Bài 22: Hộ trì sáu căn bằng chánh niệm

04/08/2023 1.010 lượt xem

Hôm nay là ngày 6 tháng 2, năm 1994. Chúng ta ở tại Xóm Hạ và chúng ta học tiếp về Bát Chánh Đạo.

Kỳ trước chúng ta đã nói về Mười Hai Nhân Duyên thuộc phạm vi của chủ đề Duyên Sinh. Có hai loại duyên sinh, gọi là Vọng tâm duyên sinh và Chân tâm duyên sinh. Vọng tâm (deluded mind) tức là tâm còn chứa chất sự sai lầm. Thế giới, xã hội, cũng như con người, vì được duyên sinh tạo thành căn cứ trên vọng tâm đó nên có nhiều đau khổ, nhiều phiền não. Nhưng đứng về mặt tích cực thì chúng ta có Chân tâm duyên sinh. Chân tâm (true mind) là tâm phản chiếu thực tại mầu nhiệm, tâm của Tứ Trí. Thế giới, cũng như xã hội loài người, được tạo dựng ra trên chân tâm duyên sinh sẽ là thế giới hạnh phúc, an lạc.

Hộ trì sáu căn bằng chánh niệm

Chúng ta hãy tưởng tượng 1000 người mà tâm trí đầy dẫy những ganh tị, giận hờn và vô minh tụ họp lại để sống chung với nhau. Họ sẽ tạo nên một địa ngục nhỏ. Khung cảnh nơi họ sống có tính cách địa ngục. Cuộc sống hằng ngày của họ, và liên hệ giữa họ với nhau cũng có tính cách địa ngục. Điều đó đã sinh khởi do vọng tâm của 1000 người. Các vọng tâm tạo thành một cộng nghiệp khổ đau. Hai người hiểu lầm nhau đã có thể tạo ra một địa ngục nhỏ rồi, huống hồ là 1000 người. Muốn chuyển hóa địa ngục ấy thành ra một thiên đường, chúng ta biết chỉ có một cách là chuyển hóa nội tâm. Nhưng ai có thể chuyển hóa được tâm của 1000 người đó? Phải có một yếu tố khác như một vị đạo sư, hay một tăng thân lớn. Sự chuyển hóa bắt đầu từ một người, rồi hai người, để cho chất vọng bớt đi, và để cho chất chân bắt đầu có mặt. Bây giờ ta hãy tưởng tượng 1000 người kia có hiểu biết, có thương yêu, không giận hờn, không ganh tị… Họ có thể tạo ra một cọng đồng hạnh phúc. Đó gọi là chân tâm duyên sinh. Cho nên vốn liếng của chúng ta là tâm. Mà nếu tâm còn nhiều vọng, còn nhiều sự hiểu lầm (wrong perceptions, deluded mind) thì cái tâm ấy còn gây đau khổ. Khi một người có cái tâm sáng, cái tâm không hiểu lầm, thì người ấy đã có một thiên đường nhỏ cho chính mình. Và nếu hai người như vậy thì hai người ấy có thể tạo ra một thiên đường nhỏ cho nhau. Và khi người thứ ba tới, hai cái chân tâm có sẵn đó hy vọng sẽ chuyển hóa được cái vọng tâm kia một cách từ từ. Có 1000 người với tâm nhẹ nhàng thanh thoát là có Niết bàn hạnh phúc, là có thế giới Hoa Nghiêm.

Chúng ta thường học, thường giảng về mười hai Nhân Duyên, đã chú trọng nhiều về vọng tâm duyên sinh, và đã nói rất ít về chân tâm duyên sinh. Chúng ta than thở, buồn khổ vì tính chất tiêu cực của vọng tâm duyên sinh nhưng chúng ta chưa học, và chưa thực tập đủ về phần tích cực của chân tâm duyên sinh. Cho nên thế hệ của quý vị là phải mở ra một kỷ nguyên mới của sự tu học Phật pháp. Thay vì nói nhiều về mười hai Nhân Duyên đưa tới khổ đau thì quý vị phải nói nhiều, phải học nhiều, và phải đưa ra những phương pháp thực tập cụ thể về chân tâm duyên sinh. Chúng ta phải biết căn cứ vào giáo nghĩa Mười Hai Nhân Duyên để tạo dựng một thế giới của hạnh phúc, một thế giới của an lạc.

Chúng ta hãy vẽ lại một đồ hình, phía trong có mười hai chi phần của Thập Nhị Nhân Duyên, gồm có Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử. Phía ngoài chúng ta vẽ Chân Tâm Duyên Sinh. Vòng duyên sinh ngoài có Minh duyên Bồ đề tâm tức là Đại nguyện. Bồ đề tâm là một thứ năng lượng rất lớn thường thúc đẩy ta làm việc độ sanh. Bồ đề tâm đưa tới Trí.

Trí biểu hiện ra bốn mặt. Mặt thứ nhất gọi là Trí hiển hiện để soi sáng, Đại Viên Cảnh Trí. Trí đó phát xuất từ A Lại Da Thức, hay gọi là Dị Thục Thức. A Lại Da thức thuộc về vọng tâm cho nên biểu hiện ra thế giới thiên nhiên (khí thế gian) và chúng sinh (tình thế gian). Khí thế gian tức là hoàn cảnh trong đó ta sống, còn gọi là Y Báo. Chính con người ta thì được gọi là Chánh Báo, tức là Danh Sắc. Ngoài ra có Diệu Quan Sát Trí từ thức thứ sáu chuyển thành, Bình Đẳng Tánh Trí từ thức thứ bảy chuyển thành. Và công năng soi chiếu và tạo tác gọi là Thành Sở Tác Trí là từ năm thức đầu chuyển hiện.

Chúng ta đừng hiểu Trí là trí năng, sự thông minh. Trí ở đây tức là bản chất tạo tác ra một thế giới an lạc. Thức tạo ra Hữu, tức là cuộc sống nhiều khổ đau, nhiều đày đọa, Ưu sầu. Còn Trí tạo ra Tịnh độ, tạo ra Phật độ, ra thế giới của Hoa Nghiêm. Thức là vọng tâm, Trí là chân tâm. Chân tâm tạo ra thế giới Danh Sắc của người giác ngộ, của Thân Thị Hiện, gọi là Báo Thân. Báo Thân này vẫn có Lục Nhập, là sáu căn và sáu trần. Nhưng căn và trần này mang lại hạnh phúc, được gọi là Thọ Dụng Thân (sambhogakaya). Thọ Dụng là tiếp nhận và sử dụng. Lục Nhập thì đầy dẫy những mê mờ vọng tưởng trong khi đó thì Thọ Dụng Thân tràn đầy tính hạnh phúc và nhẹ nhàng của người giải thoát. Có Thọ Dụng Thân này thì Xúc có chánh niệm, Xúc thanh tịnh. Xúc này luôn luôn được sáu căn hộ trì.

Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.

Đó là cách sử dụng sáu căn và sáu trần của người giác ngộ. Xúc thanh tịnh, Xúc chánh niệm sẽ tạo tác ra Thọ thanh tịnh, Thọ chánh niệm. Chìa khóa của sự tu học là ở Xúc và Thọ. Nếu Xúc và Thọ không được chánh niệm hộ trì thì sẽ không có sự chuyển hóa. Cho nên bí quyết thành công của sự tu học là trong đời sống hằng ngày ta biết dùng chánh niệm để rọi vào Xúc và Thọ để sáu căn và sáu trần được tiếp xúc trong chánh niệm, và cảm thọ trong chánh niệm. Đó là cửa đi vào sự hành trì giải thoát. Nếu không tức là không có mặt của sự tu tập đích thực. Tụng Kinh mười hay là mười hai giờ đồng hồ một ngày, ngồi thiền mười hay là mười hai giờ đồng hồ một ngày mà không thực tập chánh niệm, không hộ trì sáu căn thì có thể không có kết quả gì cả. Khi ta đã biết hộ trì sáu căn thì khổ thọ được đặt trong chánh niệm, lạc thọ và xả thọ cũng được đặt ở trong chánh niệm. Ái dục lôi kéo hay không là do Xúc và Thọ có được đặt trong chánh niệm hay không. Ái tức là sự đắm đuối, thèm khát (craving, thirst). Nếu Xúc và Thọ được hộ trì trong chánh niệm thì không đi tới Ái, mà đi tới Xả, tức là tự do. Chúng ta phải định nghĩa chữ Xả một cách thấu triệt. Xả có nghĩa là tự do, là không phe phái, là có khả năng buông bỏ không vướng mắc. Xúc và Thọ bây giờ đưa tới Từ, Bi, Hỷ, và Xả.

Ái thuộc về tình cảm, nhưng đó là một thứ tình cảm bệnh hoạn đam mê, vướng mắc. Từ, Bi, Hỷ, và Xả cũng là tình cảm, nhưng đây là thứ tình cảm giải thoát, nhẹ nhàng. Tình cảm là loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ. Khi người ta thương, người ta có thể làm được những việc mà người không thương không sao làm được. Tình thương vướng mắc và nặng nề hay tình thương của chân tâm cao quý cũng đầy năng lượng như vậy. Có tình thương, có Từ, Bi, Hỷ, và Xả, anh có thể làm được những chuyện mà người không thương không thể nào làm được. Anh có thể chịu đựng được khổ đau, anh có thể hy sinh thân mạng, có thể làm mọi cách để cứu độ chúng sanh, là vì anh có tình thương lớn. Đạo lý Từ Bi Hỷ Xả là đạo lý về tình thương trong đạo Bụt để thay thế tình thương vướng mắc, và hệ lụy, gọi là khát Đi (trsna). Biết bao nhiêu người hụp lặn trong biển khổ vì Ái, vì tình thương vô minh. Biển Ái dìm chết biết bao nhiêu người là do thứ tình này. Từ Bi Hỉ Xả cũng là tình nhưng là tình có thể cứu vớt và giải phóng.

Trong truyền thống tu học có nhiều người sợ không dám nói tới tình. Làm như đi tu là phải bỏ hết tất cả tình. Điều đó không đúng. Tu phải có rất nhiều tình, tình Từ, tình Bi, tình Hỷ, và tình Xả. Trong thiền đường chùa Trúc Lâm, ta thấy hai câu đối. Câu bên phải là: “Bất tục tức tiên cốt” nghĩa là bản chất của người tiên là không vướng ở cõi tục. Vế kia là: “Đa tình thị Phật tâm” tâm đa tình, tâm nhiều tình cảm là tâm của Bụt. Tình cảm ở đây là Từ, Bi, Hỷ, và Xả.

Cho nên khi học đạo Bụt mà nặng về tri thức, chúng ta có thể có cảm tưởng là đạo Bụt khô khan. Ta mải nói về Giới, về Định, về Tuệ, về Trạch Pháp. Cái gì cũng là Trí Tuệ. Chúng ta đã nghiêng về Trí mà lơ là về Bi. Trong khi đó Bụt là Trí và Bi viên mãn. Phần trí tuệ và phần tình cảm phát triển song song với nhau và có quân bình. Vì vậy đạo lý Từ Bi Hỷ Xả cần phải được đề cao, cần phải được phát triển, và áp dụng rất nhiều. Thực tập Từ Bi Hỷ Xả thì sự sống có thêm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy bài pháp thoại hôm nay có chủ đề là Tình Thương. Thương như thế nào mà ta có hạnh phúc, những người được ta thương cũng có hạnh phúc, và không ai bị chìm đắm trong cái biển khổ đau của khát Đi (trsna).

Trang: 1 2 3 4 5

×