Đạo Bụt dạy chúng ta rằng ngã được làm bằng những yếu tố phi ngã, đạo Bụt được làm bằng các chất liệu không phải đạo Bụt. Phật pháp tức thế gian pháp. Đạo Bụt không nghĩ rằng chỉ trong truyền thống của ta là có chân lý và chân lý không thể có trong những truyền thống khác. Người theo đạo Bụt không có chủ đích làm cho người khác bỏ truyền thống tâm linh của họ để đi theo mình. Theo giáo lý này ta phải giúp cho người khác trở về bám rễ vào trong truyền thống tâm linh của họ. Sự thực tập đạo Bụt có mục đích giúp người ta trở về nguyên quán: quê hương tâm linh, quê hương huyết thống. Phương pháp của chúng ta khác với phương pháp của những giáo sĩ ngoại quốc tới nước ta cách đây ba bốn trăm năm. Chúng ta hiện giờ đang làm ngược lại phương pháp của họ. Chúng ta sang Tây phương chia sẻ sự thực tập của chúng ta, nhưng lại mong ước và khuyến khích những người Tây phương trở về với truyền thống tâm linh của họ. Vì chúng ta biết rõ khi một người mất gốc, người ấy trở thành một cô hồn lãng tử, khó mà có được an lạc, hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi. Cho nên lễ thứ sáu này rất cần thiết cho những người đã bỏ truyền thống tâm linh cũ của họ.
Việc tu tập của chúng ta là một sự trở về. Trở về tiếp xúc với quê hương. Quê hương đó có thể được tiếp xúc ngay bây giờ và ở đây, ngay chính trong con người của ta. Chúng ta không cần đi máy bay mới trở về được quê hương tâm linh. Chúng ta không cần tưởng tượng. Trong ta có gốc rễ của gia đình huyết thống, có gốc rễ của gia đình tâm linh, có Bụt, có Pháp, có Tăng, có ông bà, tổ tiên. Khi trở về, chúng ta được che chở, chúng ta được tiếp nhận thêm năng lượng. Chúng ta bắt đầu được nuôi dưỡng, được chuyển hóa và trị liệu cả vật chất lẫn tinh thần.
Trong khi thực tập, mỗi bước chân ta là một sự trở về. Bước đi mỗi bước, điểm ta đạt tới là bây giờ và ở đây. Bài Đã Về Đã Tới là để giúp ta thực tập sự trở về đó. Bài Quay Về Nương Tựa Hải Đảo Tự Thân cũng là để ta thực tập điều đó. Mùa thu vừa qua, trong buổi thuyết giảng ở Berkeley, tôi đã nói phương pháp thực tập của chúng ta có thể được gọi là phương pháp trở về (the practice of going home). Trong cuộc sống thất niệm và quên lãng, chúng ta để cho tư tưởng, để cho nhớ thương, giận hờn, quá khứ và tương lai lôi kéo. Chúng ta đã sống như một bóng ma, đã bước đi trong cuộc đời như một người mộng du. Chúng ta chưa trở về. Ngoài chánh niệm, không ai có thể giúp chúng ta trở về được quê hương của chính ta, quê hương tâm linh cũng như quê hương huyết thống. Với những câu hỏi: “Anh đang làm gì? Anh làm cái đó với mục đích gì? Anh đang đi đâu?” chúng ta trở về ngay với chánh niệm, với bây giờ và ở đây. Bỗng nhiên ta biết rằng ta đang đứng trên quê hương, chưa bao giờ rời khỏi quê hương ta.
Trở về như vậy, chúng ta cảm thấy tràn đầy và được nuôi dưỡng. Phương pháp này phải thực tập trong từng giây, từng phút. Nếu quý vị thất bại trong thời gian thực tập ở Làng Mai thì tôi lo rằng quý vị sẽ thất bại khi về nhà. Tại Làng Mai có một tăng thân đang cùng tu tập, chúng ta phải giúp nhau tu tập. Nếu ở Làng Mai mà chúng ta không tạo ra được cái thói quen, cái tập khí mới, thì khi trở về chúng ta sẽ bị cuốn theo nhịp sống cũ, khó thực tập thành công được. Cho nên, trước khi lên máy bay, chúng ta đã phải trở về.
(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh