Bài 08: Ái ngữ

20/12/2021 1.816 lượt xem

Bài thực tập chánh ngữ

Ta hãy lấy một ví dụ thực tập về chánh ngữ để giải toả những nội kết gây xung đột giữa hai người bạn. Cũng có thể áp dụng cho hai người thân yêu, như anh em, vợ chồng, v.v.. Có một người tên là A và có một người tên là B, liên hệ giữa A và B không tốt đẹp. Mỗi khi A nói thì B khó chịu và mỗi khi B nói thì A khó chịu. Có thể A có lòng tốt không muốn làm khổ B, và B có lòng tốt không muốn làm khổ A, nhưng hai người vẫn làm khổ nhau hoài. Có thể là A vụng về trong khi nói hay B vụng về trong khi nói. Muốn giải quyết, chúng ta không thể chỉ tuyên bố rằng cả hai bên đều có lòng tốt cả, không sao. Nói như vậy không đủ. Chúng ta phải quán chiếu sâu xa để thấy nguồn gốc ở nơi tưởng, nơi tri giác của mỗi người.

Ở làng Hồng các thiền sinh đã thực tập viết thư gửi Bụt. Chúng ta thử bắt chước phương pháp đó trong trường hợp này. Mời hai người cùng đại chúng vào ngồi trong một căn phòng, hai người ngồi hai bàn khác nhau. Đưa cho A và B mỗi người một tờ giấy trắng, A sẽ viết cho B một lá thư, và B viết cho A một lá thư. Viết xong hai người trao thư cho nhau. Mỗi người nhận rồi đem thư ra đốt, không cần đọc. Trong đại chúng không ai biết trong thư nói gì cả.

Trước khi thực tập, hai người được hướng dẫn riêng về “mẫu viết thư”. Mục đích của lá thư là cho mỗi người có dịp quán chiếu về tánh tình, phản ứng và hành động của mình và của người kia. Thí dụ lá thư của A viết như sau:

Phần 1 –  A biết tánh của B như thế này (… ..) Mấy dấu chấm trong ngoặc này là nơi A quán chiếu về B. Nhìn vào người kia, ta thấy tánh khí và tâm trạng của người đó, các thói quen, tập khí của người đó, quá khứ thời thơ ấu lớn lên trong gia đình, trong học đường như thế nào, v.v.. Như thế gọi là quán chiếu.

Phần 2 – Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (như vậy là làm sao, phải nhớ rõ về các hành động của B đã gây đau khổ cho mình), thì để tránh gây ra xích mích, A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường vẫn có (kể rõ những phản ứng thường xẩy ra của chính mình).

Phần 3 – A cũng biết rằng tánh A như thế này (tự nói về mình) và hay phản ứng như thế này (là phản ứng ra sao, tự mình kể ra cho rõ), nên A đã khổ, A cũng đã làm cho B khổ và không giúp gì được cho B.

Phần 4 – Vậy từ nay để phá vỡ vòng luẩn quẩn và tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa, A sẽ thực tập những cách sau đây (ghi những ý kiến về cách thực tập của mình). Tới đây cần viết một câu quan trọng: “Sự chuyển hóa của A chắc chắn thế nào cũng đưa tới sự chuyển hóa của B”, Câu này nên lặp đi lặp lại hoài. Tại vì thường thường chúng ta hay nghĩ: “người kia không thay đổi tại sao mình tôi phải thay đổi?”

Đây chỉ là mới là phần thực tập của A thôi, còn phần của B là khác. Chúng ta hãy thử đọc lại và chiêm nghiệm thêm về mẫu thư trên một lần nữa.

1- A biết rằng tánh của B như thế này (…) Mỗi người phải nhìn vào người kia, dù đó là cha mình, thầy mình, anh, em của mình. Ba dấu chấm trong ngoặc đơn đó quan trọng lắm. Nên viết càng nhiều càng tốt. Mỗi người phải tìm hiểu về người kia. Có thể là B sanh ra trong một gia đình mà bố mẹ có tánh tình như thế, không khí gia đình như thế. Rồi lớn lên học ở trường có ông thầy thế nào, và được đào tạo theo mẫu mực, lề thói thế nào. Chìa khóa là ở chỗ ta nhìn thấy như vậy. Phải thấy được, mà thấy rồi thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận nhau hơn. Mới chỉ quán chiếu thôi, chưa đòi hỏi người kia phải thay đổi mà ta đã thấy khỏe hơn rồi. Lá thư không bắt đầu bằng những câu như “Nếu anh mà muốn em thương anh thì phải sửa cái tánh đó đi.” Mình bắt đầu nghĩ lại là anh mình sở dĩ nói năng như vậy (…), hành xử như vậy (…), có lề thói phản ứng như vậy (…) là vì đã có quá trình sinh ra, lớn lên và được đào tạo như vậy. Hiểu được rồi tự nhiên ta cười xòa, không còn bực tức nữa. Phản ứng của ta thay đổi. Mà ta thay đổi cách phản ứng của ta thì ta sẽ giúp được anh của ta thay đổi.

2- Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (…) thì A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường có (…) Phần giữa hai ngoặc đơn này cũng rất quan trọng. Phải quán chiếu rất lâu. Đoạn này liên hệ hành động của hai người: vì B như thế đó (…), cho nên A nói hay làm như thế này (…). Chỉ trong ba chấm đó thôi nhưng chúng ta phải thiền hành, thiền tọa rất lâu để tĩnh tâm mà tìm cho ra rõ nguồn cơn, “Lắng nghe thấu tận nguồn cơn, học nhìn lại hiểu và thương.” Chìa khóa là quán chiếu. Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (…) thường thường A bực bội, chống lại, không chịu nổi. Khi mà thấy được và hiểu được tại sao rồi thì dù người kia vẫn còn nói, vẫn còn làm như cũ, A vẫn có khả năng ngưng những phản ứng như trong quá khứ. Sự chuyển hóa bắt đầu từ trong tâm mỗi người, chứ ta không đòi hỏi người kia chuyển hóa trước thì ta mới chịu thay đổi (peace begins with me!).

3- A cũng biết rằng tánh A như thế đó (…) Trong đoạn này ta tự tìm hiểu để tự thấy mình. Ta được sinh ra ở một hoàn cảnh khác, được lớn lên, dạy dỗ và đào tạo trong hoàn cảnh khác. Ta rất khác B cho nên ta hay có phản ứng như vậy. Do những phản ứng đó chính ta làm cho ta khổ và cũng làm cho người kia khổ. Thấy được điều đó cho nên A mới tìm và thử có phản ứng khác. Mình tự thay đổi mình trước, biết rằng người kia sẽ thay đổi sau. Không có nghĩa là mình phải chấp nhận người kia như vậy hoài. Hiểu và thương tức là chấp nhận người kia và hy vọng với sự tu học, với phản ứng mới của mình, người kia sẽ thay đổi. Điều đó sẽ xảy ra. Người nào trong chúng ta cũng biết là khi mình thay đổi thì người kia sớm muộn cũng sẽ thay đổi.

A cũng biết rằng tính tình của mình như thế đó (…) – “Như thế đó” là như thế nào? Phải nói ra, phải dám soi gương để nhìn rõ tính khí của mình. Mình cũng có thể nhờ các bạn thân của mình soi sáng cho mình, chỉ bảo cho mình. Mình cũng có lúc nóng nảy, cũng có lúc vội vã, sai lầm. Và mình hay phản ứng như thế này, cho nên mình đã khổ và làm cho người kia khổ. Cho nên A quyết lòng tu tập để phá vỡ vòng lẩn quẩn. Trong quá khứ, mỗi khi bên này nói một câu gì là bên kia nổi điên ngay, vì thế bên này lại giận hơn nữa, và nội kết của hai bên lôi cuốn lẫn nhau. Bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn đó là thoát khỏi một vòng luân hồi.

Như thế chúng ta tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa. Và đây công thức của sự tu tập trong một tăng thân: sự chuyển hóa của người này sẽ đưa tới sự chuyển hóa của người khác. Có một thiếu nữ đến tu tập ở Làng Hồng, sáu tháng rồi trở về Hoa Kỳ. Tự nhiên cô cảm thấy có thể bắt đầu nói chuyện được với một người mà từ năm, bảy năm nay cô không thể nào nói chuyện được. Cô cảm thấy một điều rất lạ. Trước kia cô không thể nói chuyện, không muốn nhìn mặt người kia; thế mà sau khi tu tập ở Làng Hồng sáu tháng trở về, tự nhiên cô thấy mình có thể nói chuyện được dễ dàng. Ngay trong lần gặp gỡ và chuyện trò, cô đã thấy người kia thay đổi. Và sau đó gặp lại nhau trong mấy tuần lễ kế tiếp thì sự thay đổi càng rõ rệt. Tình thân ái lại nẩy nở, khi chia tay thì bịn rịn. Sự thay đổi của hai người không xảy ra cùng một lúc, vì đã chỉ có một người bắt đầu. Sự hòa giải nào cũng vậy. Ta tự hòa giải trong tâm ta trước, không cần người kia biết. Khi trong lòng mình có sự hòa giải rồi thì tâm bình an của mình tỏa chiếu ra, người kia sẽ tiếp nhận và đến lượt người kia sẽ được chuyển hóa.

Khi hai bên thực tập viết thư và trao cho nhau xong, có thể phép lạ sẽ xảy ra trong những ngày kế tiếp. Mỗi người đã xét mình và đã quán chiếu để hiểu người kia. Mỗi người tự phát nguyện là sẽ thay đổi, sẽ không làm, không nói theo tập khí của những ngày trước. Nói và cư xử cách nào phù hợp để người kia có thể chấp nhận được, có thể hiểu được. Sau khi quán chiếu, mình sẽ thấy nhiều điều lâu nay mình tưởng là đúng, mà quả thực là sai. Có khi điều mình nói là sự thật, nhưng cách mình nói ra vụng về và nóng nảy cũng có thể tạo ra sự tan vỡ, vì người kia không tiếp nhận được. Vì vậy ta phải học phương pháp thực tập chánh ngữ. Vì chánh ngữ bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, nhưng cũng gồm cả nghệ thuật diễn tả. Cách ngôn Trung Hoa có câu là một lời mà nói ra bốn con ngựa chạy theo cũng không kịp (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Phải tu tập ngay từ chánh kiến và chánh tư duy mới có thể thành công được về chánh ngữ.

Phương pháp thực tập chánh ngữ này rất cụ thể, ai cũng có thể thực hành ngay. Nếu thực tập cho đàng hoàng trong một vài tuần, ta sẽ thấy kết quả. Tu tập là chúng ta tu tập trong một tăng thân. Hạnh phúc của một người tùy thuộc hạnh phúc của người khác. Đừng nghĩ người nào tu riêng người đó, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Nghĩ như thế là thất bại. Phải làm cho người khác có hạnh phúc thì mình mới thật sự có hạnh phúc. Luôn luôn bắt đầu bằng sự thay đổi trong tâm mình. Khi ngồi thiền, thay vì quán chiếu về cây tùng trước sân hay là tiếng vỗ của một bàn tay, chúng ta hãy quán chiếu về một đề tài thiết thực. Đó là làm thế nào để thiết lập được chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy ngày hôm nay. Viết lên giấy trắng mực đen có thể giúp cho sự tu học. Ngồi xuống, cây viết trên tay, quán chiếu về tánh khí của người kia và của mình, do môi trường, hoàn cảnh, tập quán nào gây ra. Thấy được rồi ta mới hiểu tại sao ta hay phản ứng như thế này, mà người kia hay nói, hay làm như thế kia. Ta đi tới kết luận là từ bây giờ ta muốn áp dụng phương cách mới trong cách nói và cách làm. Ta nói và làm hai hoặc ba lần theo phương thức mới thì người kia sẽ bắt đầu thấy và cũng tự chuyển hóa. Nếu hai người cùng thực tập thì mỗi người đều làm như vậy cả. Hai người sẽ trao cho nhau tuệ giác của mình, giúp nhau tu tập, và họ là anh em, chị em thực sự. Giữa hai anh em, giữa vợ chồng, giữa cha con phương pháp này đều có thể làm được, trong cách cư xử tương kính và thật sự bình đẳng.

Trong truyền thống đạo Bụt, tăng thân được tổ chức như một gia đình. Vì vậy chúng ta thường gọi nhau là sư ông, sư chú, sư bác, sư anh, sư chị, sư em. Khi sống chung, chúng ta phải hoà hợp những cá tính lại thành một cọng tính. Không người nào giống người nào, sở thích cũng khác nhau. Nhưng tính chất đa dạng đó đem lại những dáng sắc rất đẹp cho cộng đồng. Tăng thân sống hòa hợp, nhường nhịn nhau được cũng nhờ ở sự thực tập chánh ngữ.

Trang: 1 2 3 4

×