Một cô Phật tử nọ ở Canada kể rằng cô thường nằm mơ thấy mẹ hiện về nhiều lần trách tại sao lại để cho người ta mổ xẻ thân thể của bà lấy đi các bộ phận? Cô rất hoang mang không biết mình có làm lỗi không?
Số là mẹ cô bị bệnh nặng rơi vào hôn mê hoàn toàn (coma ), tiếc thay trong lúc sống người Việt Nam rất ít để ý tới những chuyện viết di chúc, hoặc ủy nhiệm thư (nếu bị coma thì ai là người quyết định số phận dùm mình?), nên khi bà bị hôn mê như vậy, nhà thương đã gọi gia đình đến để giải quyết có nên rút ống thở và tiếp thức ăn để bà ra đi sớm hay không? Vì để bà nằm lâu trong trạng thái thực vật như vậy không ích lợi gì mà chỉ tốn tiền gia đình.
Cô là một Phật tử, thọ Bồ tát giới, và có biết đến việc hiến bộ phận nội tạng, nên cô thuyết phục gia đình bố thí các bộ phận thi thể của mẹ. Ai ngờ sau đó, cô thường nằm mơ thấy mẹ hiện về than trách.
Việc làm của cô mới nhìn qua có vẻ tốt vì cứu được nhiều người khác, nhưng cô quên mất là cô đã bố thí bộ phận trong cơ thể của mẹ chứ không phải của cô.
Như đã nói trong bài “Bố thí máu” ở trước, “những người còn bám víu, ái luyến, cưng chiều cái thân của mình quá thì không nên làm giấy hiến bộ phận, vì thân thể là cái mà con người bám víu nặng nhất, cho đó là Ta, là mình. Những người này sau khi chết, nếu thấy ai mổ xẻ lấy đi bộ phận của mình thì sẽ tức giận và khó siêu thoát”. Khi sống tánh tình làm sao thì sau khi chết cũng như vậy. Nếu lúc sống, bà không biết gì về Phật Pháp, hoặc chỉ biết sơ như đi chùa tụng kinh, lạy Phật, làm công quả, nhưng còn bám víu nhiều vào cái thân của mình thì sau khi chết đương nhiên bà đâu có muốn ai cắt xẻ thân mình lấy đi các bộ phận bên trong. Và nếu bị cắt mất thì bà hiện về than trách cũng là chuyện dễ hiểu.
Việc cô này có thể làm là hằng đêm, trước khi đi ngủ, nên tĩnh tâm vài phút nói với mẹ mình là cô rất ăn năn, xin lỗi việc cho phép “hiến bộ phận của bà”, và cầu xin bà tha thứ cho cô. Vì cô vô tình đã làm theo ý của người sống chứ không theo ý của người chết!
Có một bà cụ chuyên tu Tịnh Độ, lúc sống thường lui tới chùa tụng kinh niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc. Bà cũng dặn con cái là khi bà chết thì nhớ mời thầy trụ trì tới tụng kinh cầu siêu cho bà. Con cái của bà rất có hiếu nhưng lại tu theo Thiền, nên đến ngày bà cụ chết, họ vâng lời mời thầy trụ trì tới tụng kinh Tịnh Độ cho bà, nhưng đồng thời cũng mời các tăng ni phái Thiền tới làm lễ. Thầy Tịnh Độ vừa cầu nguyện cho bà siêu sinh Cực Lạc xong, thì tới phiên thầy Thiền nhắn nhủ bà cứ yên chí đừng đi đâu hết, vì Ta Bà là Tịnh Độ, hãy trở về đây với con cháu. Tội nghiệp hương linh bà cụ, vừa xuất ra khỏi xác nghe lời thầy Tịnh Độ khuyên, sắp sửa đi theo Phật Di Đà thì bị gọi giật trở lại. Nhưng may thay lúc còn sống, bà cụ chuyên tu niệm Phật, tuy không hiểu nhiều về Phật Pháp nhưng đã gieo khá nhiều chủng tử niệm Phật, nhớ Phật, nên tuy nghe thầy Thiền khuyên một câu đầy thiền vị, bà có khựng lại nửa giây vì nghe lạ tai, nhưng sau đó vẫn tiếp tục theo Phật và không về báo mộng, trách mắng con cái “đâu có ai bảo chúng bay mời thiền sư đến cầu siêu cho mẹ?”.
Có một cặp vợ chồng nọ rất thương yêu nhau và sống khá hạnh phúc. Nhưng những cặp vợ chồng hạnh phúc thì lại hay bị sinh ly tử biệt. Ông chồng mới ngoài 60 tuổi đã qua đời đột ngột vì tai biến mạch máu não. Bà vợ ở lại với bốn đứa con đã trưởng thành. Vì quá nhớ thương chồng nên chỉ một năm sau bà lâm bệnh nặng và bác sĩ khám phá ra bà bị ung thư phổi. Khi nghe vậy, bà không còn muốn sống mà muốn chết để hy vọng gặp lại chồng bên cõi âm. Nhưng mấy đứa con không muốn lìa mẹ, chúng cứ năn nỉ “mẹ ơi, ráng sống đừng bỏ tụi con”. Thật là tội nghiệp cho bà, thân đã bị bệnh khổ hoành hành ngày đêm, mà nay tâm lại bị cắn rứt đêm ngày. Phần thì muốn chết để hy vọng gặp lại chồng, nhưng phần thì không nỡ ra đi bỏ con cái. Thật đúng là sống dở, chết dở. Chết không được mà sống cũng không
xong. Nhưng rồi cuối cùng bệnh ung thư di căn nên bà đã chết. Và vì chết trong mặc cảm tội lỗi bỏ rơi con cái nên bà không siêu thoát. Mấy đứa con thương mẹ, níu kéo mẹ nên vô tình đã làm hại mẹ mình. Thật là đáng thương! Thương nhau, ái luyến trong vô minh chỉ làm khổ nhau thêm. Nếu mấy đứa con biết thương mẹ thì sẽ khuyên bà “mẹ hãy yên lòng ra đi theo ba, chúng con đều đã trưởng thành và biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, mẹ đừng có lo”. Nói được như vậy thì ước mong theo chồng của bà được toại nguyện, và cùng lúc trút đi mặc cảm tội lỗi bỏ rơi con cái của bà. Nói được như vậy là đã “cầu siêu” cho mẹ. Còn ngược lại cứ gào khóc thảm thiết rồi mời hàng chục tăng ni tới làm lễ “cầu siêu” cho mẹ thì mẹ mình vẫn lạc lõng ở cõi trung giới, chẳng biết đi đâu, mà cũng chẳng biết về đâu, muốn về với các con không được mà ra đi theo chồng cũng không xong.
Nếu mình là Phật tử mà cha mẹ theo đạo Chúa, khi chết muốn mời mấy Cha đến làm lễ rửa tội, xức dầu Thánh, v.v… thì mình cũng nên chiều theo ý của cha mẹ. Đó là từ bi và trí tuệ. Còn cứ khăng khăng nhất định mời thầy cô tới tụng kinh cầu siêu cho cha mẹ thì đó là vô minh cố chấp, thiếu từ bi, làm cho cha mẹ không siêu thoát.
(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu