Phước đức và công đức

21/01/2024 163 lượt xem

Nhiều người thắc mắc về sự khác biệt giữa công đức và phước đức. Nhất là sau khi nghe cuộc đối thoại giữa vua Lương Võ Đế và tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Đa số trong các kinh, hai danh từ phước đức và công đức thường được dùng như nhau và mang cùng ý nghĩa. Thí dụ một kinh ngắn như “Kinh 42 chương”, chương thứ 10 “Hoan hỷ bố thí tất được phước”, đức Phật dạy: “Thấy người tu đạo bố thí mà hoan hỷ trợ giúp thì sẽ được phước rất lớn”; chương 11 “Sự gia tăng của công đức”, trong việc bố thí thức ăn, đức Phật dạy: “Đãi 100 người ác ăn, không bằng đãi một người thiện ăn. Đãi 1000 người thiện ăn, không bằng đãi một người trì ngũ giới ăn. Đãi một vạn người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu đà hoàn ăn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu đà hoàn ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tư đà hàm ăn …”. Như vậy thì bố thí cúng dường thức ăn cho 100 người ác cũng cho ra công đức nhưng ít hơn là cúng cho một người thiện ăn.

Thí dụ một kinh khác như kinh Địa Tạng , phẩm thứ 10 “So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí”, bồ tát Địa Tạng hỏi: “Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo so sánh về sự bố thí có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước trong mười đời, hoặc đến hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, nghìn đời. Những sự ấy tại làm sao thế? Cúi xin đức Thế-Tôn dạy cho”. Bấy giờ đức Phật bảo Ðịa-Tạng Bồ Tát rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này giảng về sự so sánh công đức lớn nhỏ của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói!” … “Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị trời Ðại Phạm Thiên Vương” … “Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên” … “Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Ðề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Ðế Thích, Vua Chuyển Luân”. Tôi không thể chép hết những đoạn kinh này vào đây, nhưng trong đó cứ một đoạn nói phước đức bố thí, và đoạn sau lại nói công đức bố thí, cho thấy phước đức bố thí hay công đức bố thí cũng cùng một nghĩa không có gì khác biệt.

Phước đức hay công đức được dịch từ chữ Punna (Pali), Punya (Sanskrit), đơn giản có nghĩa là một hành động lành, một việc thiện, một việc có đức. Một việc có đức thì sẽ cho ra quả phước cho nên gọi là phước đức. Và một việc lành thường không phải dễ làm, nó đòi hỏi người làm phải ra công sức, chống lại bản tánh tham lam, bỏn xẻn, sân, si, ác độc, nên còn được gọi là công đức.

Nhưng rồi một ngày nọ trong thiền sử, tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Hoa truyền đạo dưới thời vua Lương Võ Đế. Vua Lương là người sùng đạo và ủng hộ Phật Pháp nhiệt thành, mời tổ vào cung hỏi đạo. Vua hỏi: “Trẫm từng xây hàng ngàn chùa tháp, độ hàng vạn tăng ni, vậy trẫm có công đức gì không?” Tổ Đạt Ma đáp: “Không có công đức gì cả”. Thế là cuộc vấn đáp này trở thành một công án trong nhà Thiền và từ đó người ta cho rằng việc làm của vua Lương chỉ là phước đức chứ không phải công đức. Và rồi công đức khác với phước đức kể từ đó. Vì cho là khác nên người ta cần đặt ra những định nghĩa mới cho phù hợp, thí dụ như phước đức là hữu lậu , giới hạn, còn công đức là vô lậu, vô biên. Phước đức là việc lành cầu lợi cho mình, gia đình mình, còn công đức là việc lành hồi hướng cho chúng sinh. Phước đức là việc lành còn chấp ngã, còn công đức là việc lành vô ngã, trong đó không có người làm, người nhận, v.v… Mải mê định nghĩa phân tách sự khác biệt giữa công đức và phước đức mà quên bẵng lý do tại sao tổ Đạt Ma nói vua Lương chẳng có công đức gì hết. Những câu nói của thiền sư nhằm mục đích khai ngộ cho người hỏi chứ không phải giảng kinh luận, chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Vua Lương làm phước mà còn chấp Ta là người làm nhiều việc phước, không có ai bằng mình, gặp ai cũng khoe, đó là cống cao ngã mạn. Vì vậy nếu vua có hỏi: “Trẫm có phước đức gì không?” thì tổ Đạt Ma cũng sẽ đáp “Không có phước đức gì cả”. Tổ đáp một câu phủ nhận như vậy cốt khai ngộ và phá chấp cho vua chứ không có ý phân biệt công đức hay phước đức. Cũng như có người hỏi tổ Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?”, với người này thì tổ đáp là có, nhưng với người kia thì tổ đáp là không, hoàn toàn bất định.

Ban đầu hai chữ phước đức và công đức không khác gì nhau, nhưng giờ đây sự khác biệt của nó đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, nên nếu có ai hỏi tôi công đức khác phước đức chỗ nào thì tôi cũng sẽ nói phước đức là hữu lậu, xài hoài có ngày phải hết; còn công đức là vô lậu, xài hoài không bao giờ hết cho tới ngày thành Phật. Công đức cao hơn phước đức. Tuy nhiên tôi cần nói thêm là bạn vẫn có thể biến phước đức thành công đức, bằng cách sau khi làm phước xong thì hồi hướng phước đó với mục đích cao thượng như cầu giác ngộ giải thoát, hoặc cầu cho chúng sinh được thoát khỏi đau khổ luân hồi.

Cả hai người cùng bỏ tiền cúng dường vào thùng phước sương nhưng một người làm với tâm mong cầu đời sau được giàu sang, còn một người làm với tâm hộ trì Tam Bảo và hồi hướng phước đức cầu cho chúng sinh thoát khổ nghèo đói. Việc làm của người trước trở thành phước đức, còn việc làm của người sau trở thành công đức. Sự khác biệt nằm ở tâm nguyện trước và sau khi làm việc thiện.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×