75. Sự liên hệ giữa kiếp này với kiếp kia

12/07/2022 447 lượt xem

Đến đây, đức vua Mi-lan-đà chợt suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:

– Thưa đại đức, trẫm có một hoài nghi, một nghi nan. Rằng là chúng sanh chết ở đây đầu thai vào cảnh giới khác, khi đi sanh như vậy chúng có hình tướng hoặc màu sắc nào chăng?

– Chẳng có màu sắc nào, chẳng có hình tướng gì khi chúng sanh đi đầu thai, tâu đại vương. Suốt cả tam tạng, Đức Chánh Đẳng Giác không nói điều ấy.

– Nếu Đức Phật không thuyết điều ấy thì rõ ràng giáo pháp của Đức Phật đồng với ngoại đạo rồi!

– Tại sao đại vương lại suy diễn như vậy?

– Đúng là trẫm suy diễn, nhưng mà trẫm suy diễn y cứ nơi câu nói của đại đức. Nếu chúng sanh đi đầu thai mà không mang theo màu sắc và hình tướng nào cả, như vậy chứng tỏ không có chúng sanh đi đầu thai. Không có chúng sanh đi đầu thai thì cảnh giới mà nó đầu thai cũng không có. Cõi sau không có thì cõi sau nữa cũng không có. Nếu luận điểm như vậy thì khác gì chủ trương của tà sư Gunàjìvaka, là bậc thầy lớn, là bậc trí thức lớn ngoại đạo hằng tuyên bố: “Chẳng có cõi này, cõi sau nên không có chuyện chúng sanh đầu thai vào cõi sau.”

– Đại vương hãy nghe bần tăng nói đây.

– Trẫm nghe rõ rồi.

– Đại vương có nói dối không đấy?

– Sao đại đức lại nói thế?

– Làm sao đại vương có thể nghe được lời nói của bần tăng, khi mà lời nói của bần tăng chẳng có màu sắc và hình tướng nào cả? Chẳng có màu xanh, trắng, vàng… hay hình thù như voi, ngựa, xe đi từ miệng của bần tăng sang lỗ tai của đại vương?
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

– Hay lắm, tuyệt vời thay là trí tuệ của đại đức.

– Tâu đại vương! Chúng sanh lìa bỏ cõi đời này đi tìm chỗ tái sanh chẳng có màu sắc, hình thù tướng mạo gì cả đâu. Từ cảnh giới này sang cảnh giới kia ví như tiếng nói của bần tăng đi sang lỗ tai của đại vương vậy!

– Trẫm đã hiểu rồi. Có lẽ trên thế gian này chẳng ai có tuệ giác thâm sâu như đại đức, đã soi rọi làm cho trẫm tiêu tan mọi nghi ngờ. Nhưng từ sự giải đáp của đại đức, trẫm lại phát sanh một nghi nan khác nữa.

– Đại vương cứ nói.

– Nếu tái sanh mà chẳng có màu sắc và hình tướng nào đi ra cả, thì khi đầu thai vào cảnh giới mới, một ngũ uẩn khác sẽ tự nhiên sanh ra chăng? Và như vậy thì nói thiện, nói ác để làm gì? Có sự liên hệ gì giữa nghiệp thiện ác với đời này đời kia đâu? Và cái mà Phật giáo gọi là vòng luân hồi tái sanh thật vô nghĩa lý vậy! Xin đại đức hãy soi sáng cho trẫm điều nghi nan ấy.

– Vâng, thường ngày đại vương có ăn cơm chăng?

– Có.

– Hạt cơm ấy từ đâu ra?

– Từ lúa.

– Lúa ấy tự nhiên sanh ra hay do đại vương bảo nhân dân cày bừa và gieo hạt?

– Dĩ nhiên là phải trải qua công phu gieo cày gặt hái mới có được.

Im lặng một lát, đại đức Na-tiên hỏi tiếp:

– Hạt gạo mà đại vương sai người nấu để ăn chính là hạt lúa mà người nông dân gieo trên ruộng phải chăng?

– Thưa không phải.

– Hay là hạt lúa khác?

– Cũng không phải. Nó có được từ hạt lúa gieo trên ruộng.

Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:

– Thế là đại vương đã tự trả lời câu hỏi của đại vương! Đại vương đã tự trả lời rằng, hạt cơm mà đại vương ăn chẳng phải do tự nhiên sanh mà do công người nông phu gieo cày và gặt hái. Lại nữa, hạt cơm ấy có được dẫu chẳng phải là hạt lúa gieo trên ruộng, nhưng cũng do từ hạt lúa trên ruộng ấy sanh ra. Cũng vậy, ngũ uẩn tuy đã diệt rồi, nhưng nương tựa ngũ uẩn ấy, do các nghiệp thiện ác chi phối mà sanh ra ngũ uẩn mới. Ngũ uẩn mới chính là hạt gạo mà đại vương ăn, nó có được cũng do từ ngũ uẩn cũ, tức là hạt lúa cũ sinh ra. Và đấy chính là sự diễn tiến của vòng luân hồi tái sanh, tâu đại vương.

– Trẫm đã rõ lắm rồi nhưng cho nghe thêm ví dụ.

– Đại vương có tổ chức hội hoa đăng chứ?

– Thưa có.

– Khi đại vương chủ trì hội hoa đăng ấy, đại vương thấy người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác chứ?

– Vâng, thấy.

– Thế thì lửa bên cây đèn này tự nhiên nó chạy sang cây đèn bên kia chăng?

– Chẳng phải tự nhiên mà do có người mồi.

– Rồi lửa ở cây đèn sau chính là lửa ở cây đèn trước?

– Không phải.

– Hay chẳng liên hệ gì với nhau?

– Chẳng phải.

– Vậy là đại vương đã tự trả lời. Đại vương đã tự trả lời rằng, chẳng phải ngũ uẩn mới do tự nhiên sanh mà chính do thiện ác tạo tác. Ngũ uẩn mới không phải là ngũ uẩn cũ đầu thai mà do ngũ uẩn cũ cùng với những tạo tác của nó mà sanh ra ngũ uẩn mới. Đại vương đã nắm vững vấn đề rồi chứ?

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu rồi hỏi tiếp:

– Ngũ uẩn nói chung, nhưng nói riêng sắc uẩn cũng là vậy chứ.

– Đúng là vậy.

– Thọ và tưởng… cũng thế?

– Đúng là vậy.

– Nhưng sắc thân của chúng sanh dù xấu dù đẹp, dù đui què mẻ sứt hay lành lặn; những cảm thọ vui buồn, cùng những tri giác, ý tưởng v.v… nếu bảo chết là hết thì không đúng, bảo không liên hệ gì nhau cũng không đúng. Trẫm đã hiểu vậy nhưng đại đức có thể thiện xảo cho nghe ví dụ nào cụ thể dễ hiểu nữa chăng?

– Có thể được. Đại vương có cái kiếng soi mặt nào ở đấy chăng?

– Thưa có.

– Đại vương hãy để cái kiếng ấy ở trước mặt đại vương.

– Để rồi.

– Đại vương hãy soi mặt mình vào đấy.

– Soi rồi.

– Đại vương có thấy rõ tai, mắt, mũi của đại vương ở trong kiếng chăng?

– Thưa, thấy rõ rồi.

– Thế là tai, mắt, mũi của đại vương đã đi qua cái kiếng kia rồi phải không?

– Đúng vậy.

– Đại vương hãy xem lại coi thử đại vương có mất tai, mất mắt và mất mũi chăng?

– Không mất.

– Vậy, nói chung là ngũ uẩn, nói riêng là sắc, thọ tưởng… ở kiếp sau nó nương từ sắc, thọ, tưởng của kiếp này mà có, bảo là một cũng sai, bảo là hai cái khác nhau cũng sai vậy. Khi một chúng sanh chết, ngũ uẩn diệt theo, nhưng những nghiệp thiện ác tạo tác như bóng nương theo hình sẽ cấu sanh ngũ uẩn mới, đời sống mới trong bụng mẹ. Mãi mãi như vậy là hành trình luân hồi của chúng sanh trong sáu nẻo.

– Cảm ơn đại đức.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×