Bài 10: Sống giây phút hiện tại

29/12/2021 2.116 lượt xem

Chánh niệm để quán chiếu

Công năng thứ năm của chánh niệm là nhìn sâu. Chữ quán trong Quán Tự Tại, Quán Thế Âm, hay là thiền quán, chỉ quán, có nghĩa là nhìn sâu (deep looking). Thiết lập chánh niệm và duy trì chánh niệm trên một đối tượng thì ta sẽ có thể nhìn sâu vào đối tượng. Nhìn sâu vào bông hoa hay nhìn sâu vào tình trạng của một người, đối tượng của sự quán chiếu của ta, ta sẽ thấy được bản chất của những mầu nhiệm và những khổ đau trong ấy. Đó là quán (Vipassanā, phiên âm tiếng Hán Việt là tam ma thiền na).

Bốn công năng trên, bốn tác động trên là giai đoạn Chỉ. Chữ chỉ ở đây có nghĩa là làm ngưng tụ lại (samatha). Chánh niệm làm cho mình ngưng lại, tụ vào một điểm. Ekaggata là nhất điểm tụ, tức là đem năng lượng của chánh niệm quy tụ vào một đối tượng duy nhất. Ngưng tụ rồi, có một năng lượng mạnh mẽ, ta có thể nhìn sâu và nhìn kỹ, đó gọi là quán. Nói như trên không có nghĩa là đến tác động thứ năm ta mới có quán, mới nhìn sâu. Ban đầu, phép lạ của sự có mặt đã là nhìn sâu rồi. Công nhận sự có mặt của kẻ kia, nuôi dưỡng và làm vơi nỗi khổ đau, cũng đã là bắt đầu có quán. Hễ có Chỉ là có Quán. Và chỉ càng mạnh thì quán càng sâu. Có năng lượng của chánh niệm, ngưng tụ được tâm ý, ta chiếu năng lượng ấy trên một đối tượng, làm đối tượng sáng lên. Ta được nuôi dưỡng, đồng thời ta bắt đầu nhìn sâu vào đối tượng.

Chiều sâu của các pháp gọi là tự tánh. Kiến tánh là thấy được tự tánh, đó là công năng thứ sáu của chánh niệm. Tự tánh của bông hoa và tự tánh của người có liên hệ với nhau. Thấy được tự tánh của một bông hoa là thấy được tự tánh của mọi pháp, tức là thấy bản chất chân thật của sự vật (true nature). Bản chất chân thật của một bông hoa, là bản chất vô sinh, vô thường, vô ngã và tương tức. Ta thấy thật chứ không phải chỉ thấy qua những danh từ này. Nhìn sâu cũng có nghĩa là lắng nghe. Quán Thế Âm, chữ quán còn có nghĩa là lắng nghe. Ta quán bằng con mắt mà cũng có thể quán bằng lỗ tai. Người học dược thì phải quán cả hương và cả vị nữa. Học dược phải nếm đủ các loại cây lá, phải ngửi cái loại dược thảo để phân biệt, để nhận diện lá húng là lá húng, lá long não là lá long não, và đôi khi phải nếm bằng lưỡi. Vì vậy quán là dùng tất cả sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chứ không phải chỉ dùng ý mà thôi.

Mục đích của quán là nhìn sâu để thấy được tự tánh. Đối tượng của sự quán chiếu có thể là chính mình. Ta không biết mình là ai, không biết chỗ yếu, chỗ mạnh của mình, không biết mình có một kho châu báu, không biết mình có nhiều khối nội kết, tất cả đều là do không biết tự tánh của chính mình. Phản quán tự tánh tức là đem chánh niệm trở về để nhìn sâu và nhìn kỹ chân tánh mình. Khi đi xem hát ta thường thấy người ta chiếu một chùm ánh sáng vào một nhân vật trên sân khấu. Chùm ánh sáng được chiếu vào người ca sĩ để chúng ta đừng chú ý tới những thứ khác mà chỉ chú ý vào người đó thôi. Chánh niệm cũng giống như thế, đó là năng lượng phát khởi trong tâm. Chúng ta đưa năng lượng ấy vào mắt để quán, đưa vào tai để quán. Và khi quán chiếu như vậy thì chúng ta tập trung trên một đối tượng, như thế gọi là định. Vì vậy trong chánh niệm đã có chánh định. Cũng như trong chỉ có quán, trong quán có chỉ, v.v.. Vì vậy công năng thứ sáu của chánh niệm là thấy rõ. Và thấy rõ tức là tuệ giác. Chúng ta có thể dịch đơn giản là understanding, hiểu. Hiểu đây không phải là kiến thức khái niệm. Hiểu đây là lúc ánh sáng phát sinh, khi khối u mê của chúng ta vỡ ra.

Ví dụ một bà mẹ đang nấu cơm trong bếp đang nghe tiếng con khóc. Trong bà mẹ có hạt giống chánh niệm, bà mẹ bỏ công việc chạy vào. Phép lạ thứ nhất là bà mẹ làm ra là có mặt bên con mình. Bà mẹ ẵm đứa con lên: “mẹ đây con ơi, con đừng khóc nữa”. “Darling, I am here, I am here for you”. Bà mẹ có mặt và xác nhận sự có mặt của con. Em bé có thể chưa biết tư duy rõ ràng, nhưng em biết bà mẹ đang có mặt. Chỉ có từng ấy thôi, người mẹ chưa làm gì mà em bé đã thấy bớt khổ. Có thể là em bé đang bị đau, nhưng khi được mẹ ẵm vào lòng, thì dầu vẫn còn đau, em bé đã thấy nhẹ. Sự có mặt của bà mẹ nuôi dưỡng em bé và làm vơi đi nỗi khổ đau của em. Em bé còn nhức đầu, còn đau bụng, hay còn đói nhưng bà mẹ chưa thấy. Nhưng sự có mặt của bà mẹ đã đem tới bốn công năng hay bốn phép lạ đầu tiên. Chỉ cần sự có mặt chánh niệm là bốn công năng đầu đã có thể xẩy ra. Thứ nhất là sự có mặt của mẹ, thứ hai là em bé được công nhận. Thứ ba là chúng ta nuôi dưỡng nhau. Và thứ tư là đứa con cảm thấy mình được an ủi, vì trong lúc này, người mẹ đã có mặt.

Ôm lấy đứa con, bà mẹ bắt đầu nhìn vào đứa con, nhìn kỹ xem tại sao nó khóc. Và bà mẹ tìm ra nguyên do làm em bé khóc. Cái đầu bé nóng, hoặc em bé đói, hoặc là cái tã được quấn chặt quá. Công năng thứ năm là nhìn sâu, nhìn kỹ. Diễn trình ấy là tiếp xúc với khổ đế để tìm ra tập đế. Mà thấy được tập đế rồi, thấy được nguyên do của khổ đau rồi thì bà mẹ có thể giúp em bé một cách dễ dàng. Nếu nó đói thì bà cho nó ăn. Nếu nó nóng thì bà cởi bớt cho nó cái áo. Nếu cái tã chặt quá thì bà nới ra. Tất cả đều được thực hiện dễ dàng một khi có hiểu biết, tức là có tuệ giác. Trong đạo Bụt, tuệ giác là yếu tố giải phóng cho mình. Sự cứu độ trong đạo Bụt là sự cứu độ bằng tuệ giác (salvation by understanding), chứ không phải bằng ơn huệ của một đấng thiêng liêng. Trong những tôn giáo khác, sự cứu độ có thể tới nhờ ân huệ của một đấng thiêng liêng. Nhưng trong đạo Bụt thì sự giải thoát được thực hiện bằng tuệ giác. Mà sở dĩ tuệ giác có được là nhờ công phu thiền quán. Tuệ giác đó không phải từ ngoài tới, mà vốn có hạt giống trong ta. Các vị Bụt và các vị bồ tát trong ba đời và tăng thân mười phương có thể giúp mình chạm tới hạt giống tuệ giác ấy, làm cho nó lớn lên và nở hoa. Đó là giải thoát.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5

×