Bài 22: Hộ trì sáu căn bằng chánh niệm

04/08/2023 1.011 lượt xem

Sai lầm lớn thứ hai là nói rằng tu Từ Bi Hỷ Xả chỉ chuyển hóa được tâm của người tu thôi, chứ không ảnh hưởng trực tiếp tới mọi loài chúng sanh. Những người diễn giảng và thực tập bốn tâm đó đã hiểu lầm lời của Bụt dạy. Họ nghĩ rằng tu Từ Bi Hỷ Xả là những ức tưởng, những tưởng tượng ở trong đầu người tu. Có một đoạn Kinh nói về phương pháp tu Từ Bi Hỷ Xả (đoạn Kinh này được lập lại rất nhiều trong tạng Hán cũng như là tạng Pali). Đoạn Kinh đó như sau:

“Tâm dữ Từ câu, biến mãn nhất phương thành tựu du. Như thị nhị tam tứ phương tứ duy thượng hạ phổ châu nhất thiết. Tâm dữ Từ câu, vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng thậm đại, vô lượng thiện tu, biến mãn nhất thiết thế gian thành tựu du. Như thị Bi, Hỷ tâm dữ Xả câu, vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng thậm đại, vô lượng thiện tu, biến mãn nhất thiết thế gian thành tựu du”. Dịch nghĩa: Tâm ta với chất liệu Từ, đi về một phương, tiếp xúc với tất cả trong phương đó một cách rất sâu sắc, trở thành một với phương đó. Cũng như vậy, tâm ta với chất liệu Từ đi vào phương thứ hai, đi vào phương thứ ba, đi vào phương thứ tư, đi lên phương Thượng, đi xuống phương Hạ, đồng nhất mình với từng phương, làm cho chất Từ thấm nhuận vào phương đó. Không có nội kết, không có oán hờn, không có giận dữ, không có tranh chấp, rất lớn, rất rộng cho tới vô cùng. Và điều này cũng được thực hiện với Bi, với Hỷ, và với Xả.

Bản dịch tiếng Anh như sau: He dwells suffusing, first, one direction with the heart link to Friendliness, then the second, then the third, then the fourth, then above, below, around and everywhere. And so he dwells recognizing himself in all, suffusing the entire world with the heart linked to Friendliness, far reaching, gone great, unlimited, free from enmity and malice.

Tiếng Pháp, dịch từ Pali: Ayant englobé la première région par une pensée associée à la Bienveillance, il demeure. Ayant englobé de la même manière la deuxième, la troisième et la quatrième région, le zénith, le nadir, les quatres régions intermédiaires. Ayant englobé partout et de toute manière le monde entier par une pensée associée à la Bienveillance, pensée étendue, agrandie, immense, exempte d’ennimité, exempte de méchanceté, il demeure. Il en fait de même avec la pensée associée à la Compassion, avec la pensée associée à la Joie, avec la pensée associée à l’Equanimité.

Một số các vị dạy như thế này: Trong khi ngồi thiền mình rải tâm Từ của mình về phương Đông, bao trùm tất cả các loài đang ở bên phương Đông; rồi sau đó rải tâm Từ của mình qua phương Tây, bao phủ tất cả các loài ở phương Tây; rồi phương Bắc, rồi phương Nam, rồi phương Thượng, rồi phương Hạ, rồi Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam; và cứ như vậy chúng ta tiếp tục với Bi, với Hỷ, và với Xả.

Có thầy giải thích rằng ta tưởng tượng lòng Từ của mình như là một đám mây trắng, từ trái tim của ta đi ra, bao trùm một phương, bao trùm hai phương, ba phương, bốn phương, tám phương, mười phương; và đó là thực tập Tứ Vô Lượng Tâm. Vì vậy trong Đại Trí Độ Luận có dùng một chữ là “ức tưởng”. Đại Trí Độ Luận nói rằng Thanh Văn tu Từ Bi Hỷ Xả chẳng qua là những ức tưởng bên trong, để chuyển hóa tâm sân hận của mình bên trong, chứ không có ảnh hưởng trực tiếp và thực tế tới mọi loài chúng sinh. Vì vậy muốn tu Từ Bi Hỷ Xả thật đàng hoàng là phải phát nguyện thành Phật, phải thực tập sáu phép Ba La Mật (the six paramitas), tức là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Tuệ.

Cách hiểu về Tứ Vô Lượng Tâm đó còn nông cạn. Từ là năng lượng làm cho người vui, Bi là năng lượng làm cho tiêu tan nỗi khổ. Ta chỉ có thể thực hiện được Từ và Bi khi quán chiếu. Từ hiểu biết mà đi tới thương yêu, rồi biến thành hành động. Tình thương biến thành hành động, chứ không phải là chỉ là ức tưởng. Vì vậy cách hiểu về Tứ Vô Lượng Tâm nói trên không đủ sâu sắc.

Tôi hy vọng quý vị đã nắm được những ý chính. Tránh sự hiểu lầm và phân biệt giữa Từ Bi Hỷ Xả với sự thực tập Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Tránh sự hiểu lầm rằng tu Từ, Bi, và Hỷ có thể bị vướng mắc cho nên mình phải tu Xả để bỏ Từ, bỏ Bi, và Hỷ. Đó là những cách hiểu rất nông cạn. Và nhất là hiểu lầm rằng tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả chỉ là chuyện ức tưởng bên trong đầu người tu, không ảnh hưởng gì tới thế giới bên ngoài. Đó là những sai lầm căn bản mà chúng ta phải sửa ngay trong Đại Trí Độ Luận. Thầy Long Thọ nói rằng vì cách tu Từ Bi Hỷ Xả của những bậc Thanh Văn chỉ là ức tưởng thôi, cho nên bây giờ người tu Đại Thừa phải tiến lên thực tập Sáu Ba La Mật. Câu đó cũng chứng tỏ rằng người đương thời chưa hiểu đúng phương pháp tu tập Từ Bi Hỷ Xả. Tại vì tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả rất cần Bát Nhã Ba La Mật. Có Bát Nhã Ba La Mật thì sẽ có Bố Thí Ba La Mật, có Trì Giới Ba La Mật. Khi trì giới tức là ta thương yêu.

Các vị Tổ đã dạy dỗ chúng ta rất nhiều. Tôi rất biết ơn các vị. Ngày xưa có lúc tôi từng nghĩ là điều gì các Tổ nói đều đúng hết. Bây giờ lớn rồi, thành ra tôi thấy được những điều thất truyền, và những ý trên đây là những đóng góp của tôi. Cũng là một cách để đền đáp công ơn các Tổ. Bồi đắp những chỗ còn bị trống, bị thiếu, và tiếp tục khai triển sự nghiệp của Tổ. Tôi không nói rằng các vị đã làm sai, hay làm thiếu. Cố nhiên là học trò của tôi, và học trò những thế hệ sau cũng phải tiếp tục làm như vậy. Bồi đắp cho cây Phật pháp mỗi ngày mỗi lớn, mỗi ngày mỗi mạnh. Và ta phải có con mắt Tuệ của chính ta mới được. Chứ còn học với tinh thần nô lệ, chấp nhận bất cứ một chữ nào, một câu nào ở trong các sách để lại, thì ta sẽ không đi xa được, và chỉ làm cho Phật Pháp mỗi ngày mỗi héo mòn đi mà thôi.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5

×