Ông Hai là một đảng viên cao cấp của nhà nước, có nhiều quyền thế nên lợi dụng làm ăn bất chánh, buôn lậu, đút lót cấp trên, mở nhiều sòng bài, phòng trà, tửu điếm. Hễ người nào hăm he tố giác mà không mua chuộc được thì ông thuê du đãng thủ tiêu. Chẳng may tham lam, trác táng quá độ nên ông bị đứt mạch máu chết khi chưa đến tuổi lục tuần.
Vì lúc sống làm ác, giết người, cướp của, tham nhũng bóc lột của dân nên khi chết, thần thức của ông đọa xuống địa ngục. Trước khi bị quỷ sứ đem đi hành hình thì ông được dẫn ra trước mặt Diêm vương để định tội. Diêm vương mở quyển sổ ghi tội ra đọc lên từng tội một và hỏi ông lúc sống có phạm như vậy hay không? Ban đầu theo thói lưu manh, chuyên lừa bịp nên ông Hai cãi bừa, nói rằng không hề làm những tội ác đó. Thấy thế Diêm vương bèn kêu quỷ sứ đem cái gương “nghiệp kính đài” ra và bảo ông hãy nhìn vào đó. Mỗi khi Diêm vương đọc lên tội nào thì ông Hai nhìn thấy những hành động xấu ác của ông hiện rõ trong gương, chẳng khác nào ngồi xem cuốn video hay DVD của đời mình. Lúc đó ông Hai cứng họng hết đường chối cãi. Ông bèn đổi giọng xuống nước năn nỉ quan lớn: “Thưa Diêm vương, con thiệt tình lỡ dại xin Diêm vương tha thứ cho. Nếu con biết làm như vậy là ác và chết xuống đây bị quỷ sứ hành hình thì con đâu dám làm”.
Diêm vương nói: “Ngươi đừng nói là ngươi không biết. Trong mỗi con người đều có tánh linh biết thế nào là thiện ác, phải trái, đạo Phật gọi là Phật tánh, người đời gọi là lương tâm. Mỗi khi làm điều gì sai quấy thì trong lòng bị cắn rứt, bất an. Khi nào làm được việc thiện thì trong lòng cảm thấy an vui, nhẹ nhàng. Mỗi khi buôn lậu, ngươi thừa biết là sai quấy nên mới đút lót cấp trên để bưng bít. Mỗi khi tham nhũng ăn chia, ngươi dư biết là sai quấy nên có ai hăm he tố cáo thì ngươi thuê du đãng đâm lén hoặc cán chết. Thâm tâm ngươi biết mình làm việc sai quấy, ác nhân ác đức, nhưng vì lòng tham không đáy nên ngươi tảng lờ không thèm nghe theo tiếng nói của lương tâm. Trong gia đình có người tốt nhắc nhở ngươi đừng làm ác, coi chừng chết đọa địa ngục, thì ngươi nổi giận nói chết là hết, chẳng có thiên đàng hay địa ngục gì hết!”
Ông Hai thấy coi bộ không xong, nên đổi kiểu mặc cả: “Xin ngài từ bi tha cho con! Thời nay kinh tế khó khăn, nên con mải lo lợi dụng quyền thế làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình. Con tính đến tuổi về hưu, sẽ dành thì giờ đi chùa học đạo, làm phước bố thí để chuộc tội tham nhũng bóc lột dân nghèo. Ai dè ngài sai tử thần đến rước con đi quá sớm mà không báo trước, nên con chưa kịp làm phước chuộc tội. Xin ngài thương tình ân xá cho con”.
Diêm vương nói: “Ai bảo ngươi là ta không báo trước?”
Ông Hai lóe chút hy vọng: “Dạ con đâu có thấy ai tới báo trước là con sắp chết đâu?”
Diêm vương hỏi: “Lúc còn sống, ngươi có thấy người già không?”
Ông Hai đáp: “Dạ có thấy!”
Diêm vương nói: “Đó chính là sứ giả đầu tiên của ta gửi đến báo cho ngươi coi chừng vô thường sắp tới, nhưng ngươi làm ngơ, ỷ mình còn khỏe nên mặc sức tham nhũng”.
Ngài hỏi tiếp: “Lúc còn sống, ngươi có thấy người bệnh không?”
Ông Hai đáp: “Dạ có thấy!”
Diêm vương nói: “Đó chính là sứ giả thứ hai của ta gửi đến báo cho ngươi coi chừng ăn chơi quá độ sẽ sinh bệnh mà chết, nhưng ngươi cũng làm ngơ, tự hào mình có tiền, lỡ bệnh hoạn thì vào nhà thương sẽ có bác sĩ chăm sóc, khỏi lo”.
Ngài hỏi tiếp: “Lúc còn sống, ngươi có thấy người chết không?”
Ông Hai đáp: ” Dạ có thấy!”
Diêm vương nói: “Đó chính là sứ giả thứ ba của ta gửi đến báo cho ngươi coi chừng sắp tới phiên mình, nhưng ngươi cũng tỉnh bơ, mặc ai chết thì cứ chết chứ mình thì sống ít nhất tới 80 tuổi mới chết. Ta đã ba lần gửi sứ giả đến báo trước cho ngươi, nhưng vì si mê, tham lam, không biết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, nên ngươi làm ngơ, tiếp tục tạo ác. Lúc còn sống ngươi tham nhũng, lợi dụng quyền thế, bóc lột nhà cửa, cướp đất của dân. Dân oan kéo đến từng đàn, van xin ngươi trả lại cho họ, nhưng ngươi có trả không? Bây giờ xuống đây trả quả thì kêu oan, làm sao ta tha thứ cho ngươi được?”
Than ôi, đúng là “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Chúng sinh khi làm ác thì không biết sợ, đến khi trả quả thì sợ hãi van xin.
(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu