Bài 25: Bài kết thúc

04/08/2023 1.357 lượt xem

Hôm nay là ngày 20 tháng hai năm 1994, chúng ta kết thúc khóa tu mùa Đông tại Làng Mai.

Chúng ta đã bắt đầu khóa tu bằng kinh Chuyển Pháp Luân. Trong bài pháp thoại này Bụt nói đến Bốn Sự Thật và con đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chính. Trong suốt ba tháng qua chúng ta đã học và thực hành giáo lý của Bốn Sự Thật và con đường Tám Sự Hành Trì Chân Chính. Hôm trước chúng ta có học một câu trong Luận Ngữ, đức Khổng Tử nói: Học nhi thời tập chi, bất diệt lạc hồ, nghĩa là học mà được thực tập hằng ngày, đó chẳng phải là niềm vui hay sao? Câu đó rất hay. Chúng ta được học kinh, được nghe pháp thoại, chúng ta lại có vô số cơ hội để đem các điều đó ra thực tập trong đời sống hằng ngày. Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ, câu này ta cũng nên viết lên để treo ở thiền viện.

Ai tu học mà không nắm vững được nguyên tắc Tứ Diệu Đế, không biết cách áp dụng Bát Chánh Đạo để giải quyết những khổ đau trong đời sống hằng ngày thì cũng như người muốn làm đậu hũ nhưng chưa có tay nghề, hễ nói sắp làm đậu hũ là cảm thấy lúng túng. Các sư chú và các sư cô nào đã nắm vững nghệ thuật làm đậu hũ thì khi nghe nói tới việc làm đậu hũ trong lòng sẽ có sự bình an vô úy. Biết rằng ta có thể làm được việc đó, thành ra ta không sợ. Cũng vậy, chúng ta chỉ sợ hãi cảnh khổ đau, chỉ sợ hãi nỗi khó khăn, khi chúng ta chưa nắm vững được nguyên lý Bốn Sự Thật, và chưa nắm vững được phương pháp áp dụng tám chi phần của Bát Chánh Đạo vào đời sống.

Nguyên tắc Tứ Diệu Đế là nguyên tắc trị liệu trong y học. Người y sĩ trước hết phải nhận diện chứng bệnh. Phải biết bệnh đó là bệnh gì, phải thấy được bản chất và hành tướng của bệnh, rồi tìm hiểu căn do của chứng bệnh để khám phá phương pháp làm cho bệnh ngưng lại. Ngưng lại tức là Diệt Đế, Sự Thật thứ ba. Và những phương pháp để làm bệnh ngưng lại là Sự Thật thứ tư, Đạo Đế. Người thầy thuốc cũng thực tập Tứ Diệu Đế trong phạm vi y khoa. Trong cuộc đời, niềm đau khổ của ta là một chứng bệnh.

Lo âu là một chứng bệnh. Sợ hãi là một chứng bệnh. Cô đơn là một chứng bệnh. Phải nhận diện, phải thấy được hành tướng, thấy những nguyên do xa gần của bệnh. Chấm dứt bệnh bằng con đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chánh. Trong kinh Tương Ưng Bộ (Sammyutta Nikaya), nhiều thầy đã nói về nội dung tương tức của giáo lý Bốn Sự Thật. Như thầy Gamvapatti đã nói rằng nếu ta thấy được Khổ Đế thì ta thấy được ba Đế khác là Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.

Nỗi khổ của ta là nỗi khổ nào? Nỗi khổ đó có phải là tâm trạng ưu uất (depression), xao xuyến lo âu (anxiety), hay là sự sợ hãi thiếu an ninh thường trực? Nỗi khổ đó có thể là nỗi thất vọng vì cảm tưởng bị cuộc đời ruồng bỏ, ngược đãi, đầy đọa là cảm tưởng một mình mình đang gánh chịu mọi bất công của xã hội. Ta phải trực tiếp nhìn vào nỗi khổ ấy để tìm thấy được bản chất của nó. Do đó phải tu tập chi phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến.

Ta phải có Chánh Kiến về nỗi khổ của chúng ta. Phải sử dụng niệm lực, sức mạnh của chánh niệm để tạo nên hào quang chiếu vào sự thật thứ nhất, để nhìn thấy rõ ràng những hành tướng và bản chất của cái khổ. Thường thường chúng ta không làm như thế, vì ai cũng có khuynh hướng tự nhiên là chạy trốn nỗi khổ. Cái khổ có mặt ở đó nhưng ta đã quen tìm cách che phủ, ngụy trang, làm như nó không có. Giống như một con đà điểu trước mối nguy thì chúi đầu vào trong cát. Chúng ta phải có Chánh Kiến về Khổ, phải dám đối diện trực tiếp với cái khổ của chính mình.

Việc đầu tiên phải làm là dùng Chánh niệm và Chánh định để can đảm nhìn thẳng vào nỗi khổ của mình. Sự quán chiếu cho chúng ta thấy rõ ràng bản chất của khổ, đó là Chánh Kiến. Ta tìm hiểu những nguyên do gần xa nào đã đem tới khổ đau trong hiện tại. Thường thường ta chỉ quy tội cho một nguyên do nào đó. Chúng ta nói vì người này, hay là vì hoàn cảnh đó mà ta khổ. Thường thường ta tìm một nguyên do ở ngoài ta. Đó không phải là quán chiếu. Quán chiếu là phải can đảm sử dụng chánh niệm và chánh định, chuyên cần không ngừng nghỉ, tức là phải có chánh tinh tấn. Quý vị sống trong thời đại mới, có bút mực, có máy vi tính, quý vị có thể dùng những dụng cụ đó để ghi lại rõ ràng những nguyên do xa gần đã đưa tới nỗi khổ đau của quý vị và để quán chiếu về từng đề mục trong đó. Có những nguyên do trong ta, bắt nguồn từ thân thể, tâm lý, cách sống, hay cách tiếp xử với xã hội. Nguyên do có thể bắt đầu từ cha mẹ, từ ông bà, tổ tiên, từ những người bạn của mình, từ tình trạng đất nước… Ta liệt kê tất cả các nguyên do gần xa đã đem đến khổ đau cho ta. Với chánh kiến ta sẽ thấy những nguyên do ấy trùng trùng vô tận. Bây giờ đến phương pháp thực tập giải bớt khổ đau. Nếu biết rằng nỗi khổ kia đã được nuôi dưỡng bằng những chất liệu nào thì chúng ta tìm cách cắt đứt nguồn thực phẩm tạo khổ đó đi. Bụt nói tới bốn nguồn thực phẩm. Trước hết là đoàn thực, thức ăn đưa vào cơ thể bằng đường miệng, thứ hai là xúc thực, đi vào bằng sáu giác quan. Nó đã mang theo những độc tố gây ra bệnh khổ. Thứ ba là tư niệm thực, tức là những mơ ước, tham vọng, lý tưởng làm mình tham đắm. Và thứ tư là thức thực tức là chính tâm ta đã tạo tác ra thực phẩm ở trong tàng thức. Tâm ta đã nấu nướng, đã tự nuôi dưỡng mình và tự đầu độc mình bằng các món ăn khiến cho chứng bệnh đã phát xuất.

Trang: 1 2 3

×