Bài 09: Chánh niệm và 51 tâm hành

27/12/2021 3.590 lượt xem

Thực tập chánh niệm và chánh ngữ

Câu chuyện sau đây là một thí dụ về thực tập chánh ngữ. Có một phụ nữ người Pháp năm 18 tuổi không chịu đựng nổi gia đình nên bỏ sang nước Anh ở. Cô ấy giận mẹ, giận gia đình, cô muốn bỏ đi, vĩnh viễn không trở lại. Nhưng hai chục năm sau, một hôm cái hạt giống quê hương, hạt giống thương mẹ trong cô nổi dậy. Người phụ nữ đó bắt đầu có ước muốn trở về Pháp và hòa giải với mẹ. Bà mẹ cũng đã bảy mươi mấy tuổi và cũng nhớ con gái. Bà tuy rất giận con nhưng trong lòng bà tất nhiên cũng có hạt giống thương con. “Giận thì giận mà thương thì thương”. Trong tâm thức chúng ta có nhiều hạt giống trái chống nhau cùng một lúc.

Khi nghe nói con gái mình sẽ về, bà mẹ rất vui. Người con gái cũng nao nức về gặp để hòa giải với mẹ. Nhưng đến lúc hai mẹ con gặp nhau, hàn huyên được vài ba hôm, họ lại cãi nhau nữa. Trái bom chứa trong lòng người mẹ nổ. Trái bom trong lòng cô con cũng nổ. Mặc dù cả mẹ lẫn con đều có ý chí muốn hòa giải, muốn tha thứ, nhưng chánh kiến đó chỉ mới phôi thai là một ước muốn thôi. Trong khi đó thì trái bom nội kết ở trong cả hai người vẫn còn nặng. Khi ngồi xuống với nhau, họ lại vô ý tưới tẩm lên những hạt giống của bao nỗi niềm đau khổ cũ. Chúng phát hiện, biểu lộ thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ nóng giận của người này tưới lên niềm đau khổ của người kia. Cho nên mỗi khi hai mẹ con gặp nhau lại sinh cãi cọ. Bao nhiêu lần đến gần nhau để hòa giải, bấy nhiêu lần họ thất bại.

Người thiếu phụ đã tới Làng Mai, tôi khuyên bà ta phải chờ đợi một thời gian. Một thời gian để tu tập chánh kiến, học sống chánh niệm trước khi về gặp mẹ. Trong thời gian đó người thiếu phụ tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng, sinh hoạt với đại chúng, nấu cơm, xách nước, giặt áo, v.v.. tham dự vào đời sống của tăng thân. Đây cũng là thời gian bà ta có dịp tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc lâu nay bị bỏ quên. Trong tăng thân thế nào cũng có người có nụ cười, có lời nói, có khả năng giúp đỡ mình vén những tấm màn khổ đau đang che phủ tâm mình, và giúp mình tưới tẩm những hạt giống an lạc. Trong tăng thân thế nào cũng có người soi sáng cho mình thấy các sai lầm trong nhận thức của mình. Và trong thời gian đó, người thiền sinh có thể phát triển chánh niệm. Sự thực tập tại Làng Mai là thực tập chánh niệm, đi trong chánh niệm, đứng trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nấu cơm, giặt áo trong chánh niệm. Chánh niệm giúp mình thấy tâm tư của mình như thế nào. Chánh niệm cho mình thấy những vận dụng của tầm và từ. Chánh niệm giúp mình nhận ra tầm và từ của mình đã bắt nguồn từ những hạt giống nào. Tôi đề nghị với người thiếu phụ đó cứ mười ngày thì ngồi viết cho bà mẹ một lá thư, viết như một bài thực tập chánh niệm. Lá thư đó là hoa trái của quá trình tu học chánh niệm ở làng. Tôi đề nghị rằng trong lá thơ đó người con quán chiếu để thấy con người của bà mẹ và đồng thời cũng thấy được chính mình. Nghĩa là thấy những tập khí, những nỗi khổ, niềm đau, những hy vọng và thất vọng của chính mình và của mẹ. Viết là diễn đạt những tầm và từ của mình, một cách an toàn hơn, vì người kia chưa phải nghe. Và khi viết xong có thể để đó một thời gian rồi đọc trở lại, dùng chánh niệm xem những đoạn mình mới viết bắt nguồn từ những khối nội kết nào ra. Bởi vậy viết là một phương pháp thực tập chánh niệm. Ngồi viết một lá thư hay một bài văn trở thành một buổi thực tập chánh niệm. Đây không còn là một công việc nữa, mà là một phép thực tập. Cũng như khi ta rửa nồi hay lau nhà, nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm thì đó không phải là công việc nữa. Đó là những phép tu, gọi là phép tu rửa chén, phép tu chùi nồi. Mà nếu chùi nồi chỉ để cho nồi sạch không thôi thì rất uổng. Việc chùi nồi phải dùng để thực tập như là một phép tu.

Khi ngồi viết một lá thư trong chánh niệm, người thiếu phụ đó đã tự nhìn lại mình, nhìn lại mẹ mình, đã thấy rõ nỗi khổ đau và những điều kiện để có hạnh phúc của cả hai mẹ con. Đời sống tu tập là cơ hội đầu tiên để tự khai mở cho mình và khai mở cho mẹ. Lá thư đó là một công trình thực tập. Nếu trong lá thơ đó người con lại cãi lý hoặc phân trần, thì lá thư sẽ không ích lợi gì cả. Lý luận và thanh minh chỉ tưới tẩm những hạt giống khổ đau của bà mẹ mà thôi. Viết như vậy vô ích. Viết như vậy chứng tỏ trong tư duy của mình, tầm và từ chưa được chánh niệm soi sáng, vẫn phát xuất từ những hạt giống tiêu cực. Nhưng nếu viết để nói về những điều kiện sẵn có của hạnh phúc mà mẹ chưa bao giờ sử dụng tới, thì người con làm một công việc trước đây chưa ai từng làm. Ông ngoại, bà ngoại chưa làm, trường học, xã hội chưa làm, bè bạn của mẹ cũng chưa làm. Bây giờ người con gái làm được, vì người ấy có chánh niệm. Thiếu phụ viết thư kể lể: “Mẹ ơi, con nhớ hồi con còn bé thơ,…” Kể một câu chuyện bình thường, nhưng để gợi ý và chứng tỏ cho mẹ thấy là bà có những hạt giống của hạnh phúc, của tình thương, những hạt ngọc ở trong tàng thức. Lá thư đó phải do công trình quán chiếu mới viết được.

Quán chiếu vào lúc nào? Quán chiếu khi rửa chén, khi lau nhà, khi đi thiền hành, khi ngồi thiền tọa. Viết lá thơ là kết quả những điều đã thấy trong khi quán chiếu. Và ta tiếp tục quán chiếu trong khi viết thơ, viết xong rồi thì tự nhiên thấy khỏe, và biết rằng mẹ mình đọc xong cũng sẽ thấy khỏe. Ta dùng ánh sáng của chánh niệm chiếu vào để thấy tác dụng của từng câu, từng chữ. Ta biết rằng lá thơ này phát xuất từ chánh kiến, từ chánh tư duy và được thể hiện bằng chánh ngữ. Mười ngày sau người con gái viết lá thư thứ hai, cũng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc của bà mẹ. Trong khi thực tập viết những lá thư như vậy, người con cũng tự tháo gỡ cho mình. Rồi khi bà mẹ đọc được một lá thư như thế thì bà mẹ cũng được tháo gỡ. Nếu người con thực tập đồng thời cho mình và cho mẹ thì chỉ trong sáu tháng hay một năm là hai mẹ con có thể gặp lại nhau. Lúc đó thì các niềm đau khổ đã chuyển hóa, vơi bớt đi nhiều, những niềm vui trong lòng đã phát triển. Chánh tư duy và chánh ngữ sẽ phát hiện. Hai mẹ con có thể nói chuyện với nhau. Người con không đợi cho người mẹ chuyển hóa rồi mình mới chuyển hóa. Chúng ta phải bắt đầu từ sự tu tập của chính mình. Một người tu mà hai người được lợi ích.

Viết văn, viết thư trong khi thực tập chánh niệm có khả năng tưới tẩm, chuyển hóa, có thể ảnh hưởng trên mình và trên người đọc, nhờ lời văn chuyên chở tuệ giác, chuyên chở chánh tư duy, vì văn đó là chánh ngữ. Chúng ta thường nói văn chương để chuyên chở đạo lý, “vặn dĩ tải đạo”. Đó là nguyên tắc của người viết văn ở Đông phương. Viết văn không thể thiếu tinh thần trách nhiệm. Viết văn không chỉ để cào cấu những niềm đau khổ của mình làm cho người khác đọc cũng lây đau khổ, cũng bị cào cấu. Khơi lên những nỗi bực dọc và chán chường vô ích rồi vung vãi cho tất cả độc giả lãnh đủ, văn chương đó không phải là văn chương có đạo lý. Những bài hát, những bài văn đầu độc, làm cho con người hết ý chí sống, mất niềm tin, những loại văn nghệ như vậy phải xếp vào “Tập Đoạn Trường”. Có những thanh niên, thiếu nữ nằm ôm máy nghe những bài hát rên rỉ, tưới tẩm những hạt giống phiền não, đau khổ của mình. Đó là “văn nghệ đứt ruột”, không chuyên chở đạo lý. Cho nên người có chánh kiến, người có chánh tư duy phải dứt khoát với các loại văn nghệ đứt ruột. Không tiêu thụ những độc tố làm hại mình, hại người. Sự tu học của ta dính líu tới rất nhiều người khác: cha mẹ, anh chị em, bạn bè của ta, rồi xã hội bên ngoài. Những lá thư ta gửi cho cha, mẹ, anh, em phải có tác dụng chuyển hóa. Sự thành công tu học của ta trước hết được thể hiện qua sự chuyển hóa của gia đình, của những người thân thuộc. Những lá thư là chất liệu nuôi dưỡng, là những luồng gió mát, nâng đỡ, khai mở, mà nếu không tu tập thì ta không viết được. Cho nên người tu học ở đây viết những lá thư cho những người mình yêu thương, phải biết rằng những lá thư đó có giá trị tưới tẩm và chuyển hóa. Viết thư trong chánh niệm như vậy là một cách thực tập. Một lá thư như vậy có giá trị chuyển hóa rất lớn. Dẫu chúng ta không gặp khó khăn với mẹ như trường hợp người phụ nữ Pháp kể trên, ta cũng nên viết thư cho người thân, 10 ngày, 15 ngày một lần, ít nhất một tháng một lá thư. Viết để tu tập và hành đạo. Giá trị của lá thư tùy ở chánh kiến và chánh tư duy. Viết thư “thuyết pháp” một cách vụng về lại có tác dụng ngược lại. Đừng tưởng cứ thuyết pháp tức là hành chánh ngữ. Không có quán chiếu thì ngôn ngữ sẽ không phù hợp, người nhận sẽ không thích đọc, rồi sau này khi thấy thư họ sẽ không muốn mở ra nữa. Vì đó không phải là chánh ngữ, dù lá thư nói về tứ đế, thập nhị nhân duyên hay Bát Chánh Đạo. Dù đề tài là Phật Pháp mà bài thuyết pháp không khơi động, không chuyển hóa được lòng người, thì đó cũng không phải là chánh ngữ.

Trang: 1 2 3 4 5

×