Thần tượng sụp đổ

24/12/2023 147 lượt xem

Trên đường tầm thầy học đạo, chúng ta không biết thầy nào hay thầy nào dở, nên hễ nghe ai nói thầy nào nổi tiếng, giảng hay là chúng ta tìm đến. Tìm một vị thầy nổi tiếng không có gì sai quấy, nhưng chúng ta cần phải vận dụng tánh linh và lý trí để xem xét lời dạy của thầy đó có đem lại lợi ích cho mình và người hay không?

Khi bị khổ đau, phiền não mà nghe được một vị thầy nào đó giảng hay, chúng ta thường nghĩ là theo học với thầy đó sẽ cứu mình hết khổ. Thầy giảng hay là chuyện của thầy, còn mình có hết khổ hay không là chuyện của mình. Nghe giảng xong thì phải đem ra áp dụng tu tập để chuyển hóa khổ đau. Vì thế trong bài sám Tịnh độ của kinh Nhật tụng có câu: “Chúng con khổ nguyện xin cứu khổ, chúng con khổ nguyện xin tự độ”. Muốn hết khổ thì chính mình phải tu tập. Đức Phật chỉ là người chỉ đường (đạo sư), còn đi hay không là chuyện của mình.

Đức Phật dạy khi học đạo phải “y pháp bất y nhân” để phòng ngừa đệ tử chạy theo vị thầy vì tình cảm, vì háo danh, hay vì lợi dưỡng mà quên đi phần chính là giáo pháp. Chính vì “y nhân bất y pháp” mà nhiều người ban đầu háo hức chạy theo một vị thầy nổi tiếng, sau một thời gian nhận ra là thầy vẫn còn những tánh hư tật xấu hoặc thầy trò xích mích nhau thì thần tượng ban đầu bị sụp đổ.

Thần tượng sụp đổ là một vết thương tâm linh rất lớn, nếu không biết chữa trị thì tác hại vô cùng, nó làm cho người cầu đạo chán nản, thất vọng, xa lìa đạo lý, và nhiều khi đâm ra nghi ngờ, thù ghét tất cả chư tăng, hoặc tệ hơn nữa là rêu rao bêu xấu nhau, tạo khẩu nghiệp, gây oan trái nhiều đời nhiều kiếp.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×