Bài 01: Tu Phật và học Phật

25/10/2021 4.347 lượt xem

Tứ tất đàn: Bốn tiêu chuẩn về sự thật

Liên hệ với nhị đế (hai sự thật) còn có bốn tiêu chuẩn để trình bày sự thật gọi là tứ tất đàn (siddhantas).

Thứ nhất là thế giới tất đàn. Đó là các tiêu chuẩn căn cứ trên những nhận thức phù hợp với cuộc sống ở thế giới này. Ví dụ người ta chia thời gian một năm ra mười hai tháng, mỗi tháng ba mươi ngày. Sắp đặt công việc, ta phải căn cứ trên ngày tháng trong lịch cho tiện, đó là thế giới tất đàn. Nhiều khi Bụt phải nói theo những tiêu chuẩn của thế gian cho thuận tiện, chứ không hẳn vì đó là chân lý tuyệt đối. Nếu ta hỏi Bụt Ngài sinh ở đâu, lúc nào, thì Ngài cũng nói tôi sinh ở Ca Tỳ La Vệ trong thế kỷ thứ sáu trước Ki Tô. Nhưng kỳ thực cái thấy của Ngài là cái thấy bất sinh bất diệt, không phải là Ngài chỉ bắt đầu có từ ngày này và sẽ tịch vào ngày kia.

Thứ hai là vị nhân tất đàn. Vị nhân tức là vì con người mà nói như vậy. Con người là một trong những loài sinh vật ở trên trái đất. Con người có bộ óc như vậy, có lề lối suy nghĩ như vậy, có hiểu biết như vậy, cho nên phải nói làm sao cho con người hiểu được. Những người ở Paris sống trong hoàn cảnh đặc biệt của Paris, có những mối lo lắng, những thao thức, những bận rộn của đời sống Paris. Họ có những vấn đề của họ. Khi giảng pháp cho họ, hướng dẫn họ, ta phải biết những hoàn cảnh đó, để có thể thành công. Sự thật phải được nhìn thấy qua ngôn ngữ và hoàn cảnh của thính chúng. Phải hiểu điều đó mới hiểu được ngôn ngữ Bụt sử dụng. Sở dĩ Bụt nói như vậy tại vì thế giới tất đàn ở đó như vậy, con người thời đó như vậy. Thành ra lời nói không phải chỉ phản ảnh nhận thức của Bụt mà còn phản ảnh cả hoàn cảnh của người nghe nữa.

Thứ ba là đối trị tất đàn. Mỗi người có căn bệnh riêng, có những lo sợ, những mặc cảm, những buồn khổ riêng. Khi nói pháp Bụt nhắm chữa trị tâm bệnh của người nghe. Cách nói đó gọi là đối trị tất đàn. Nghe Bụt thuyết pháp ta phải nhớ điều đó. Tôi nhớ cách đây chừng 25, 26 năm trong một chuyến đi Anh tôi có đi thăm viện bảo tàng. Tôi bước vào với một cô bé 5, 6 tuổi người Anh. Tới một phòng kia chúng tôi thấy một xác người hóa thạch chứa trong tủ kính. Con người đó chết cách đây năm ngàn năm, mà những sợi tóc, những móng tay, những nếp nhăn ở trên da vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Đó là xác một người đàn ông nằm khum khum, ở đấy ngày xưa họ chôn như vậy. Sức nóng sa mạc đã bảo tồn thân thể đó, và thời gian đã làm nó hóa đá. Tôi đứng nhìn rất lâu, duy trì thiền quán của mình, và quên mất cô bé đang đứng bên. Cô bé lúc đó đang run sợ, đang kinh hoàng mà tôi không biết. Lúc cô bé cầm áo tôi kéo giật, tôi mới tỉnh. Với cặp mắt hoảng hốt, nó hỏi: “Will it happen to me?” (Con sẽ bị như vậy hay không?). Đối với một em bé, mình phải trấn an nó trước đã, nên tôi lắc đầu: “Đâu có, con đâu có thể bị như vậy, con không bao giờ bị như vậy.” Nói xong tôi biết rằng mình đã nói dối. Nhưng nếu nói sự thật sinh lão bệnh tử cho một em bé 5, 6 tuổi nghe thì tàn nhẫn quá. Khi ra khỏi phòng, tôi chợt nhớ ngày xưa khi thái tử Tất Đạt Đa đi với Xa Nặc thì Xa Nặc đã nói thật. Khi thấy xác người chết nằm cong queo, thái tử hỏi: “Ta sau này có như vậy không?” Xa Nặc nói: “Có chứ sao không. Ngài đâu có thể trốn thoát khỏi cảnh đó.” Xa Nặc đã nói hết sự thật. Còn tôi thì không. Cho nên, để đối trị với vấn đề trước mắt của người nghe, Bụt phải dùng thứ ngôn ngữ mà đôi khi người không hiểu sẽ nghĩ là nói sai. Bệnh như vậy thì phải dùng phương thuốc như vậy để đối trị.

Tất đàn thứ tư là đệ nhất nghĩa tất đàn. Đệ nhất nghĩa cũng như là thắng nghĩa. Tất đàn này tức là tiêu chuẩn sự thật tuyệt đối, thuộc về chân đế. Không có ngã thì nói không có ngã, dầu người ta phản đối vẫn nói là không có ngã. Trái đất nó tròn thì nói là nó tròn, dầu bị dọa treo ngược cũng cứ nói tròn. Nói thẳng sự thật không ngại gì cả.

Đó là ý niệm về tứ tất đàn, giúp ta nhớ khi đọc lời của Bụt thì hãy tìm hiểu lời đó Ngài nói theo tiêu chuẩn tất đàn nào.

Ngoài hai điều trên, khi học kinh sách chúng ta còn dùng tiêu chuẩn tứ y, tức là bốn sự y cứ. Phép tứ y này do các tổ đặt ra để soi sáng cho chúng ta khi học đạo Bụt.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×