Bài 01: Tu Phật và học Phật

25/10/2021 5.036 lượt xem

Tiếp xúc

Phương pháp thực tập thứ hai là tiếp xúc. Tiếp xúc với những niềm vui, những gì mầu nhiệm để tự nuôi dưỡng. Có những cái rất mầu nhiệm ở trong ta và xung quanh ta. Ví dụ ta có hai con mắt, đó là một điều rất mầu nhiệm. Ta có trái tim đang đập bình thường. Ta không sợ đứt mạch máu. Ta có một lá gan đang làm việc bình thường. Ta có hai chân có thể đi thiền hành. Ta có khả năng cười, khả năng vui. Ta có khả năng thưởng thức cái hay, cái đẹp trong cuộc đời. Tất cả những thứ đó ở trong con người ta, phải biết tiếp xúc. Tự ta tiếp xúc cho được, hoặc ta nhờ các bạn giúp ta tiếp xúc. Ai cũng có trong tâm thức mình những hạt giống của hạnh phúc, của thương yêu chỉ chờ nẩy mầm. Mưa xuân nhẹ hạt, đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười. Hạt đậu năm xưa tức là những hạt giống của niềm vui, của hạnh phúc, của tài năng, của thương yêu nằm sẵn trong tâm thức ta. Lâu nay trời không mưa nên hạt đậu không nẩy mầm lên được. Cơn mưa xuân ở đây là giáo pháp và tăng thân. Sống với tăng thân thì ta có cơ hội tiếp nhận cơn mưa chánh pháp. Sự thực tập của đại chúng giúp cho ta tưới tẩm những hạt giống lành trong con người ta. Khi đi thiền hành, ngắm trăng, hoặc trồng rau, rửa chén, ta phải sử dụng những cơ hội ấy để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Đó là tiếp xúc một cách chọn lọc (selective touching). Ta chỉ chọn tiếp xúc với những gì tích cực thôi. Chỉ tiếp xúc những thứ có khả năng trị liệu, có khả năng nuôi dưỡng. Hãy nhìn bông hoa, ngắm vầng trăng, đi dưới nắng, nghe chim hót, ngồi im lặng uống trà với một người bạn, tất cả những thứ ấy đều có giá trị nuôi dưỡng.

Tóm lại, chúng ta có hai điều cần thực tập. Với những hạt giống đau buồn và với tập khí, ta thực tập nhận diện. Với những hạt giống hạnh phúc, ta phải tiếp xúc để nuôi dưỡng. Đó là phép tu ở Làng Hồng. Nếu chúng ta thực tập được hai điều này trong một thời gian thì tự nhiên cán cân giữa hạnh phúc và khổ đau sẽ thăng bằng lại và những đau buồn dần dần sẽ được chuyển hóa.

Quý vị nên nhớ trong những buổi pháp đàm về giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề phần, ta nên nhớ rằng giáo lý nào cũng phải đặt trong mạch sống của sự thực tập. Những bài học Phật pháp phải có dính líu tới sự hành trì và đời sống hàng ngày của mình. Sự hành trì của ta rất quan trọng cho tăng thân của ta. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm liên đới với nhau trong việc tu học. Khi một người biết đi thiền hành và biết sống chánh niệm thì người đó giúp cho tăng thân rất nhiều. Mỗi người trở thành một tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở cho tất cả những người khác.

Phụ lục:

Hai bài kệ để thực tập thở, đi thiền hành và ngồi thiền:

  1. Đã về Đã tới
    Bây giờ
    Ở đây
    Vững chãi
    Thảnh thơi
    Quay về
    Nương Tựa.
  2. Quay về nương tựa Hải đảo tự thân
    Chánh niệm là Bụt
    Soi sáng xa gần
    Hơi thở là Pháp
    Bảo hộ thân tâm
    Năm uẩn là Tăng Phối hợp tinh cần
    Thở vào Thở ra
    Là hoa Tươi mát
    Là núi Vững vàng Nước tịnh Lặng chiếu
    Không gian Thênh thang.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×