Bài 04: Niềm vui tương đối

31/10/2021 2.985 lượt xem

Niềm vui xuất thế

Tóm lại việc thực tập của chúng ta bắt đầu bằng quán chiếu khổ và lạc trong phạm vi tục đế. Nhờ quá trình thực tập đó, dần dần chúng ta tiếp xúc được với chân đế của khổ và lạc. Khi thấy được bản chất tương tức và duyên sinh của khổ và lạc rồi, chúng ta đạt tới niềm an vui, sự vững chãi và thảnh thơi mà lúc đầu chúng ta không có.

Bụt là bậc giác ngộ, đã nhìn thấu suốt được bản chất của khổ nên không còn sợ khổ nữa, đã nhìn thấu suốt bản chất của lạc rồi thì không bị vướng mắc vào lạc nữa. Ngài đạt tới niềm vui thanh thoát, vững chãi và an nhiên, không sợ hãi. Niềm vui đó là niềm vui chân thật, niềm vui của niết bàn: Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Lạc trong câu này, là lạc ở bình diện chân đế, siêu việt khổ và lạc của tục đế rồi.

Nhưng chúng ta không quên rằng chân đế không xa lìa tục đế. Và cũng không nên quên rằng người bình thường không thể bỏ quá trình tu tập ở cõi tục đế, không thể nhẩy thẳng vào vùng ánh sáng hiểu biết của chân đế. Trong đạo Phật có nhiều danh từ nói về hai mặt thực tại: một mặt thuộc về tục đế, một mặt thuộc về chân đế. Tông Thiên Thai có danh từ tích môn để chỉ tục đế, và bản môn chỉ chân đế. Chúng ta có danh từ hữu lậu nói về tục đế. Hữu lậu (Asrava) có nghĩa là nước còn chảy ra, còn rỉ ra, bị sa xuống, còn đi vòng quanh. Ngược lại là vô lậu (Anasrava). Ngoài ra còn dùng các từ thế gian và xuất thế gian. Hữu lậu thuộc về thế gian, vô lậu thuộc về xuất thế gian.

Do sự thực tập cho nên niềm vui thế gian chuyển hóa từ từ, trở thành vững chãi hơn, thảnh thơi hơn, để sau cùng thành niềm vui xuất thế gian. Niềm vui xuất thế gian không còn là vui đối nghịch với khổ nữa.

Sự giải thoát này khiến những thứ mà trước đây ta gọi là khổ, là sinh, lão, bệnh, tử, thì nay được nhận ra không còn là khổ nữa. Nhận thức của ta đã thay đổi, ta đã phá tung phiền não. Nếu cần sinh ra thì sinh, đến lúc già thì già, nếu phải bệnh thì bệnh, rồi khi chết thì chết. Người giác ngộ đã nhìn thấy trên bề mặt tục đế có sinh, lão, bệnh, tử, nhưng trong chiều sâu chân đế thì không còn sinh, lão, bệnh, tử nữa.

Cho nên khi tụng Tâm Kinh, chúng ta đọc những câu rất khó hiểu như là: không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí, không có đắc, không có sở đắc. Đó là từ sự thật thế gian đã đi sang xuất thế gian, từ thế giới hữu lậu chuyển qua cõi vô lậu.

Chân lý thứ ba ban đầu được nhận thức như là sự vắng mặt của khổ đau. Khi nhìn trên bình diện sự thật xuất thế gian thì Diệt không phải chỉ là sự vắng mặt của khổ đau mà thôi, nó là sự vắng mặt của cả cái ngược lại với khổ đau, nó vượt thoát tính cách nhị nguyên giữa khổ và vui. Trong Kinh thường nói các vị bồ tát cưỡi trên những đợt sóng sinh tử mà đi, là ý nghĩa như vậy.

Tu tập đạo lý tứ đế về phương diện thế gian cho đủ sâu sắc thì có thể đạt tới đạo lý tứ đế trên phương diện xuất thế gian. đạo lý tứ đế có thể diễn bày như là đạo lý thế gian hướng thượng, đạo lý tứ đế cũng có thể diễn bày như là đạo lý xuất thế gian siêu việt. Nhưng hai mặt đó không chống đối nhau. Thực tập trong cõi tục đế là con đường dẫn tới chân đế.

[1]. Đại Thiên nêu ra năm nhận xét để phê bình về một vị A la hán, ông đã tạo ra sóng gió lớn trong Tăng đoàn.

Phê bình thứ nhất là dư sở dụ. Dư sở dụ có nghĩa là tuy thầy chứng quả A la hán rồi nhưng mà vẫn có thể bị những loài không phải loài người, tới dụ dỗ trong giấc mơ. Dầu thầy chứng quả vị A la hán rồi, ông nói, mà trong giấc mơ vẫn còn thấy ôm một nàng tiên và vẫn bị xuất tinh. Một bậc A la hán vẫn có thể bị kẻ khác dụ dỗ, gọi là dư sở dụ.

Phê bình thứ hai là vô tri. Tuy rằng đã chứng A la hán rồi nhưng còn có nhiều thứ thầy không biết. Ví dụ tôi đưa bông hoa này ra hỏi tên gì, thầy đâu có nói được. Cũng như trên đời có nhiều cái thầy không biết, vậy một vị A la hán có những cái không biết, gọi là vô tri. Các thầy phía Thượng Tọa Bộ bác bỏ lời phê phán trên bằng sự phân biệt hai loại không biết. Một thứ là nhiễm ô vô tri, thứ hai là bất nhiễm ô vô tri. Nhiễm ô vô tri là không biết do sự mê mờ, vô minh. Nếu tôi không biết tên bông hoa này, điều đó không dính líu gì tới sự giác ngộ của tôi, không phải vì vô minh mà không biết, đó chỉ là bất nhiễm ô vô tri. A la hán có thể còn những bất nhiễm ô vô tri mà không vướng nhiễm ô vô tri.

Phê phán thứ ba là do dự. Do dự tức là vẫn còn nghi ngờ. Nơi con người của A la hán vẫn còn những điểm nghi hoặc, chưa giải quyết được hết các nghi ngờ.

Thứ tư là tha linh nhập. Tha linh nhập nghĩa là thầy đắc quả A la hán rồi mà tự mình không biết, phải có người khác chỉ cho mới biết.

Điểm thứ năm là đạo nhân thanh cố khởi, tức là thầy phải lặp đi lặp lại hoài: “đời là khổ, cái này là khổ,” nếu không thì không thấy giải thoát.

Câu đạo nhân thanh cố khởi được truyền lại trong lời phê phán trên, cho thấy cách hành trì này rất phổ biến trong thời đại đó. Cách hành trì phổ thông này có thể ảnh hưởng tới việc lập thuyết của các luận sư đương thời, và việc sao chép kinh điển có thể vì vậy nên bị sai lạc đi.

[2]. Ba Pháp ấn theo đạo Bụt Bắc truyền là vô thường, vô ngã và niết bàn. Nhưng theo đạo Bụt Nam truyền là vô thường, khổ và vô ngã. Pháp ấn tức là những tính cách đích thực của thế giới thực tại theo giáo pháp của Bụt. Trong Kinh có một đoạn được nhắc lại ở nhiều nơi:

– Này các vị khất sĩ, sự vật là thường hay là vô thường?
– Bạch đức Thế Tôn, sự vật là vô thường.
– Sự vật vô thường, vậy là khổ hay là không khổ?
– Bạch đức Thế Tôn, sự vật vô thường cho nên chúng là khổ.
– Sự vật là vô ngã hay là không vô ngã? Nếu sự vật là khổ thì ta có thể nói là cái này là ngã được không?
– Bạch đức Thế Tôn, không được. Sự vật là khổ thì ta không thể nói rằng cái này là ngã được.

Lý luận trong đoạn trên là “vì vô thường cho nên khổ,” “vì khổ cho nên vô ngã.” Đoạn kinh trên được nhắc lại hàng mấy trăm lần trong Kinh điển bộ phái Theravada cũng như bộ phái Sarvastivada. Đoạn này có thể đã bị ảnh hưởng của tư trào thời đại đó, khi ý niệm về khổ trở thành quá quan trọng. Kết quả là Tam Pháp Ấn thay vì gồm vô thường, vô ngã, niết bàn, đã trở thành vô thường, khổ và vô ngã, trong Phật giáo Nam truyền.

Nhưng cũng có những kinh bản trong đó nói Tam Pháp Ấn gồm Vô Thường, Vô NgãNiết Bàn. Trong bộ Kinh A Hàm, truyền thống Bắc tông, còn lại một Kinh định nghĩa Tam Pháp Ấn là vô thường, vô ngã và niết bàn, định nghĩa này được lặp lại bốn, năm lần. Chỉ còn lại một Kinh đó thôi, tất cả những Kinh khác đều nói là vô thường, khổ, và vô ngã.

Ngoài ra, ngài Long Thọ (Nagarjuna), sống vào thế kỷ thứ hai sau Thiên Chúa, đã nói tới Tam Pháp Ấn, và thầy cũng nói gồm vô thường, vô ngã và niết bàn. Ngài Long Thọ đã tham khảo đầy đủ rất nhiều các văn bản kinh tạng Phật giáo nguyên thuỷ. Ngài sinh trước thầy Phật Âm (Buddhaghosa) và thầy Thế Thân (Vasubangdu) 300 tuổi. Hai tác phẩm luận nổi tiếng nhất trong giới Phật học bấy giờ là Thanh Tịnh đạo Luận (Visuddhi Maga) do thầy Phật Âm trứ tác, và tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (t. Phạn) của thầy Thế Thân. Ta biết rằng Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita) của thầy Long Thọ ra đời 300 năm sớm hơn hai cuốn kia.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5 6

×