Niềm tin phải vững mạnh
Trong quá trình tu học, ta cần hiểu biết về chủ đích và phương pháp, phải vững tin vào mục đích cũng như phương pháp tu học, phải tin vào thầy và bạn, và phải chuyên cần trong việc thực tập. Thái độ của người tu không khác gì thái độ của một người vào bệnh viện: phải tin thầy, tin thuốc. Tôi xin kể cho quý vị nghe chuyện một bệnh nhân theo phương pháp rửa ruột trong một dưỡng đường bên Đức, để so sánh với sự tu tập của mình như thế nào.
Mỗi ngày, vào lúc sáu giờ sáng, bệnh nhân thức dậy uống một ly nước đầy pha một thìa sulphate de magnesium đã ngâm suốt đêm. Uống xong phải vận động để nước muối đi xuống ruột già càng mau càng tốt. Cứ một giờ đồng hồ lại uống một cốc nước đầy. Mỗi ngày uống ít ra là ba lít nước. Người ấy nhịn đói hoàn toàn ít nhất là trong năm ngày đầu. Sang tới ngày thứ ba, những độc tố lâu nay bám vào thành ruột bắt đầu tan loãng để bài tiết ra. Người bệnh mệt không thể cựa quậy được, có thể nằm trên giường mà không thò chân xuống đất đứng dậy được, tưởng như mình sắp chết. Mỗi ngày uống ba hoặc bốn lít nước là để cho thận và gan lọc cho độc tố được tống ra ngoài bằng nước tiểu. Nhịn đói là để cơ thể có dịp nghỉ ngơi, để ruột non và ruột già có cơ hội khôi phục khả năng làm việc của chúng. Bác sĩ cho mình uống thuốc trợ gan và trợ thận. Nếu người bệnh nói: “tôi đâu có đau gan mà phải uống thuốc gan, đâu có đau thận mà phải uống thuốc thận,” tức là không hiểu phương pháp của thầy thuốc. Chữa bệnh phải tin thầy, tin thuốc. Phải hiểu biết tại sao bác sĩ yêu cầu mình phải uống thuốc trợ thận và trợ gan. Tu học cũng thế. Tại sao ta nên đi thiền hành chung với đại chúng, tại sao đi riêng một mình không đủ? Vì khi đi thiền hành chung với tăng thân, tác động sẽ khác. Tại sao cần phải dự pháp đàm? Nghe thầy dạy ta hiểu rồi, tại sao phải có mặt trong buổi pháp đàm làm chi? Lý do là ngồi trong pháp đàm, dẫu ta không nói, mà những điều người khác nói phù hợp với nhận thức ta cũng có tác dụng làm lớn niềm tin của ta và giúp ta thấy ta rõ hơn lên. Bác sĩ còn bảo bệnh nhân bơm ruột, đi bộ và tập thở ngoài trời mỗi ngày mấy tiếng. Ăn thì ăn rất ít mà nhai thì phải nhai rất kỹ, một miếng bánh mì 30 gram mà nhai suốt cả giờ. Tất cả những việc đó đều khó làm theo, nhưng bệnh nhân phải hiểu tác dụng của từng phương pháp trị liệu, và phải tin chắc rằng thực tập theo lời thầy thuốc dặn là quan trọng. Có niềm tin, ta sẽ có rất nhiều chuyển hóa ở trong cơ thể, còn nếu niềm tin bạc nhược, ta sẽ không làm đúng những lời khuyến cáo và chỉ đạt tới một phần tư hoặc một phần năm kết quả.
Trong thiền viện cũng vậy. Các vị giáo thọ biết ta cần phải làm gì. Thí dụ họ đề nghị hai anh em bạn tu tới gặp riêng nhau ít nhất sáu buổi để trò chuyện, giải tỏa tâm tư theo phương pháp làm mới (beginning anew). Một sư chú nói: “Không cần, tới gặp người ấy làm gì mất công, tôi ở trong phòng một mình quán chiếu còn tốt hơn.” Từ chối không gặp vì ta nghĩ rằng gặp người ấy ta không cảm thấy dễ chịu. Làm sao cảm thấy dễ chịu được khi cái tưởng của ta về người đó đã có chất chứa ác cảm và sai lầm? Ta từ chối vì ta không thấy được rằng vị giáo thọ, hay vị thầy của cả hai người, đã biết rằng hai người thực sự cần gặp nhau. Như thế là người ấy không có đủ niềm tin nơi pháp môn của thầy. Nếu thầy bảo hai anh em nên thực tập làm mới với nhau ít nhất là sáu lần thì ta phải đi gặp nhau sáu lần, chứ không nên ngại mệt.
Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi thực tập trong đời sống hàng ngày của ta đều có mục đích, và ta phải có đức tin vững chãi vào sự thực tập thì mới dẫn tới những chuyển hóa chân thật. Một bước chân thôi, mà bước được đúng theo phương pháp thầy chỉ bảo, cũng đã đem lại kết quả. Niềm tin vững chãi vào sự thực tập, lùm lùm được biểu lộ ra. Khi ta đi, người khác nhìn thấy có chánh tinh tấn trong bước chân của ta đi. Khi ta ngồi, người khác nhìn thấy có chánh tinh tấn trong khi ta ngồi.
Cái tưởng do những điều kiện trong quá trình phát triển tâm lý và những điều kiện lịch sử trong xã hội và trong gia đình mình đưa tới. Cái tưởng của mỗi người là con đẻ của những điều kiện, những nhân duyên, từ tổ tiên, từ giáo dục, từ các thói quen lâu đời. Phải sẵn sàng chiếu rọi ánh sáng chánh niệm vào trong cái tưởng để thấu hiểu được cội nguồn và bản chất của nó. Trong thiền viện, phương pháp Làm Mới Tăng Thân nếu được thực tập đúng cách sẽ chuyển hóa cái tưởng của mỗi người và của mọi người. Khi hai người ngồi xuống để lắng nghe, mỗi người đã có sẵn cái tưởng đối với người kia và đối với mình. Cái tưởng nào cũng có thể rất sai lầm. Hai người cùng ngồi lắng nghe nhau bằng chánh niệm thì cái thấy mới sẽ phát sinh. Cái thấy đó có thể giải toả được cho chính mình và cho người kia, nhất là khi có người bạn thứ ba hay một vị giáo thọ có mặt. Đem lòng từ bi, đem nụ cười, đem thêm sự vững chãi tới để giúp cho hai người bạn có cơ hội nhìn vào cái tưởng của chính họ, đó là cống hiến quý hóa nhất của một tăng thân.
Làm Mới (Beginning Anew) không phải là một buổi họp trong đó ta cố tranh đấu cho ý kiến của ta được mọi người chấp nhận. Nếu trong một buổi họp ta chỉ lo chuẩn bị vận động cho ý kiến của ta, thì thay vì cái tưởng của ta sẽ tan rã trong môi trường ấy nó lại sẽ nằm ỳ không chuyển hóa. Làm thế là đi ngược lại với tinh thần “Làm Mới – beginning a new”. Cũng vì sư chú đã chuẩn bị tới họp để bảo vệ một cái tưởng, trong khi mục tiêu chính của sự thực tập là để phá cái tưởng ấy. Phải xem người anh, người chị hoặc người em kia là cơ hội giúp cho chính ta chuyển hóa.
Sự thực tập của ta không phải là sẽ có lợi lạc cho một mình ta, mà cho tất cả mọi người trong đại chúng và cho những thế hệ Phật tử thực tập trong tương lai. Nếu ta thành công thì bao nhiêu thế hệ sau này sẽ được thừa hưởng. Khi ta tới với một thiền viện, tức là ta đã chấp nhận một tăng thân, chấp nhận một gia đình. Khi quý vị tiếp nhận một Pháp danh hay một Pháp tự, quý vị trở thành con cháu một nhà. Quý vị tiếp nhận những châu báu, những truyền thống, những tinh hoa của đạo pháp để tự nuôi dưỡng mình. Quý vị có bổn phận phải trao truyền lại những châu báu ấy cho các thế hệ tương lai. Sự mong ước của các vị tổ sư và các thầy là trao truyền, chứ không phải chỉ là chữa trị cho chính bản thân. Sự tiếp nối của đạo pháp, của tuệ giác và của sự chuyển hóa, đó là nơi nương tựa cho tất cả mọi người. Nếu không thành công, ta sẽ phụ ơn đức của Bụt, của tổ, của thầy và của tăng thân. Cho nên ta đừng bỏ phí một giây phút nào trong đời sống hàng ngày. Chỉ có mình mới có thể đánh mất đời sống của mình mà thôi. Tuần trước tôi có nói rằng sự thực tập của chúng ta rất cụ thể. Chúng ta sống đời sống hàng ngày như thế nào để mỗi giây phút của đời sống trở thành một kỳ sử cho chính chúng ta và cho các con cháu của chúng ta. Chúng ta không cần phải leo lên núi Thứu mới có thể sống được huyền sử. Chúng ta chỉ cần đi bộ với nhau ở Làng Mai, ngồi ăn cơm với nhau, rửa chén, quét nhà với nhau trong chánh niệm và an lạc là chúng ta đã có thể tạo nên huyền sử. Tôi mong rằng tất cả quý vị ở đây đều đang tham dự vào trong huyền sử đó, đừng có đứng bên ngoài. Bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười, bằng sự hành trì tu tập hàng ngày của mình, ta đóng góp một phần xây dựng tịnh độ cho chính bản thân ta, và cho các thế hệ tương lai.
(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh