Quy y nhị bảo

29/12/2023 137 lượt xem

Cũng vì thiếu sáng suốt, đi theo một vị thầy vì tình cảm, nên khi cơm không lành, canh không ngọt thì chết dở. Tình cảm ở đây không có nghĩa là yêu thương mà là cảm tình. Thí dụ đến chùa được thầy hỏi thăm, chú ý, ân cần, ưu đãi, rồi cảm thấy quý mến thầy và lui tới thường xuyên để công quả, giúp đỡ, hộ trì thầy.

Có nhiều người chỉ thích đến chùa làm công quả mà không thích học đạo, nghe pháp. Đây là một điều vô cùng thiếu sót, vì không học đạo nên không biết cách tu tâm sửa tánh. Trước kia ở nhà thường làm cơm cho con cháu, nay vô chùa thì làm cơm cho quý thầy. Người nào cũng muốn trổ tài nấu nướng, dâng lên quý thầy món ngon, vật lạ. Từ đó sinh ra tranh giành phiền não trong nhà bếp. Lỡ hôm nào thầy không ăn món của mình mà ăn món của người khác thì buồn. Đó là nói về phụ nữ. Còn nam giới thì chỉ thích ủi đất, xây tường, đắp tượng, lợp ngói, đào hồ thả sen, lát gạch, v.v… Nói chung ai cũng cố gắng ra sức đóng góp cho ngôi Tam Bảo. Đó là điều rất tốt, nhưng vì không chịu học đạo, nghe pháp, tu tập nên những tánh tham, sân, si, mạn, ganh không được diệt trừ, và từ đó dễ sinh ra phiền não khi có chuyện đụng độ về quyền lợi.

Nếu phiền não giữa Phật tử với nhau thì còn đỡ, nhưng nếu phiền não với thầy mà không giải tỏa được thì “thần tượng sụp đổ”. Trước kia kính mến thầy bao nhiêu thì nay giận hờn và thù ghét thầy bấy nhiêu. Nhiều người tức giận bỏ chùa, ra ngoài nói xấu thầy khiến người khác mất niềm tin nơi chư tăng và tuyên bố từ nay chỉ quy y nhị bảo (Phật và Pháp) chứ không quy y Tăng bảo nữa.

Vì có tà kiến như vậy nên quả báo sau này sẽ không gặp được những bậc chân tu đạo đức mà tiếp tục gặp các tà sư, đạo đức giả và càng làm cho mình mất tín tâm.

Đúng ra, sau khi thất vọng về một vị tăng, ni nào thì phải tự trách mình đã vô minh, thiếu phước, thiếu suy nghĩ, không sớm nhận ra bản chất của vị đó, hoặc do đời trước hay phỉ báng, nói xấu Tăng bảo khiến đời này không gặp được bậc chân tu. Và phải thành tâm sám hối, cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho mình nghiệp chướng tiêu trừ, sớm gặp được thầy lành bạn tốt dẫn dắt trên đường đạo.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×