Bài 15: Quán pháp trong pháp

02/02/2022 1.719 lượt xem

Quán pháp trong pháp

Quán chiếu về pháp tức là lấy hơi thở có chánh niệm rọi sáng vào đối tượng hiện đang ở trong tâm, gọi là quán pháp ở trong pháp (contemplation of dharmas in dharmas). Đạo Bụt có danh từ trạch pháp, có nghĩa là khảo sát, nhìn sâu, tìm cho ra bản chất của các pháp (investigation of dharmas). Trạch pháp là một trong thất bồ đề phận, còn gọi là thất giác chi, bảy yếu tố đưa tới giải thoát (the seven factors of enlightenment-bodhyanga). Quán niệm pháp trong pháp tương đương với trạch pháp của thất bồ đề phận.

Có danh từ nữa là ngũ đình tâm quán tức là năm phép quán có tác dụng làm lắng lại cái tâm rong ruổi của mình. Trong ngũ đình tâm quán trước hết ta có Sổ tức quán là phép đếm hơi thở. Nhân duyên quán là quán về tính cách tương tức tương nhập của sự vật. Từ bi quán, còn gọi là niệm Phật quán, nhất là trong các truyền thống tu tịnh độ. Niệm Phật cho đúng thì thế nào cũng phát hiện và nuôi dưỡng được chất liệu từ và bi. Bất tịnh quán có nghĩa là quán về tính chất bất tịnh, mặt trái của những chiếc huy chương. Sự vật có thể là danh, có thể là lợi, có thể là tài, là sắc. Nhìn một bên ta thấy hấp dẫn nhưng phía sau ta thấy bất tịnh. Sau chót là Giới phân biệt quán. Giới là các hiện tượng, các pháp. Phân biệt là tìm hiểu, quán sát hay quyết trạch. Vậy thì quán pháp ở trong pháp tương đương với giới phân biệt quán của Ngũ đình tâm quán và trạch pháp giác chi trong bảy giác chi. Trong bộ Trung A Hàm có Kinh Đa Giới (Bahudhatuka sutta). Bhahu là đa, dhatuka là giới. Kinh này cũng có mặt ở Trung Bộ Kinh (Majjhima nikaya). Trong Kinh này Bụt dạy rằng tất cả những sợ hãi, những lo âu và những hoạn nạn của chúng ta đều phát xuất từ sự ngu dốt. Ngu dốt tức là vô minh, sự kiện không thấy được chân tướng của sự vật. Nếu chúng ta khiếp đảm, nếu chúng ta lo âu, nếu chúng ta thấy đời đầy hoạn nạn thì đó là do ta không thấy rõ được chân tướng của vạn pháp. Nếu quán chiếu và quyết trạch được các giới, chúng ta có thể chuyển hóa vô minh và sẽ không còn có cảm giác sợ hãi và bấp bênh nữa. Một hôm, trong khi ngồi thiền, thầy A Nan phát kiến ra rằng tất cả những sợ hãi, lo âu và hoạn nạn của mình đều đã được phát sinh từ sự không thấu hiểu các tâm pháp và sắc pháp. Thầy A Nan lên thưa Bụt điều đó, Bụt bảo thầy nói rất đúng. Muốn vượt thoát khỏi lo sợ và sầu bi thì ta phải quán chiếu về giới và Bụt dạy thầy A Nan thế nào là giới.

Trước hết giới tức là mười tám lĩnh vực của hiện hữu. Con mắt là một giới (gọi là nhãn giới), đối tượng của mắt là một giới (gọi là sắc giới). Cái thấy, là giới thứ ba, nhãn thức giới. Trong lĩnh vực của thấy, vùng đất thứ nhất là con mắt, vùng đất thứ hai là đối tượng của con mắt và vùng đất thứ ba là cái biết phát sinh từ sự tiếp xúc giữa nhãn giới và sắc giới. Đó là ba giới. Rồi đến nghe: nhĩ giới, thanh giới và nhĩ thức giới; ta tiếp tục tính như vậy với tỷ, thiệt, thân và ý, tất cả là sáu căn. Rồi đến sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sau đó là sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Cộng lại là mười tám giới. Có thể nói là mọi hiện hữu trong vũ trụ đều bao gồm trong mười tám giới. Bụt dạy nếu chúng ta quán chiếu về mười tám giới và thấy được bản chất của mười tám giới thì chúng ta có thể vượt thoát vô minh và mọi sợ hãi, hoạn nạn và lo buồn.

Thầy A Nan hỏi: “Có thể có một định nghĩa khác về giới hay không?” Bụt nói: “Có thể. Chúng ta có thể quán chiếu về sáu giới: địa, thuỷ, phong, hoả, không và thức.”

Trước hết là địa, thủy, hỏa, phong: đất, nước, lửa và không khí, gọi là bốn đại (mahabhuta). Giới thứ năm là không, tức là không gian, giới thứ sáu là thức. Nếu quán chiếu từng giới, chúng ta có thể thấy mỗi giới chứa đựng tất cả năm giới khác. Trong địa có thủy, hỏa, phong, không và thức. Trong thức cũng có địa, thủy, hỏa, phong và không, v.v.. Quán chiếu địa, thủy, hỏa, phong, không và thức ở trong tự thân ta, rồi quán chiếu địa, thủy, hỏa, phong, không và thức ở ngoài. Thấy rằng không có biên giới giữa lục xứ bên trong và lục xứ bên ngoài, chúng ta thoát khỏi ý niệm về sống chết.

Thầy A Nan lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, ngoài cách quán chiếu giới qua mười tám loại và qua sáu loại, có thể quán chiếu về giới bằng cách khác nữa không?” Bụt nói: “Có thể được. Lạc, khổ, hỷ, Ưu, xả và vô minh, cũng là sáu giới.”

Trang: 1 2 3 4 5

×