Tứ động tâm

24/12/2023 224 lượt xem

Là Phật tử, chắc ai cũng mong ước ít nhất một lần trong đời được qua Ấn độ chiêm bái Tứ động tâm, bốn di tích lịch sử của đức Phật:

  1. Vườn Lâm tỳ ni (Lumbini), nơi Phật đản sinh.
  2. Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya), nơi Phật thành đạo.
  3. Vườn Lộc uyển (Varanasi), nơi Phật chuyển pháp luân.
  4. Câu thi na (Kushinagar), nơi Phật nhập Niết bàn.


Nhất là nghe nói chiêm bái bốn thánh địa này khi chết sẽ được sinh về cõi trời thì ai mà chẳng ham, trước mua vui, sau được phước.

Nhưng khi qua Ấn độ thì chỉ thấy một nước nghèo nàn, dơ dáy, bụi bặm, khi đến các Thánh tích thì người ta đua nhau chụp hình quay phim để về khoe bè bạn, hoặc lo mua sắm kỷ vật lưu niệm, chẳng thấy có gì lạ hơn những nơi du lịch khác. Đó là chưa kể dành nhau chỗ ăn chỗ ngủ trong các khách sạn. Trước khi đi thì tâm đầy đủ tham, sân, si. Sau khi đi về tham, sân, si vẫn chẳng mòn chút nào. Như vậy làm sao sinh lên cõi trời? Nếu bảo rằng người nào đến viếng bốn nơi này, khi chết được sinh lên cõi trời thì tất cả dân Ấn độ sống xung quanh đây sẽ sinh về trời hết, đâu cần phải mất công tu hành cho cực?

Khi đến bốn chỗ này, khách hành hương nên dành thì giờ ngồi tịnh tâm, lắng lòng tư duy quán chiếu, thấy rõ quá trình giáng sinh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp độ sinh và nhập diệt của đức Phật. Dù là một bậc giác ngộ nhưng Ngài cũng không tránh khỏi định luật vô thường chi phối. Cảnh vật còn đây mà người xưa đã mất hơn 2500 năm. Vừa cảm động ân đức sâu dày của Ngài, vừa kinh sợ vô thường mà phát tâm tu hành cầu giải thoát. Thấy như vậy, cảm như vậy và phát tâm như vậy gọi là “động tâm”. Nhờ “động tâm” như vậy thì chết mới sinh lên cõi trời. Còn nếu đến đây với tâm ham chơi, du lịch ngắm cảnh, chụp hình, lưu niệm, chẳng chút “động tâm” nghĩ đến việc tu hành thì bốn chỗ này không còn là “Tứ động tâm” nữa, và đương nhiên là không bảo đảm được sinh lên trời.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×