Giáo lý đạo Bụt nói đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Trước hết có Tứ Niệm Xứ (bốn lãnh vực quán niệm), Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Rồi tới Ngũ Căn, tức là năm căn cứ để phát xuất ra Ngũ Lực, những sức mạnh hùng hậu của sự thực tập. Tiếp đến là Thất Bồ Đề Phần, và Bát Thánh Đạo Phần.
Về Tứ Như Ý Túc, chúng ta chưa học trong khóa này. Như Ý có nghĩa là thể hiện được như lòng mình mong mỏi như là phép lạ. Phép lạ đó được thực hiện bằng bốn yếu tố. Thứ nhất là ước muốn của mình, ý chí của mình gọi là dục như ý túc. Thứ hai là cần như ý túc, tức là sự siêng năng. Thứ ba là tâm như ý túc, tức là tâm có khả năng biến hiện ra mọi thứ như ý. Và thứ tư là quán (định) như ý túc.
Như ý túc là những phép lạ mà chúng ta có thể thực hiện được trong đời sống. Trong đó phép lạ lớn nhất là giáo hóa. Giáo hóa như ý túc có nghĩa là một hoàn cảnh khổ đau, tuyệt vọng mà nhờ sự giáo hóa đã
trở thành một hoàn cảnh có hy vọng, có niềm tin, có an lạc và giải thoát. Ta tu tập như thế nào để có khả năng giáo hóa chuyển đổi một hoàn cảnh tối tăm tuyệt vọng thành một hoàn cảnh tươi sáng đó là thần thông lớn nhất trong tất cả các thứ thần thông.
Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo gồm mười yếu tố căn bản là: Tín, Giới, Tư Duy, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, Khinh An, Hỷ và Xả.
- Thứ nhất là Tín. Tín là năng lượng của niềm tin và được kể trong Ngũ Căn và Ngũ Lực.
- Thứ hai là Giới. Giới được thể hiện trong Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Yếu tố thứ ba là Chánh Tư Duy, tức là suy nghĩ đúng theo chánh pháp, đúng theo chánh kiến.
- Thứ tư là Tấn. Tấn là một trong Tứ Chánh Cần, cũng là Tấn Căn, Tấn Lực, là Tấn Giác Chi và cũng là một chi phần của Bát Chánh Đạo, là Chánh Tin Tấn.
- Yếu tố thứ năm là Niệm, có trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
- Yếu tố thứ sáu là Định. Định có trong tứ Thần Túc, tức là Định Như Ý Túc, và cũng có trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
- Tuệ là yếu tố thứ bảy, thấy trong Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, và Ngũ Lực. Trong Thất Giác Chi thì Tuệ là Trạch Pháp Giác Chi, trong Bát Chánh Đạo Tuệ là Chánh Kiến.
- Yếu tố thứ tám là Khinh An, một trong Thất Giác Chi.
- Yếu tố thứ chín là Hỷ, cũng là một trong Thất Giác Chi.
- Và yếu tố thứ mười là Xả, nằm trong Thất Bồ Đề Phần. Khi làm lại một bản tổng kết thì Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo góp lại thành mười yếu tố ấy thôi. Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo là những phép thực tập căn bản của Đạo Bụt Nguyên Thủy.
Để kết thúc khóa tu, chúng ta nên nhớ giáo lý Bốn Sự Thật như nguyên tắc hành động và giáo lý Con Đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chánh được trao truyền như các phương pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta tiếp nhận mà không thực tập thì chúng ta phụ công ơn của Đức Thế Tôn, của các Tổ đã trao truyền cho ta những giáo lý cụ thể và thực tiễn đó. Chúng ta phải biết rằng người nào cũng có niềm đau nỗi khổ. Để giải quyết niềm đau nỗi khổ đó chúng ta cần tới Chánh Pháp. Mà Pháp tức là Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Những giáo lý khác có thể giúp chúng ta trong sự thực tập Bát Chánh Đạo. Nhưng Bát Chánh Đạo là phương pháp đầy đủ để giải quyết những khổ đau. Đừng nói rằng chúng ta chưa học đủ. Chỉ cần học Tứ Đế và Bát Chánh Đạo là ta đã có thể hành trì và giải quyết những khổ đau của ta rồi. Phải nương vào tăng thân để thực tập. Chắc chắn chúng ta có thể giải quyết được vấn đề khổ đau. Khóa tu đến hôm nay là chấm dứt. Có thể nhiều người còn cơ hội gặp nhau trong khóa tu khác. Có thể một vài người sẽ không có cơ hội để gặp lại tăng thân này. Nhưng nếu chúng ta tiếp nhận Tứ Đế và Bát Chánh Đạo trong tinh thần học nhi thời tập chi của Đức Khổng Tử thì như vậy cũng đủ để chúng ta có thể đem Pháp Bảo áp dụng trong suốt cuộc đời mình. Chỉ cần nhắc nhở thêm một lần nữa là sự tu tập Tứ Đế và Bát Chánh Đạo sẽ dễ dàng hơn mười lần hoặc hơn cả trăm lần nếu chúng ta thực tập trong khung cảnh của một tăng thân.
(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh