Bài 19: Quán không trong năm lễ

03/12/2022 2.159 lượt xem

Các vị mới xuất gia hay được thầy bổn sư dạy về việc này. Khi mang hình tướng của người xuất gia, mình có thể trở thành đối tượng cho nhiều người cung kính. Và đó là điểm đáng lo trong đời sống xuất gia. Người ta khởi lòng cung kính tam bảo, thấy tướng mạo đoan trang của người xuất gia, họ muốn đảnh lễ. Nếu ta không có chánh niệm thì chỉ trong vòng vài năm, ta có thể bị hư liền. Ta tưởng mình là quan trọng lắm. Người mới tu mà bị Phật tử tới lạy thì cảm thấy rất xốn xang. Biết mình đức độ chưa có bao nhiêu, học hỏi chưa được bao nhiêu, giới luật chưa tinh nghiêm, mà phải ngồi đó để cho người ta lạy thì trong lòng rất khó chịu. Ta có thể hiểu được tâm trạng các bậc làm cha mẹ bị bắt buộc ngồi như hai pho tượng để các con sì sụp lễ. Nhưng chúng ta nên hiểu đây là một sự thực tập rất quan trọng. Cha mẹ là đại diện cho tất cả các thế hệ tổ tiên, ông bà. Những người trẻ họ có nhu yếu hướng về cội nguồn, họ cũng cần một biểu tượng để lạy. Nếu không ngồi cho họ lạy thì có thể họ sẽ quên mất gốc rễ, và không tiếp xúc được với ông bà và tổ tiên của họ. Cho nên dù quý vị là những bậc cha mẹ chưa đến tuổi già, quý vị cũng nên ngồi cho đàng hoàng để cho con cháu lạy. Trong khi ngồi đàng hoàng, quý vị có thể thực tập hơi thở chánh niệm và tưởng nhớ tới tổ tiên, thấy rằng các con mình đang hướng về các thế hệ tổ tiên để tìm nương tựa chứ không phải đang thần tượng hóa mình. Các cháu phải hiểu lạy đây không phải là lạy cái ngã của cha mẹ. Các cháu đang lạy với lòng biết ơn bao nhiêu thế hệ tổ tiên trong quá khứ đã mở nước, dựng nước, xây dựng nên nếp sống văn hóa của dân tộc. Người xuất gia hay mới xuất gia cũng vậy. Chúng ta mặc nhật bình hay áo tràng, tuy tuổi tu còn ít, đức độ còn kém, nhưng khi người ta tới lạy cũng phải ngồi cho thật trang nghiêm. Người ta không lạy cái ngã của mình đâu mà sợ. Người ta đang lạy Tam bảo. Họ lạy dòng sinh mệnh tâm linh, họ lạy Bụt và chư tổ qua con người mình. Cho nên ta phải ngồi cho thật đàng hoàng, phải tập thở cho chánh niệm. Phải quán chiếu rằng họ lạy đây không phải là lạy mình, lạy cái ta của mình, mà họ đang lạy truyền thống tâm linh của họ. Thấy được như thế thì ta có thể ngồi rất an nhiên và tự tại. Cái lạy đó sẽ không bao giờ làm cho ta trở thành kiêu căng. Còn nếu ta không quán chiếu “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch” thì người ta chỉ cần lễ chừng ba lễ là mình mất hết công đức từ lúc mới tu cho đến lúc này. Không những mất hết công đức mới mà còn mất vào vốn cũ nữa!

Đó là bí quyết tôi thường truyền trao lại cho những người mới tu. Dù mới tu có hai ba ngày nhưng nếu có hai ba trăm người tới đảnh lễ ta cũng phải ngồi rất yên, rất trang nghiêm cho họ lạy. Trong khi người lễ, ta phải quán chiếu vô ngã, duyên sinh và vô thường. Được trao truyền bí quyết đó rồi thì ta có thể cứu được đời tu của ta. Những điều đơn giản và căn bản như vậy mà ta không được tiếp nhận, thì ta rất dễ đánh mất giới thân huệ mạng. Mỗi khi bị người ta lạy, tôi không sợ hãi chút nào cả. Tôi ngồi đó. Tôi thấy những cái lạy của người ta không động gì tới tôi, không làm cho tôi có thêm một chút tự hào nào hết. Có khi ngồi trên pháp tọa để truyền giới, năm trăm, bảy trăm người, cả ngàn người lễ xuống để nhận giới, tôi thấy được tâm trạng thiết tha thành khẩn của những người thọ giới. Họ đang hướng về tam bảo, hướng về mấy ngàn năm lịch sử của chất liệu tâm linh. Tôi ngồi đó để làm cái gạch nối giữa tổ tiên tâm linh và những người thọ giới. Cái lạy của họ không làm tôi khởi lên một tâm niệm ngã mạn, tự hào, tự phụ, nhờ vậy tôi chưa bao giờ bị sập vào bẫy cống cao. Tôi thoát được cái bẫy sập là nhờ thực tập không quán, và vô ngã quán.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×