Chánh niệm làm cơ bản
Tới đây ta có thể tạm rời lãnh vực chánh ngữ để bắt đầu bàn về chánh niệm. Trong khi học về chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ ta đã thấy chánh niệm là điều kiện rất cần thiết rồi. Không thể nào có chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không có chánh niệm. Vì ngay trong chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn, vai trò của chánh niệm cũng quan trọng không kém. Thường thường ta vẫn nói theo trình tự niệm, định, tuệ. Chánh niệm đưa tới chánh định. Nhưng chánh niệm không phải chỉ đưa tới chánh định mà thôi, nó dẫn tới cả chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn. Chúng ta hãy nói sơ lược về chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn để bàn vào chánh niệm và sẽ trở lại ba chi phần đó sau.
Chánh nghiệp tức là hành động chân chánh, đây là về hành động của thân thể, tức thân nghiệp. Vì khẩu nghiệp thuộc về phạm vi của chánh ngữ và ý nghiệp thuộc về phạm vi của chánh kiến, chánh tư duy, chánh định, và chánh niệm. Trong Kinh nói sát sanh, trộm cướp và tà dâm là tà nghiệp. Không sát sanh, không trộm cướp và không tà dâm là chánh nghiệp. Vì vậy về chánh nghiệp chúng ta phải nói đến giới thứ nhất, giới thứ hai, và giới thứ ba của năm giới. Thân nghiệp cũng liên quan tới giới thứ năm. Giới thứ tư thuộc về chánh ngữ và bốn giới khác có liên hệ trực tiếp tới chánh nghiệp.
Chánh mạng tức là nghề nghiệp hoặc phương tiện sinh sống chân chánh. Sống bằng những phương tiện bất chính là tà mạng. Những nghề nghiệp vi phạm giới sát sanh, giới trộm cướp, giới tà dâm, phải sử dụng các chất ma túy và phải nói dối, đều là tà mạng. Vậy chánh mạng cũng liên hệ tới tất cả năm giới. Người xuất gia cũng có thể phạm vào tà mạng nếu sử dụng những phương tiện hành đạo không phù hợp với chánh pháp. Thí dụ đưa người ta vướng thêm vào vòng mê tín. Nếu không tu tập, chỉ tụng kinh và làm đám như một nghề sinh nhai, cũng là tà mạng. Việc tụng kinh và đưa đám nếu hành trì như những phương pháp hướng dẫn tu học và chiếu ánh sáng của đạo lý vào đời sống của mọi người và của chính mình, thì đó là chánh mạng. Còn tụng kinh và làm đám chỉ với mục đích cầu lợi thì đó là tà mạng.
Chánh tinh tấn là năng lực giúp ta tu học một cách siêng năng. Chánh tinh tấn gồm có bốn loại thực tập liên hệ với chánh niệm. Loại thực tập thứ nhất là với những hạt giống xấu chưa phát hiện thì cố ngăn đừng cho chúng phát hiện, những chủng tử xấu đừng để cho chúng có cơ hội hiện hành. Mỗi lần hiện hành các hạt giống ấy lại lớn lên ở trong tàng thức. Đừng cho phát hiện không phải là đè nén, mà chỉ có nghĩa là đừng để người khác hay chính mình tưới tẩm những hạt giống xấu trong mình. Ngoài ra, phải tìm cách cho những hạt giống tốt phát hiện. Đó là phép thực tập thứ nhất. Thứ hai là khi những hạt giống xấu phát hiện rồi thì phải biết cách làm cho chúng trở về gốc càng mau càng tốt, tìm cách cho chúng trở về nguyên quán, nằm im ở đấy. Đó là phương pháp thay chốt, phương pháp quán chiếu, phương pháp chánh niệm. Thứ ba là những hạt giống tốt chưa từng được phát sanh thì tìm cách tưới tẩm cho chúng phát sanh. Tự mình tưới tẩm hay nhờ sự có mặt của tăng thân tưới tẩm. Thứ tư là những hạt giống tốt đã phát sanh rồi thì tìm cách mời chúng ở lại và nuôi dưỡng cho chúng lớn lên. Bốn phương pháp đó gọi là tứ chánh cần. Thành ra nội dung của chánh tinh tấn là tứ chánh cần, tức là bốn loại hành động siêng năng. Mục đích là làm cho những hạt giống xấu yếu đi và làm cho những hạt giống tốt lớn lên. Ta thấy chánh tinh tấn liên hệ đến tất cả những chi phần khác trong Bát Chánh Đạo. Nói chánh tinh tấn là sự siêng năng thì không đủ nghĩa. Cần phải có kiến thức về tâm học, về duy thức học thì mới có thể hiểu được nội dung tám chi phần của Bát Chánh Đạo. Chúng ta nói qua như vậy để bàn tới chánh niệm rồi sẽ trở về với ba chi phần ấy sau.