Bài 13: Như lý tác ý

01/01/2022 2.577 lượt xem

Như lý tác ý

Kỳ trước chúng ta đã nghe về Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Kinh này dạy ta quán chiếu các lĩnh vực của thân, của cảm thọ, của tâm hành, và của pháp, tức là những đối tượng của tâm hành. Kinh Quán Niệm Hơi Thở chỉ dạy mười sáu phép thở. Người hành giả có thể căn cứ trên mười sáu phép thở căn bản ấy để sáng chế những phương pháp thực tập mới cho cả bốn lĩnh vực.

Thí dụ trong mười sáu hơi thở chỉ có bốn hơi thở để quán chiếu về thân. Trong khi đó thân ta có rất nhiều khía cạnh cần được quán chiếu. Vì vậy bốn hơi thở này cần được thực tập, rồi được khai triển để biến thành vô số phương pháp thực tập nhằm quán chiếu tất cả những bộ phận của thân thể. Bụt lại dạy bốn hơi thở khác để quán chiếu cảm thọ. Cảm thọ cũng là một lĩnh vực rộng lớn. Rồi đến bốn hơi thở quán chiếu về các tâm hành. Tâm hành có tới 51 thứ, rất năng động, rất phức tạp. Cuối cùng có bốn hơi thở để quán chiếu về các pháp, tức là đối tượng của tâm hành.

Kỳ trước chúng ta đã nghe khá đầy đủ về quán niệm thân thể trong thân thể. Trong đời sống hàng ngày, khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ta phải chiếu rọi ánh sáng chánh niệm vào để biết ta đang làm gì, như ta biết ta đang đứng, đang ngồi, v.v.. Ta thực tập và giúp những người khác trong tăng thân cùng thực tập. Những phương pháp thiết yếu và cụ thể như vậy biết mà nếu không thực tập được thì uổng phí và dại dột lắm.

Về trường hợp cảm thọ cũng vậy. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có những cảm thọ vui, buồn, giận, ghét, có những khổ thọ, lạc thọ và xả thọ. Ta phải chăm sóc cảm thọ của chính ta, nếu không thì ai chăm sóc những cảm thọ ấy cho ta? Bụt dạy ta lấy ánh sáng chánh niệm soi chiếu vào những cảm thọ. Những đau buồn, giận hờn, ganh ghét, nhức nhối, thao thức, sợ hãi, âu lo. Ta ôm ấp, săn sóc và chuyển hóa chúng bằng năng lượng chánh niệm. Không ai làm được việc đó thay ta được. Bằng cách chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa những cảm thọ của mình, ta có thể giúp người chung quanh chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa những cảm thọ của họ. Những phương pháp Bụt dạy rất cụ thể và rõ ràng. Khi có một nỗi buồn ta biết ta có một nỗi buồn. Khi có một niềm vui ta biết ta có một niềm vui. Biết đây không phải là một cái cảm tưởng suông, biết đây là dùng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và soi xét cảm thọ.

Trong Kinh Trung A Hàm, Bụt dặn sau khi đã nghe giảng về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, ta nên thực tập như lý tác ý để đưa chánh kiến vào đời sống hàng ngày. Các chữ như lý tác ý được sử dụng trong Kinh Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân. Thực tập như lý tác ý tức là khởi tâm chú ý tới một điều Bụt đã dạy, và bắt đầu áp dụng nó. Mỗi ngày chúng ta có hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống. Những việc chúng ta làm như nấu bếp, quét nhà, giặt áo và làm vườn, chúng ta đều phải làm trong tinh thần tu tập. Nghĩa là trong khi làm những công việc đó chúng ta phải áp dụng phương pháp chăm sóc thân thể ta và cảm thọ của ta bằng năng lượng của sự quán niệm.

Sống trong thiền viện, nếu không thực tập chánh niệm và quán chiếu thân và thọ của mình, thì không khác gì sống ở ngoài đời. Ngoài đời người ta nấu cơm, quét nhà, đun nước, giặt Đo, mà ở trong chùa chúng ta cũng làm như thế. Khác nhau chăng là ở chùa ta làm những việc đó trong chánh niệm. Chúng ta phải chăm sóc ngôi chùa bản thân của chúng ta, để ngôi chùa quý giá ấy đừng trở thành một chùa Bà Đanh.

Có những cảm thọ rất đau đớn, có những cảm xúc có thể làm ta tê liệt ngày này sang ngày khác, có khi từ tháng này sang tháng khác. Tu học theo đạo Bụt ta phải biết săn sóc những cảm thọ và những cảm xúc đó. Ta biết sở dĩ ta có những cảm xúc làm ta tê liệt như vậy, là vì trong quá khứ ta đã không biết săn sóc cảm thọ. Khi cảm thọ đang còn non yếu ta đã không biết xử lý, chúng ta để cho chúng càng ngày càng có cường độ mạnh. Bây giờ nó đang làm ta tê liệt, nó đang hoành hành trong ta chỉ vì ta đã không thực tập những điều Bụt dạy. Trong quá khứ, ta đã khinh thường, đã không tu học, ở trên núi châu báu nhưng chưa bao giờ biết nhận diện châu báu. Đi, đứng, nằm, ngồi ta không có chánh niệm. Cảm thọ nổi lên thì ta vùng vẫy, chạy trốn, chứ không biết nâng niu, chăm sóc, quán chiếu và chuyển hóa. Khi ngọn gió cảm thọ đã thổi mạnh thành bão tố, mà ta mới bắt đầu thực tập thì sẽ thấy khó khăn. Là nạn nhân cảm thọ, ta khổ đau và trở thành gánh năng cho những người xung quanh. Trong một tăng thân, mỗi khi ta bệnh hoạn thì anh chị em ta phải chăm sóc và lo lắng cho ta. Đó là nói về thân bệnh. Khi trong tâm ta có niềm đau quá lớn thì tăng thân ta cũng khổ và cũng phải đưa lưng ra để chịu đựng. Nếu ta biết chuyên cần tu tập trong đời sống hàng ngày, và nếu những người xung quanh ta cũng thực tập, thì sự thực tập của người này tạo thêm năng lượng cho người kia. Muốn giúp đỡ người khác ta hãy thực tập cho bản thân. Nếu bản thân ta không thực tập thì ta không thể nào giúp cho người khác bớt khổ.

Trang: 1 2 3 4 5

×