Tái ông mất ngựa

06/01/2024 389 lượt xem

Sau đây là chuyện cổ tích “Tái Ông thất mã”. Ở gần biên giới miền bắc Trung Hoa, có một người tên Tái Thượng Ông, mà người ta quen gọi là Tái Ông.

Tái Ông có nuôi một con ngựa mà cả làng đều khen đẹp. Bỗng một hôm, con ngựa này xổng chuồng chạy đâu mất. Nghe tin sửng sốt, hàng xóm của Tái Ông cùng nhau đến thăm và an ủi vì sợ ông buồn. Nhưng Tái Ông không buồn mà còn vui vẻ nói:

– Mất ngựa chưa chắc là một tai họa. Biết đâu không chừng đó là một điều tốt.

Nghe ông nói như vậy, bà con lối xóm ngạc nhiên, tiu nghỉu bỏ ra về.

Ba ngày sau, con ngựa đi hoang trở về và dắt theo một con ngựa cái. Nghe tin lạ, bà con lại rủ nhau đến thăm Tái Ông và chúc mừng. Ai ngờ Tái Ông không mừng mà còn bình thản nói:

– Tự nhiên có được một con ngựa cái chưa chắc là hên. Biết đâu nhiều khi đó là điềm xui.

Nghe ông nói như vậy, bà con hàng xóm chưng hửng bỏ ra về và ngạc nhiên hơn lần trước.

Con trai của Tái Ông, trong tuổi thanh niên, rất ưa thích con ngựa cái này. Hàng ngày, anh cưỡi nó chạy rong trong rừng. Một hôm nọ, không biết anh cưỡi làm sao mà bị té gẫy chân. Nghe tin dữ, bà con lại rủ nhau đến thăm và an ủi. Ai dè Tái Ông vẫn bình thản, điềm nhiên trả lời:

– Gẫy chân chưa chắc là xui. Biết đâu đó là điềm lành.

Nghe ông nói như vậy, bà con mất hứng bỏ ra về. Ai nấy đều nghĩ bụng, Tái Ông thật là lạ, ăn nói chẳng giống người bình thường chút nào.

Sau đó không lâu, giặc cướp nổi dậy khắp nơi, nhà vua ban lệnh bắt tất cả trai tráng trong làng phải tòng quân dẹp giặc. Cậu con trai của Tái Ông, vì gẫy chân nên không phải đi lính, nhờ vậy mà được ở nhà yên ổn với cha, trong khi nhiều chàng trai khác ra đi không hẹn ngày trở về.

Chuyện Tái Ông chỉ đơn giản có thế thôi. Nhưng tôi tự hỏi không biết Tái Ông có tu thiền hay không? Vì Tái Ông hành xử không khác một thiền sư, tức là mất không buồn, mà được cũng chẳng vui, tâm an nhiên tự tại đúng với tôn chỉ “bát phong xuy bất động” của nhà thiền.

Đa số chúng ta giống như những người hàng xóm của Tái Ông, tức là mất thì buồn, được thì vui. Đó là để cho hoàn cảnh làm mình đau khổ, cho phép hoàn cảnh làm chủ mình, và giựt giây mình. Mỗi khi gặp chuyện không may thì than trời trách đất, than thân trách phận. Sống ở đời không thể nào tránh khỏi mất mát, nhưng chúng ta có thể tránh khỏi đau khổ, bởi vì đau khổ hay không tùy thuộc vào sự nhận thức và tiếp đón sự vật của mình.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×