Du hành ngoài thể xác

05/02/2024 255 lượt xem

Ngoài chuyện ngoại cảm ở trên, chúng ta cũng nên biết tới khả năng thoát ra ngoài thể xác mà danh từ bình dân hay gọi là “xuất hồn”.

Như đã nói ở phần trước, con người ngoài thể xác còn có nhiều thể khác như thể phách, thể vía, thể trí, v.v… Trong ngày, lúc tỉnh thức thì các thể này lồng vào nhau và hoạt động nhịp nhàng như một. Khi ngủ thì các thể vi tế có thể tách rời khỏi thể xác và hoạt động riêng. Nhưng khi tỉnh dậy thì chúng ta không còn nhớ những việc làm của các thể vi tế, bởi vì tế bào của bộ não đã ngăn lại và làm mờ đi, nếu có nhớ thì chúng ta chỉ nhớ mang máng tưởng như mình nằm mơ.

Có những đạo dạy tu thiền để “xuất hồn” và đạo Phật xem đó là tà giáo, bởi vì không hướng tới mục đích diệt trừ tham, sân, si và giải thoát sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không có sự “xuất hồn”. Các học giả Phật giáo rất kỵ dùng chữ hồn hay linh hồn, bởi vì đạo Phật không chấp nhận có “linh hồn” mà chỉ nói đến “tâm” hay “thức”. Nhưng đối với người bình dân thì họ chỉ biết có “hồn và xác” thay vì “ngũ uẩn“. Hồn là “cái biết” vô hình nằm trong thể xác, cho nên gọi là hồn, linh hồn, tâm hồn, hay tâm thức, đối với họ cũng như nhau. Ngay cả

các thiền sư cũng đặt ra nhiều danh từ để gọi “cái biết” như ông chủ, tánh linh, tánh giác, bản lai diện mục, v.v… Ở đây, tôi không muốn đi sâu vào tâm lý học Phật giáo để phân tách sự khác biệt giữa những danh từ chuyên môn, rắc rối này. Tôi chỉ muốn giới thiệu bạn đọc về kinh nghiệm du hành ngoài thể xác , tiếng Anh gọi là OBE (Out of Body Experience), của vài tác giả Âu Mỹ nhân dịp nói về ngoại cảm.

Trước hết là Robert Monroe, một thương gia giàu có, sống tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, vào khoảng thập niên 60. Vào một chiều chủ nhật, ông đang nằm nghỉ trưa trong phòng khách, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng không biết xuất phát từ đâu chiếu thẳng xuống người ông, khiến toàn thân ông run lên và rung chuyển một cách kỳ lạ. Vừa ngạc nhiên và hoảng sợ, ông cố gắng ngồi dậy, và sau một lúc thì sự rung chuyển (vibration) từ từ tan biến. Nhưng sau đó trong vòng sáu tuần, sự rung chuyển này xảy đến với ông thường xuyên hơn. Ông lo sợ mình bị bệnh nên đi khám bác sĩ nhưng họ không tìm ra bệnh gì cả. Vài tháng sau, trong lúc ngủ, sự rung chuyển lại xuất hiện, nhưng lần này ông cố gắng trấn át cơn sợ, nhìn thẳng vào nó và trong thoáng giây ông cảm thấy mình nhẹ nhàng bay ra khỏi thể xác và lơ lửng trên trần nhà. Thế rồi từ đó ông thường xuất ra khỏi thể xác của mình và ghi chép lại những chuyến “du hành ngoài thể xác”. Ông đã viết quyển “Journeys out of the body “. Là người có đầu óc khoa học, muốn tìm hiểu về kinh nghiệm kỳ lạ này, nên vào năm 1978, ông đã sáng lập ra The Monroe Institute ở Virginia, một trung tâm nghiên cứu về những trạng thái và kinh nghiệm ngoài thể xác. Những sự du hành ngoài thể xác của ông, mà bạn có thể gọi là “xuất hồn”, “xuất vía”, hay “xuất thức”, v.v… đều được các khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư nghiên cứu và kiểm chứng đàng hoàng, nên không thể nói là hoang tưởng hay bịa đặt. Ông qua đời vào năm 1995, nhưng hiện nay trung tâm này vẫn còn hoạt động.

Một người khác là bác sĩ Waldo Vieira, người Ba Tây (Brazil). Ông cũng có những kinh nghiệm du hành ngoài thể xác (OBE) và ghi lại đầy đủ những dữ kiện trong cuốn sách “Projection of consciousness “. Ông là người sáng lập hội IAC (International Academy of Consciousness) chuyên nghiên cứu về OBE. Hội này có ba trung tâm nghiên cứu ở Brazil, Florida (Hoa Kỳ), và Portugal (Bồ Đào Nha). Riêng ở Brazil và Portugal, họ có xây một phòng thí nghiệm gọi là Projectarium, thiết kế một cách đặc biệt như trái cầu để giúp học viên có thể kinh nghiệm được sự “xuất ra ngoài thể xác” dễ dàng hơn.

Sự khác biệt giữa những người “du hành ngoài thể xác” Âu Mỹ này với những người tu thiền “xuất hồn” ở chỗ họ không phải người tu hành mà là khoa học gia. Khi có những kinh nghiệm “xuất hồn” thì họ nghiên cứu và tìm hiểu một cách khoa học. Sau đó, họ chia xẻ kinh nghiệm qua sự viết sách hoặc thuyết trình chứ không lập thành một đạo giáo chiêu dụ tín đồ. Nhờ vậy sự “xuất hồn” trở thành một sự kiện khoa học chứ không phải là một sự huyền bí hay mê tín dị đoan.

Những người có kinh nghiệm xuất ra khỏi thể xác, thường họ không biết chính xác “cái gì” đã xuất ra. Họ chỉ biết đơn giản là chính mình đã ra khỏi thể xác. Robert Monroe gọi đó là “thân thứ nhì” (second body), còn bác sĩ Waldo Vieira gọi là “ý thân” (psychosoma). Theo huyền bí học thì “cái xuất ra” khỏi thể xác được gọi là thể vía (astral body), một trong nhiều thể vi tế của con người. Tuy nhiên nếu bạn muốn gọi cái đó là hồn, là vía, là phách, là tâm, hay thức cũng được, điều này không thành vấn đề. Điều quan trọng là nó cho chúng ta hiểu được con người không phải chỉ là cái thân. Cái thân chỉ là một áo khoác thô kệch nhất của tâm.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×