Bài 01: Tu Phật và học Phật

25/10/2021 4.363 lượt xem

Thiền hành

Nhưng chúng ta không phải chỉ học giáo lý thôi. Đây không phải là khóa học giáo lý mà là một khóa tu. Cho nên quý vị phải thực tập đàng hoàng, tinh chuyên. Những bài tập đưa ra, quý vị phải làm. Trong khi ở tại Làng Hồng, dầu quý vị ở một tháng, hay là hai, ba tháng, cũng phải thực tập cho vững chãi và tinh tấn.

Trước hết là thực tập thiền hành. Mỗi ngày chúng ta đi thiền hành chung một lần. Tất cả mọi người trong đại chúng đều nên tham dự thiền hành chung. Và trong ngày khi có thời giờ rảnh ta đi thiền hành riêng. Thiền hành riêng thường xuyên trong hai trường hợp. Một là khi có 15 hay 20 phút rỗi rảnh, ta đi thiền hành một mình để nuôi dưỡng thân tâm. Hai là mỗi khi cần đi đâu như đi ra nhà bếp, đi rửa tay, hay đi về phòng mình, ta đều thực tập thiền hành cả. Thiền hành là công phu của chúng ta. Khi cần đi, dầu chỉ năm bước hay mười bước thôi ta cũng đi thiền hành. Tại Làng Hồng chỉ có một kiểu đi là thiền hành (the walking meditation style), không ai đi cách khác. Tới Làng Hồng nếu quý vị không tập pháp môn đặc biệt này của Làng thì giống như quý vị chưa hề tới Làng Hồng.

Thiền hành là một phương pháp rất mầu nhiệm giúp ta nhận diện tâm mình. Tâm ta như con vượn chuyền cành. Vì vậy ta phải có những phương pháp để theo dõi tâm mình. Trong ta có một thứ thói quen ẩn sâu bên dưới tầng ý thức gọi là tập khí (habit energy). Tập khí thường đẩy ta vào những nẻo đường của khổ đau, hờn giận, trầm luân. Tập khí chủ động, nó kéo ta đi đâu thì ta theo đó. Cơn giận, nỗi buồn, sự sợ hãi và niềm thất vọng đều do những tập khí tạo ra. Tập khí đôi khi không phải do ta nhiễm thành mà khi ta sinh ra đã có, do tổ tiên, ông bà và cha mẹ truyền trao. Biết mình có tập khí tiêu cực cũng không phải là lý do để mang mặc cảm thua người. Miễn là ta học được cách tự nhìn thấy tập khí để chuyển hóa chúng. Phương pháp đối trị tập khí là mỗi khi một tập khí ló đầu ra thì ta phải biết nhận diện. Ta không cần phải tự trách mình sao còn nặng nghiệp! Ta cũng không chống đối hoặc trấn áp tập khí như thù địch.

Nhận diện

Mấy năm trước có một thiền sinh người Mỹ tới Làng Hồng. Thực tập ba, bốn tuần lễ, anh nói có thấy tiến bộ. Một bữa, anh đi ra thành phố Ste-Foy La Grande để mua thức ăn về nấu cỗ cúng lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Trong khi đang chọn lựa mua hàng, tự nhiên trong anh cái tập khí cuống quít hớt hải từ đâu bỗng xuất hiện trở lại. Trong mấy tuần qua ở Làng Hồng, vì sống có tăng thân, nên những lúc đi, đứng, nằm, ngồi anh đều thảnh thơi, có chánh niệm. Hôm nay một mình ra thành phố, chỉ trong vòng nửa giờ, tự nhiên anh thấy mình đang hấp tấp và quýnh quáng. Nhờ mấy tuần lễ thực tập hơi thở, đi thiền hành và ăn cơm yên lặng, cho nên anh thấy được cái cuống quít của chính mình. Anh bỗng nhớ hình ảnh mẹ anh. Anh nhận ra đây là một tập khí của mẹ, và anh đã tiếp nhận tập khí đó do mẹ anh truyền trao. Mẹ anh có tánh lật đật và cuống quít, bà ít bao giờ thư thái được. Và khi nhận ra tập khí của mẹ đang sống trong mình, anh thở một hơi chậm và dài. Anh chào: “Hello mummy! Mẹ đó ư mẹ?” Và anh cười. Trạng huống cuống quít của anh liền tan đi. Anh tiếp tục chọn mua cà rốt và khoai tây. Và lòng rất an nhiên.

Chúng ta không cần trấn áp tập khí. Tập khí luôn luôn ở trong ta. Người nào cũng có cả. Có thứ được un đúc từ thời thơ ấu, có cái được trao truyền từ ông bà và cha mẹ. Ta thường hay phản ứng theo sự thúc đẩy và điều động của tập khí. Tu có nghĩa là tập nhận diện tập khí mỗi khi chúng phát hiện.
Cách tập nhận diện hay nhất là đi thiền hành. Đi thiền hành là đi với chủ đích bước đi, chứ không ai bắt phải đi, hay bị kéo đi. Trong đời sống hàng ngày, ta thường bị lôi kéo, đi là để tới một chỗ nào đó, để làm gì đó, còn hành động bước chân đi không quan trọng. Khi đi thiền hành ta bước từng bước chân có ý thức, mỗi bước chân đều được theo dõi bởi hơi thở. Trong khi đi thiền hành ta làm chủ mình. Nếu tập khí phát hiện, ta thấy liền lập tức, ta mỉm cười, ta thở. Còn nếu không đi theo kiểu thiền hành thì ta không có cơ hội tập nhận diện do đó tập khí vẫn tiếp tục hoành hành trong ta và dẫn ta đến những lối đoạn trường. Ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Đi thiền hành giỏi, ta tập nắm vững được thân tâm. Sau đó, trong khi ngồi thiền hay những lúc làm việc ta sẽ dễ dàng tiếp tục thực tập phương pháp theo dõi hơi thở. Đang rửa chén ta ý thức những động tác của mình trong khi rửa chén.

Chúng ta cũng có thể theo dõi hơi thở với những bài thi kệ. Ví dụ bài Vào, ra, sâu, chậm hay Đã về, đã tới mà chúng ta sẽ làm quen trong những ngày tới. Nguyên tắc của sự thực tập cũng đơn giản. Đó là thiết lập cán cân thăng bằng. Một bên là khổ đau, một bên là hạnh phúc. Phần buồn đau hơi nặng thì mình phải làm sao cho phần hạnh phúc tăng lên để phần buồn đau nhẹ xuống.

Có hai phương pháp tái tạo cân bằng. Thứ nhất là trong khi thiền hành, làm việc hay ngồi thiền, ta theo dõi hơi thở để nhận diện được tập khí trong ta. Chỉ nhận diện thôi chứ không đàn áp. Thấy được tập khí, tự nhiên tập khí đó tan đi, ta tiếp tục theo dõi hơi thở chánh niệm. Nếu tập khí lại xuất hiện nữa thì ta lại nhận diện lần nữa. Đó là một thực tập rất quan trọng ở Làng Hồng. Người nào trong chúng ta cũng phải thực tập.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×