải là hết, là mất tiêu.
  • Tánh tình khi sống làm sao thì sau khi chết vẫn như thế, không thay đổi.
  • Người chết nặng tình luyến ái, hoặc có những việc u uẩn chưa giải quyết thì khó siêu thoát.

Nhiều người chết rồi mà không ý thức là mình đã chết nên mắc kẹt trong cõi Trung giới, không siêu thoát, tiếng Anh gọi là “earthbound”.

Phật giáo Nguyên Thủy không có nói về 49 ngày của “thân trung ấm”, nhưng Phật giáo Đại thừa vẫn có truyền thống cầu siêu cho người chết trong vòng 49 ngày (thất tuần) và nghĩ rằng sau 49 ngày thì vong linh phải đi tái sinh. Có lẽ truyền thống này được phát xuất từ kinh Địa Tạng. Riêng Phật giáo Tây Tạng rất chú trọng đến việc tụng niệm cầu siêu cho người chết trong vòng 49 ngày theo giáo lý Bardo Thodol (Tử thư Tây Tạng) do ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) trước tác.

Xuyên qua việc tìm mộ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, chúng ta nhận ra một điều đáng chú ý là không phải vong linh nào cũng đi tái sinh sau 49 ngày, mà ngược lại có rất nhiều vong linh bị mắc kẹt, vất vưởng trong cảnh Trung giới nhiều năm, nhiều tháng. Đa số quý thầy thường xếp những vong linh mắc kẹt này vào loài ngạ quỷ, cho rằng sau 49 ngày thì họ tái sinh thành ngạ quỷ. Nhưng nếu tái sinh thành ngạ quỷ, đó tức là đã đi qua một kiếp sống mới, với một hình sắc mới như trong kinh thường tả là bụng to như cái trống, cổ họng nhỏ như cây kim, miệng hôi thối, thở ra lửa, v.v… Theo tôi thì những vong linh này chưa tái sinh qua một kiếp sống khác, bởi vì họ vẫn còn mang hình sắc của kiếp sống cũ, và vất vưởng trong cảnh Trung giới, xen kẽ với cảnh dương thế mà không có cách nào liên lạc được với người thân. Chỉ khi nào được sự giúp đỡ, khai thị, hiểu được hoàn cảnh mắc kẹt hoặc được mãn nguyện thì họ mới đi tái sinh. Do đó thời gian 49 ngày chỉ là khoảng thời gian trung bình chứ không phải nhất định.

Ở Mỹ hàng năm thường có những “Hội chợ ngoại cảm” (Psychic Fair) tổ chức tại các thành phố lớn như New York, San Francisco, Houston, Phoenix, v.v… Đến các hội chợ này, bạn sẽ thấy đủ loại ngoại cảm như bói bài, xem hào quang, soi kiếp, liên lạc với người quá cố, v.v… Đa số là những người mới hành nghề, họ đến các hội chợ này để chào mời khách. Những nhà ngoại cảm nổi tiếng, nhờ viết sách hoặc được mời lên tivi, thường không có mặt trong các hội chợ này.

Sau đây xin giới thiệu bạn đọc vài nhà “ngoại cảm” nổi tiếng như Barbara Ann Brennan, Sylvia Browne, Allison Dubois và James Van Praagh.

Bà Barbara Ann Brennan không xem mình là một nhà ngoại cảm mà là một người chữa bệnh tâm linh (spiritual healer), bà có khả năng nhìn thấy các thể vi tế, luân xa, kinh mạch, lục phủ, ngũ tạng, và các bướu ung thư trong cơ thể con người chẳng khác gì máy quang tuyến X. Bà cũng nghe được các âm thanh vi tế và giao tiếp với các vị hướng đạo tâm linh (spiritual guides) vô hình. Những khả năng của bà là một loại “ngoại cảm” hạng cao, nhưng bà dùng nó vào việc chữa bệnh và nghiên cứu. Bà có mở trường dạy về cách chữa bệnh về các thể vi tế, và bà đã từng làm việc tại trung tâm nghiên cứu không gian NASA. Có nhiều bác sĩ đã gửi bệnh nhân đến cho bà chữa trị, vì họ không tìm ra được căn bệnh với các máy móc y khoa thông dụng.

Bà Sylvia Browne là một nhà ngoại cảm nổi tiếng từ lâu, đã viết nhiều sách bán chạy nhất (bestseller) ở Mỹ. Chuyên môn của bà là nói về thế giới bên kia cửa tử (the other side), vì bà có khả năng thấy và giao tiếp với người âm. Bà thường được mời đến các ngôi nhà ma (haunted house) để tiếp xúc với các vong linh ám ảnh chưa siêu thoát và khuyên bảo họ ra đi (tái sinh). Bà đã xuất hiện nhiều lần trên các đài truyền hình của Montel Williams, Larry King, ABC, CNN, v.v…

Bà Allison Dubois là nhân vật gây cảm hứng cho bộ phim “Medium” được chiếu hàng tuần trên đài NBC. Bà có khả năng thấy, nghe, tiếp xúc với người âm, và đặc biệt là có thể đọc được tâm ý kẻ khác. Bà dùng khả năng ngoại cảm để giúp các cơ quan cảnh sát, công an, đi tìm những người mất tích vì bị ám sát hay bắt cóc, và những hung thủ giết người. Ngoài ra bà cũng đóng góp vào những cuộc thử nghiệm của đại học Arizona giúp các nhà khoa học tìm hiểu về thế giới bên kia cửa tử. Vì tốt nghiệp luật sư nên bà cũng tham gia vào các phiên tòa để giúp các bồi thẩm đoàn đạt được quyết định đúng đắn, vì trong các phiên tòa bà thường thấy các nạn nhân bị giết ngồi ngay bên cạnh bà.

Ông James Van Praagh là một nhà ngoại cảm nổi tiếng hiện nay, sách của ông được xếp vào loại bán rất chạy ở Mỹ. Ông là người thực hiện bộ phim “Ghost whisperer” (người thì thầm với ma) được chiếu hàng tuần trên đài CBS, dựa trên cuộc đời của bà Mary Ann Winkowski, một nhà ngoại cảm bạn của ông. Trước khi nổi tiếng, ông từng làm nghề “liên lạc với ma” (spirit communicator) giúp người chết liên lạc với người thân còn sống để giải tỏa những uẩn ức tình cảm, tâm lý giúp họ siêu thoát. Sau khi nổi tiếng rồi thì ông thường đi diễn thuyết khắp nơi trên nước Mỹ và Âu châu về thế giới của người âm.

Trên đây là sơ lược vài nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn rất nhiều nhà ngoại cảm khác với khả năng không thua kém gì, nhưng vì họ không viết sách nên ít ai biết đến. Các giới chức trách, công an, cảnh sát, FBI, mỗi khi gặp khó khăn trong sự truy lùng các tội phạm giết người thường tìm đến sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm và dấu tên của họ để tránh sự trả thù.

Ngày nay ở Việt Nam xuất hiện những nhà ngoại cảm đi tìm xác, tìm mộ cứu giúp người âm được toại nguyện là một việc hy sinh lớn lao đáng xưng tán. Tuy nhiên, nếu các nhà ngoại cảm biết thêm Phật Pháp thì có thể giúp cho người âm siêu thoát một cách nhanh chóng hơn. Đa số các vong linh này chưa siêu thoát chỉ vì si mê, lầm chấp cái thân xác đã chết nằm sâu dưới lòng đất là mình nên cứ lảng vảng quanh đó. Nhờ khả năng ngoại cảm, thấy và giao tiếp được với người âm thì các nhà ngoại cảm có thể giảng cho họ biết là họ đã chết, không nên lệ thuộc, bám víu vào xác thân tứ đại nữa.

Ngoài ra nếu các cơ sở nghiên cứu khoa học biết lợi dụng khả năng hiếm có của các nhà ngoại cảm để tìm hiểu về thế giới vô hình sau khi chết thì sẽ nâng cao trình độ dân trí, bớt đi sự mê tín dị đoan hoặc quan niệm duy vật vô thần, chỉ lo chạy theo tiền bạc, của cải, quyền lực mà không biết đến đời sống tâm linh. Sau khi chết phải làm hồn ma mắc kẹt trong Trung giới, sống không ra sống, mà chết cũng không ra chết.


Chú giải:
Cảnh này cảnh nọ: Không phải giấc mơ nào cũng đều do thể vía đi du ngoạn nhìn thấy, đa số những giấc mơ vô nghĩa, không đầu không đuôi là do chủng tử từ A lại da thức hiện hành.
Màu chàm là màu xanh dương đậm phát xuất từ cây chàm,
Lemurian là người sống ở châu Lemuria. Atlantean là người sống ở châu Đại Dương (Atlantis). Cả hai châu này đều đã chìm xuống biển Thái bình dương và Đại tây dương hàng chục ngàn năm trước.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×