Lòng tin

07/01/2024 253 lượt xem

Trong làng nọ ở xứ Tây Tạng, có một bà lão rất thật thà chất phác, suốt cuộc đời chỉ biết lo cho chồng con. Sau khi chồng chết, đứa con trai bỏ đi làm ăn phương xa, bà ở nhà không biết làm gì nên người hàng xóm rủ bà đi chùa tụng kinh, nghe pháp. Bà đi theo vài lần, nhưng vì lớn tuổi, hơi sức lại yếu nên tụng kinh không được, còn nghe pháp thì nghe tai này lọt qua tai kia, chẳng nhớ được gì. Thấy thế, một vị lạt ma bèn dạy cho bà tụng câu thần chú của Quan Thế Âm bồ tát, đó là “Úm ma ni bát mê hùng” , và dạy bà tụng càng nhiều thì Quan Thế Âm bồ tát sẽ cảm ứng phù hộ cho bà. Bà vui mừng tin theo và về tới nhà bắt đầu tụng ngay đêm đó. Nhưng vì đã già, kém trí nhớ, nên thay vì đọc “Úm ma ni bát mê hùng” thì bà lại đọc lộn thành “Áng mây đi bắt mây hồng” và say sưa thành tâm tụng riết. Bà tụng chú rất siêng năng, trong lòng thành tâm cầu Quan Thế Âm bồ tát phù hộ cho bà mạnh khỏe không bệnh tật, vì già yếu ở một mình lỡ bệnh hoạn thì không có ai lo, và bà cũng cầu nguyện khi chết thì được bồ tát đến đón về Cực Lạc phương tây. Bà trì tụng siêng năng như thế được ba năm thì có một vị lạt ma cao cấp từ phương xa đi ngang qua làng của bà để đến tu viện gần đó.

Trên đường đi, vị lạt ma nhờ có thần nhãn, thấy trên nóc một căn nhà lụp xụp chiếu sáng hào quang, và nhìn kỹ thì đó là hình Quan Thế Âm bồ tát. Ngài rất ngạc nhiên, nghĩ bụng chắc có một vị tu sĩ hay ẩn sĩ tu chứng đang ở trong đó. Ngài bèn ghé vào hỏi thăm và thấy chỉ có mỗi mình bà lão. Ngài hỏi bà có tu tập gì không?

Bà đáp: “Thưa ngài, con chỉ biết tụng một câu thần chú thôi”.

Lạt ma hỏi tiếp: “Đó là câu thần chú gì vậy?”

Bà đáp: “Dạ thưa ngài, đó là Áng mây đi bắt mây hồng”.

Nghe qua vị lạt ma vừa tức cười vừa tội nghiệp bà lão đọc không đúng. Ngài bèn dạy lại cho bà câu thần chú và tập cho bà phát âm đúng trước khi ra đi.

Sau khi chia tay và đi được một quãng khá xa, vị lạt ma quay lại nhìn ngôi làng thì ô hay, không còn thấy hào quang và hình dáng Quan Thế Âm bồ tát trên nóc nhà bà lão nữa. Ngài biết có chuyện gì không ổn nên vội vàng quay trở lại.

Về phần bà lão, suốt ba năm qua bà siêng năng, thành tâm tụng “Áng mây đi bắt mây hồng” nên tâm bà được chuyên nhất, không vọng tưởng lăng xăng, chẳng khác gì một hành giả tu thiền định. Nay vị lạt ma này dạy bà đọc “Úm ma ni bát mê hùng”, bà vâng lời làm theo, nhưng khi tụng bà cứ bị lộn hoài nên tâm không còn chuyên nhất. Vì không chuyên nhất, nên vọng tưởng xen vào làm bà tán loạn và từ đó mất đi sự cảm ứng với Quan Thế Âm bồ tát.

Khi vị lạt ma trở lại gặp bà lão, ngài hỏi bà có tụng đúng như ngài dạy không? Bà đáp là tụng đúng y như ngài vừa dạy nhưng vì chưa quen nên tụng sai hoài. Vị lạt ma này là một Géshé , có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nên ngài hiểu ra ngay vấn đề.

Ngài nói với bà: “Thôi bà hãy tụng lại như trước đây”.

Bà lão ngạc nhiên: “Nhưng ngài nói là con tụng sai kia mà!”

Lạt ma từ bi nói: “Ta nói đó là cốt thử bà thôi, chứ bà tụng đúng rồi, cứ tụng theo như cũ là tốt lắm vì Quan Thế Âm bồ tát luôn hộ trì cho bà”.

Bà lão vui mừng đảnh lễ cám ơn vị lạt ma.

Cũng như lần trước, đi xa một quãng, vị lạt ma ngoảnh đầu nhìn lại ngôi làng thì thấy hào quang và hình bóng Quan Thế Âm bồ tát xuất hiện trở lại trên nóc nhà bà lão. Lần này ngài mỉm cười gật đầu và tiếp tục tiến bước.

Có những người thắc mắc tụng chú mà không phát âm đúng với tiếng Phạn (Sanskrit) thì có linh ứng không? Câu chuyện trên đã trả lời phần nào rồi. Ngoài ra hầu như ít có ai tụng chú đúng với Phạn âm, và dù có tụng đúng 100% mà không có lòng thành và nhất tâm thì cũng không linh. Linh ứng hay không là do tâm thành và nhất tâm vì chư Phật, bồ tát đều có tha tâm thông, các ngài đâu cần phải dùng tai để nghe chúng sinh phát âm đúng hay sai.

Hãy lấy thí dụ đơn giản về câu Nam mô A Di Đà Phật, tiếng Phạn là Namo Amitabha Buddha, người Tàu đọc là Namo Amituofo, người Nhật đọc là Namu Amida Butsu. Vậy thì đức Phật A Di Đà sẽ rước ai đây? Chẳng lẽ ngài chỉ tới rước những người đọc Namo Amitabha Buddha thôi sao? Còn những người khác tụng theo âm tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Nhật thì ngài không hiểu sao?

Các thần chú từ tiếng Phạn dịch sang tiếng Tàu không còn trúng nguyên âm, đến khi dịch một lần nữa sang tiếng Việt thì lại càng xa với nguyên âm ban đầu. Đối với tiếng Nhật, hay tiếng Tây Tạng cũng thế. Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng là chuyên về Mật tông, nhưng các thần chú Tây Tạng cũng không thể đúng hoàn toàn 100% với tiếng Phạn.


Chú thích:

[Úm ma ni bát mê hùng]: Om mani padme hum.
[Géshé]: một giáo phẩm tương đương với tiến sĩ Phật học ở Tây Tạng.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×