Bài 10: Sống giây phút hiện tại

29/12/2021 1.707 lượt xem

Chánh niệm làm sự sống có mặt

Khi thất niệm, vì ta không có mặt nên những cái khác cũng không có mặt. Cái khác đây là bầu trời xanh thẳm, là hoa đào đang nở rộ, là người anh rất ngọt ngào, là người bạn rất tươi mát, là một em bé rất xinh đẹp. Nếu ta không có mặt thì tất cả những thứ ấy đều không có mặt. Cho nên sự có mặt của ta đem lại sự có mặt của vũ trụ, của sự sống, của tất cả những mầu nhiệm quanh ta. Đời sống có những khổ đau, những bi lụy; nhưng đời sống cũng có rất nhiều nhiệm mầu. Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc với khổ đau thì chúng ta sẽ ốm o gầy mòn, nhưng nếu biết cách tiếp xúc với những yếu tố mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh của đời sống thì ta sẽ tự nuôi dưỡng được bằng những chất liệu mầu nhiệm, lành mạnh và tươi mát. Khi được nuôi dưỡng bởi những yếu tố lành mạnh, tươi mát và có tính cách trị liệu rồi, chúng ta mới có khả năng tiếp xúc với khổ đau để chuyển hóa khổ đau. Phép lạ thứ hai của chánh niệm là xác nhận sự có mặt của đối tượng, của người, của vật khác ở ngoài ta.

Vật ở ngoài kia là bông hoa đào, là bầu trời xanh. là tiếng chim hót. Đó cũng là sự có mặt của các em bé, của anh, của chị, của mẹ, của cha. Nếu ta không có mặt thì những đối tượng đó cũng không có mặt. Cho nên phép lạ thứ hai của chánh niệm là xác nhận được sự có mặt của đời sống, của tất cả những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Khi nhìn lên mặt trăng với chánh niệm, chúng ta có mặt đích thực mà mặt trăng đích thực cũng có mặt. Biết mình có đó, biết có mặt trăng ở đó, đây đã là một phép lạ, một phép thần thông rồi. Phép thần thông đó ta có thể tạo ra trong mỗi giây mỗi phút. à, ta đang có mặt và mặt trăng kia cũng đang có mặt; sự có mặt nhiệm mầu, sự có mặt đích thực, chứ không phải là một giấc mộng nữa.

Một trong những vấn đề triết học là ta có mặt hay là không có mặt (To be or not to be). Con người có thật không, hay chỉ là một ảo ảnh? Triết học đi tìm những lý luận để chứng minh rằng con người có mặt thực sự. Ngày xưa triết gia Descartes, muốn chứng minh con người có mặt một cách rõ ràng và chính xác, sau khi suy nghĩ rất nhiều, đã đi đến một công thức nổi tiếng, ông viết: “Tôi suy nghĩ cho nên tôi có mặt” (Cogito ergo sum, I think therefore I am). Đó là dùng lý luận, thứ lý luận toán học, để chứng minh: tôi đang có mặt ở đây. Đặt câu hỏi ta có mặt hay không, đó đã là suy tư. Ta có suy tư, và hễ có cái ta suy tư tức là ta đã có mặt rồi. Cho nên ông kết luận: tôi tư duy, vì vậy cho nên có tôi. Đó là một lý luận chứ không phải là một kinh nghiệm. Trong khi đó sư chú đứng nhìn mặt trăng không tư duy gì cả. Sư chú thấy mình đang có mặt ở đây, đang tiếp xúc với mặt trăng ở kia, và đó không phải là một tư duy. Đó không phải là một lý luận nữa, đó là sự sống đích thực. Nghĩ sâu hơn thì ta thấy rằng càng tư duy chúng ta lại càng không có mặt. Vì khi tư duy, chúng ta đánh mất sự sống trong dòng tư duy. Tư duy trở thành một chướng ngại khiến chúng ta không tiếp xúc thực sự được với sự sống. Cho nên càng không tư duy càng tốt. Bận tư duy rồi thì làm sao sống! Khi bế một em bé mà mình cứ tiếp tục tư duy thì mình đang ôm cái tư duy của mình và đâu có thực sự ôm em bé? Khi nhìn bông hoa mà tư duy thì mình đâu có thực sự ngắm hoa? Vì vậy tôi tư duy là tôi không có mặt (I think, therefore I am not there). Phái thiền Tào Động nói: phi tư duy thị thiền chi yếu giả (không tư duy là điểm thiết yếu của thiền, non thinking is the essential of Zen practice).

Năm ngoái ở Làng Mai, chúng ta có cơ hội đọc truyện Kiều với nhau và nghe giảng truyện Kiều qua cái nhìn thiền quán. Chúng ta nói đến hai câu thơ giờ đây đã rất nổi tiếng ở Làng Mai:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Bác Tư đã viết hai câu này treo trong thiền đường Cam Lộ. Người đời đi vào sẽ ngạc nhiên: tại sao ở trong một thiền viện lại còn nói đến chuyện đôi ta? Hai chữ đôi ta ở đây còn được đọc qua con mắt thiền quán. Đôi ta là chính mình và sự sống. Như mình với mặt trăng, mình với hoa đào, mình với em bé. Có chánh niệm thì tự nhiên sự có mặt của mình và của các pháp trở thành hiển nhiên: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Đó là nhìn rõ sự sống, trong hiện tại, và ở đây.

Nguyễn Du viết hai câu này khi kể lại lúc Thúy Kiều qua thăm Kim Trọng lần thứ hai. Hôm đó gia đình đi ăn giỗ bên ngoại, Kiều đã lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó để ở lại nhà. Qua thăm Kim Trọng lần đầu, Thúy Kiều chỉ ngồi một lúc thôi. Kiều hơi thấp thỏm, sợ ở bên này lâu quá, lỡ bố mẹ với các em về không thấy mình ở nhà thì hơi quê. Cho nên Thúy Kiều phải trở về ngay nhưng khi về nhà thì Kiều vẫn chưa thấy ai cả. Nàng bèn vén hàng rào đi qua hàng Xóm lần nữa để gặp lại người yêu. Kim Trọng lúc đó có lẽ vì đã thức khuya học nhiều thành ra thiếu ngủ, anh ta đang ngồi gục đầu dựa lên bàn để ngủ. Trăng đã lên, tiếng chân của Thúy Kiều dẫm trên lối sỏi làm Kim Trọng thức dậy. Mơ mơ màng màng, nhìn lên chàng thấy người đẹp đi tới. Trong cơn mơ màng đó, Kim Trọng không biết đây là sự thực hay trong mộng. Chàng nói: Đây có phải là một giấc mơ không? Em có thực đó hay không? Thúy Kiều đã trả lời:

Nàng rằng: quãng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Đọc hai câu đó, nếu biết nhìn bằng con mắt thiền quán ta sẽ thấy rùng mình. Giờ phút này đây chúng ta đang ở bên nhau, đang nhìn thấy mặt nhau, đang nói chuyện với nhau. Nhưng nếu chúng ta không có chánh niệm, không có mặt đích thực thì biết đâu, giây phút đó sẽ chẳng khác gì một giấc chiêm bao. Nếu ta sống không có chánh niệm, không tiếp xúc thực sự với giây phút hiện tại, thì tất cả đều trở thành một giấc mơ hết. Hai câu này có thể viết treo trong thiền viện để những người không hiểu sẽ có cơ hội hỏi: Tại sao trong thiền viện mà lại treo hai câu thơ này?

Khi nhìn mặt trăng, ta phải nhìn cách nào để thấy được mặt trăng và thấy được chính mình đang có mặt, ý thức một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại sự hiện diện của mình và của vầng sáng trên cao. Có những người sống tới 70 năm hay 80 năm mà chưa bao giờ biết ngắm trăng trong ý thức tỉnh táo như vậy. Có những người thấy hoa đào nở mỗi năm, mà đến hết đời chưa bao giờ nhìn biết ngắm hoa đào một cách sâu sắc. Cái gì cũng thấy thoáng qua mà thôi. Mẹ của mình, cha của mình, mình cũng chỉ thấy thoáng qua. Em của mình, chị của mình, thầy của mình, bạn của mình, mình cũng chỉ thấy thoáng qua. Cho nên khi nhìn một cành hoa đào, chúng ta phải thở rất sâu, và chúng ta chỉ vào cành hoa: bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. Ở Làng Mai mỗi tháng tư, hoa mai nở đầy hết đồi núi, tôi thường đi giữa những hàng mai, bông trắng như tuyết. Tôi thở và tiếp xúc trong tinh thần đó. Trong một giây phút, ta thấy mình với hoa mai bất diệt. Hãy thực tập với những bông hoa khác nữa, chứ đừng chờ tới tháng tư. Tại Làng Mai, giữa mùa đông cũng có những bông hoa nở rất kín đáo. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào. Đừng bỏ lỡ cuộc hẹn của mình với sự sống. Sự sống đó được biểu hiện bằng một bông hoa vàng trong cỏ, hay một trận mưa đầu mùa, tất cả đều mầu nhiệm. Nếu quý vị mất khả năng tiếp xúc với mưa, với gió, với những cành cây trụi lá mùa đông, nếu quý vị không thể tiếp xúc được với trời trong, với mây bạc, với trăng tròn thì quý vị đã lỡ hẹn với sự sống. Cho nên chánh niệm trước hết là đem mình trở về để có mặt trong sự sống. Ý thức sự có mặt của chính mình, ý thức đó làm cho tất cả những cái khác có mặt. Có mặt, luôn luôn có nghĩa là có mặt vừa chủ thể vừa đối tượng. Chủ thể và đối tượng đó gọi là đôi ta.

Ngày xưa ở Trung Hoa có thiền sư Linh Vân, chỉ nhìn hoa đào nở mà giác ngộ. Chúng ta có thể cảm nhận được sự giác ngộ của thiền sư. Ngắm hoa đào thôi mà giác ngộ thì ta phải biết năng lực chánh niệm của thầy mạnh như thế nào. Nếu không thường xuyên tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong hiện tại thì không bao giờ ta đạt được một kết quả như vậy. Và đó là một phép lạ mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện trong mỗi giây phút của đời mình. Cho nên 24 giờ tinh khôi là một tặng phẩm lớn của đất trời cho chính chúng ta. Mỗi buổi sáng thức dậy mà không biết mình có 24 giờ đồng hồ để sống, mà tự để mình chết đuối trong giận hờn, buồn bã, ganh tị và lo lắng, tức là sự tu học của mình đã thất bại. Người đời chết đuối đã nhiều, chúng ta vào thiền viện, được hướng dẫn để tu tập, được dạy thiền hành, thiền tọa, biết rửa chén, ăn cơm im lặng, nếu ta không tỉnh thức được thì thật uổng phí công trình của Bụt và của tổ.

Trang: 1 2 3 4 5

×