Bài 13: Như lý tác ý

01/01/2022 2.103 lượt xem

Một bài thực tập quán hơi thở

Thở vào tâm tĩnh lặng,
Thở ra miệng mỉm cười.
An trú trong hiện tại,
Giây phút đẹp tuyệt vời.

Đây là một bài thực tập ở Làng Mai rất nổi tiếng; đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn người, có thể hàng triệu người khắp nơi đang thực tập và đã hưởng rất nhiều kết quả của sự thực tập ấy. Nó rất đơn giản. Nó bắt đầu như sau:

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.

Câu này được lấy trực tiếp từ Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Bất cứ lúc nào, khi quét nhà, nấu cơm, ngồi lái xe, giặt áo quần, đi thiền hành hay ngồi thiền tọa, ta đều có thể thực tập câu này. Từ 2600 năm nay, người nào vào chùa cũng thực tập bài này cả: thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra (Breathing in I know I am breathing in. Breathing out, I know I am breathing out). Tuy bài tập rất đơn sơ nhưng kết quả to lớn ta không thể lường được. Bước đầu, ta tập trở về nắm lấy hơi thở của ta, biết đây là hơi thở vào, biết đây là hơi thở ra. Nhưng chỉ trong một vài phút thực tập, ta đã có thể thực hiện được thân tâm nhất như (thân và tâm trở thành một). Hơi thở nối liền thân và tâm. Hơi thở giúp ta có mặt thật sự tại chỗ, trong giây phút hiện tại. Ta làm chủ ta, ta không đánh mất ta nữa. Ta đã bắt đầu trở lại là ta, ta đã về, ta đã tới.

Hơi thở này là hơi thở căn bản. Chúng ta có thể thực tập hơi thở này mười lần, hai mươi, ba mươi lần. Chúng ta có thể chỉ cần thực tập hơi thở ấy cũng đủ.

Tiếp theo chúng ta có thể thực tập tiếp: Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm. (As the in-breath becomes deeper, the out breath becomes slower). Hơi thở sâu và chậm không phải vì ta cố ý làm cho nó sâu hơn và chậm hơn. Nếu ta thở một cách có ý thức, thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, thì chỉ sau hai, ba lần thở, hơi thở chúng ta đã tự nhiên sâu hơn và chậm hơn. Ta không cần cố gắng. Xin đừng hiểu là ta cố làm cho hơi thở vào sâu thêm, cố làm cho hơi thở ra chậm hơn. Hai câu này chỉ có nghĩa rằng: tôi đang thở vào và nhận thấy hơi thở vào của tôi đã sâu thêm, tôi đang thở ra và nhận thấy hơi thở ra của tôi đã chậm lại. Mà một khi hơi thở đã sâu thêm và chậm lại là nó đã có phẩm chất cao hơn. Nó mang lại sự tĩnh lặng, an lạc, tự do và thảnh thơi. Không cần phải tu mười năm hoặc hai chục năm mới đạt được kết quả này. Chúng ta chỉ cần thực tập hai hoặc ba phút thôi là có thể đạt rồi!

Chúng ta cũng không cố ý làm cho thân và tâm trở về làm một, thân tâm nhất như. Chúng ta không cầu khẩn được an lạc. Chúng ta chỉ cần “thở vào, biết thở vào, thở ra biết thở ra”, thì một lúc sau tự nhiên thân và tâm sẽ nhất như, sẽ trở thành một khối. An lạc, nhẹ nhàng tự nhiên sẽ tới, không ai phải bắt ép. Trong khi ngồi thiền hay đi thiền ta cứ tiếp tục thở như vậy.

Ngồi thiền hay đi thiền mà thở như vậy là một niềm vui lớn, một ân sủng lớn. Nếu trong khi tu tập mà ta có cảm tưởng là bị ép buộc thì ngồi thiền hay đi thiền là một khổ dịch. Trong đời sống tu viện, ngồi thiền và đi kinh hành phải là những giây phút sung sướng nhất. Trong những giây phút đó, không ai được quyền động tới ta, không ai được hỏi ta một câu hỏi hay nhờ ta làm một việc gì. Trong những giờ phút đó, ta có tự do hoàn toàn. Ta chỉ cần thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Đừng bỏ qua những thời khóa. Đó là những giờ phút quý báu mà chúng ta có thể sống cùng đại chúng.

Hai câu tiếp theo trong bài thực tập là: Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ. Khỏe và nhẹ đây không phải là tự kỷ ám thị (autosuggestion) -Tự kỷ ám thị là khi không khỏe nhưng mình cứ nói: “tôi khỏe, tôi đang khỏe đây”, khi không nhẹ mà mình cứ nói: “tôi đang nhẹ, tôi đang nhẹ đây” để tự ảnh hưởng vào lòng mình. Nếu ta thở vào và thở ra có ý thức vài ba lần thì tự nhiên hơi thở trở thành sâu và chậm. Rồi nếu hơi thở tiếp tục sâu và chậm, thì tự nhiên ta cảm thấy trong người khỏe và nhẹ. Nói “khỏe, nhẹ” vì ta nhận thấy có khỏe và có nhẹ thật. Đây là sự nhận diện. Và khi khỏe mà biết là mình khỏe thì ta sẽ thấy khỏe thêm. Khi nhẹ mà biết là mình nhẹ, thì mình sẽ thấy nhẹ thêm. Biết ở đây nghĩa là có ý thức, là có chánh niệm. Chánh niệm nâng cao phẩm chất của những gì đang hiện diện. Ví dụ bông hoa. Bông hoa đẹp, nhưng nhờ tôi nhìn có chánh niệm nên bông hoa càng biểu lộ được cái đẹp của nó. Khi quý vị ngắm trăng trong chánh niệm thì trăng càng sáng tỏ. Cho nên khi ý thức rằng hơi thở đang làm cho ta khỏe khoắn và nhẹ nhàng, thì vì có ý thức, cảm giác khỏe và nhẹ trở thành hiện thực hơn. Nhiều khi ta khỏe và nhẹ, cũng như ta có tự do và an lạc, nhưng vì không ý thức nên ta không thật sự thừa hưởng được cái khỏe và cái nhẹ ấy.

Bài thực tập tiếp tục với hơi thở chánh niệm:

Thở vào tâm tĩnh lặng,
Thở ra miệng mỉm cười.
An trú trong hiện tại,
Giây phút đẹp tuyệt vời.

Thở vào tâm tĩnh lặng là một bài tập Bụt dạy trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Tôi đang thở vào và làm cho tâm hành tôi êm dịu lại. Tâm hành ở đây có thể là một cảm thọ không dễ chịu, như buồn bực, sợ hãi, giận hờn hoặc thao thức. Ta sử dụng hơi thở vào để làm lắng cảm thọ xuống. Ngay từ đầu quý vị cũng có thể thực tập liền hơi thở, “thở vào tâm tĩnh lặng” được. Nhưng nếu quý vị theo thứ tự bài thực tập, mỗi câu thực tập vài ba phút, khi đến đây thì quý vị rất dễ làm cho cảm thọ mình lắng dịu.

Thở ra miệng mỉm cười. Miệng mỉm cười có thể là một thực tập thuộc lĩnh vực thân. Mỉm cười ở đây là một động tác yoga, (yoga of the mouth). Có những thiền sinh Tây phương nói: “Thưa thầy, trong lúc con không có gì vui trong lòng cả mà thầy lại bảo con cười? Như vậy là nụ cười giả tạo sao?” Tôi trả lời: “Tôi đâu có bắt anh cười đâu, tôi chỉ đề nghị anh tập yoga miệng thôi mà. Tại sao anh tập yoga tay được, anh tập yoga chân được, chổng ngược đầu được, mà lại không tập yoga miệng được? Tôi chỉ yêu cầu anh nhếch cái mép anh lên một chút xíu thôi.” Khi anh mỉm cười, có ba trăm bắp thịt trên mặt được thư giãn và sự căng thẳng trong hệ thần kinh của anh tự nhiên tan biến. Tôi không cần anh giả làm bộ vui, anh chỉ cần tập yoga cái miệng dùm tôi thôi thì tự nhiên cơ thể anh có thể thư giãn, hệ thần kinh anh buông thư và điều này sẽ có ảnh hưởng tốt tới tâm anh.

Quỳ xuống hay đảnh lễ cũng là những động tác yoga. Muốn bày tỏ sự cung kính tam bảo, ta đâu nhất thiết phải lạy xuống. Nhưng khi anh lạy xuống thì tâm cung kính tam bảo của anh được bày tỏ một cách dễ dàng hơn gấp bội. Khi tu tập ta phải biết sử dụng thân thể ta nữa, chứ nói rằng chỉ cần tu tâm thôi thì không được. “Tôi tu trong tâm thôi, tôi không cần tu bằng hình thức, tôi không cần ngồi thiền, đi thiền, tôi chỉ cần bỏ ác làm lành thôi à!” Quý vị đã từng nghe câu nói ấy chưa?

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nụ cười và về tác dụng của nụ cười. Nụ cười mà họ nghiên cứu đây không phải là cái cười vui, mà chỉ là những động tác của bắp thịt khi miệng ta nhoẻn ra cười thôi. Mỉm miệng cười đưa tới những kết quả rất kỳ diệu. Đang tức bực vậy mà ta mỉm miệng cười được một cái thì tự nhiên tâm trạng ta biến đổi hoàn toàn.

An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời. Khi thở vào, ta đem tất cả thân tâm trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Khi thở ra, ta thấy được giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những mầu nhiệm tuyệt vời của sự sống. Trở về giây phút hiện tại, ta khám phá được nhiều châu báu trong thân và trong tâm của ta. Trước hết ta khám phá ra sự thật là ta đang sống và ta đang thở. Ta đang sống, sự sống đang có mặt với tất cả những mầu nhiệm của nó. Ta tiếp xúc được với Bụt, với Pháp, với Tăng. Tất cả những mầu nhiệm đó đều đang có mặt trong giây phút hiện tại. Ta chỉ cần tiếp xúc sâu sắc với giây phút này là có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy. Ta tiếp xúc được với tất cả những gì mà lâu nay ta từng đi tìm nhưng chưa gặp. Tất cả đều ở ngay đây.

Trang: 1 2 3 4 5

×