176. Có ai thấy Phật không?

13/11/2022 2.867 lượt xem

– Ừ! À! Đại đức cứ nói tiếp!

– Tâu, vâng. Cũng giống như kinh đô và quốc độ của đại vương đó thôi. Vị kiến trúc bậc thầy kia ra đi, đại vương còn sống bây giờ đây, tác phẩm kiến tạo này sẽ còn mãi mãi với thời gian. Lẽ nào chừng một trăm năm sau, di sản, chứng tích kinh đô cũ vẫn còn, thế mà có người lại bảo không hề có ông vua Mi-lan-đà – thì đại vương nghĩ sao?

Đức vua Mi-lan-đà có vẻ suy nghĩ đăm chiêu, một hồi mới nói:

– Nói tình thật, thưa đại đức! Lý luận, diễn giảng, chứng minh, ví dụ của đại đức thật không có kẻ hở cho hoài nghi xen vào. Trẫm có đức tin trong sạch và trí tuệ sáng suốt để xác định rằng: Đức Phật có thật! Không còn một mảy may nghi. Tuy nhiên, giả dụ thế, có kẻ ngoại đạo cắc cớ nói: “Vẫn có thể là không có Đức Phật”. Vì sao? Vì qua những kiến thức uyên bác, kiến giải thông tuệ, trình độ hiểu biết, lý luận… của đại đức bây giờ – nếu như trước đây chừng một trăm năm, thế gian xuất hiện chừng hai, ba vị như đại đức – thì có thể họ cùng nhau ngồi lại một chỗ mà sáng tác nên các bộ kinh, luật, vi diệu tạng kia, được chăng? Nghi không có Đức Phật và nghi là có vài bậc trí tuệ sáng tác – thì cũng giống nhau thôi, thưa đại đức!

Câu hỏi có trọng lượng ngàn cân – và mối nghi rất có cơ sở của đức vua Mi-lan-đà, làm cho cả hội trường im phăng phắc, có kẻ toát mồ hôi. Tuy nhiên, đại đức Na tiên dáng dấp vẫn điềm nhiêm, nhìn quanh một vòng rồi mỉm cười nói:

– Hay lắm! Đáp, hỏi là phải như thế! Học Phật pháp là phải như thế: phải vấn nạn cho tận cùng, không nên tương nhượng, vị nể nhau. Phong cách thể hiện đạo đức tri thức của đại vương, bần tăng rất khâm phục vậy.

Rồi đại đức tiếp lời:

– Tâu đại vương! Biển cả tức là đại dương, sâu rộng quá chừng; lượng nước và lượng cát ở đấy không ai đếm hết được. Trong lòng đại dương quần tụ sinh sống hằng vạn hằng ức loài thủy tộc. Đi lại trên đại dương có các loài rồng, đại bàng, dạ xoa nước… hằng đi kiếm ăn. Trong biển, trên biển luôn luôn có sự đấy động huyên náo; hợp tấu cùng các a-tu-la hăng say đùa giỡn, đoàn lũ rầm rộ làm chấn động biển trời tạo nên một loại nhạc cụ tổng hợp, âm thanh tạp náo. Lác đác chỗ này chỗ kia, nhô lên những hòn đảo tốt tươi xinh đẹp, có các thần tiên du hành, rong chơi đây đó. Sơn thần, thọ thần, thủy thần cũng ngoạn du nhàn lạc trong lãnh điạ của mình…

Đại đức Na tiên nói đến ngang đây, chợt đức vua Mi-lan-đà ngắt lời:

– Xin lỗi đại đức! Không biết đại đức kể chuyện gì mà lan man trên trời dưới biển như thế, chuyện các loài thủy tộc và thần tiên kia liên hệ gì với chủ đề chúng ta đang thảo luận hôm nay?

– Hãy kham nhẫn, đại vương! Đấy là tiền đề, và rồi nó sẽ đi thẳng vào nội dung cốt lõi của vấn đề mà!

– Ồ! Thế thì xin đại đức cứ tiếp tục!

– Vâng, bần tăng kể tiếp đây. Trong biển, trên biển huyên náo ngày đêm như thế; nhưng lại còn hằng trăm ngàn ghe thuyền bán buôn từ quốc độ này sang quốc độ khác dong buồm lui tới nữa… Những ngọn sóng to, những ngọn sóng nhỏ dào dạt, ầm ào, đập vào bãi biển, các doi đất lồi, vịnh, hải khẩu; thủy triều lên xuống các đầm nước mặn, các đầm nước ngọt, các vực sâu tiếp giáp biển và núi…

Đâu đâu cũng có chúng sanh nương gá, là nơi quần cư giữa các loài hữu tình, vô tình, có những vùng sáng chói ngọc thạch, san hô. Biết bao nhiêu là cá xà, cá mập, voi nước, ngựa nước, nhơn ngư, tôm rùa…, loài thủy tộc có tên và loại thủy tộc không tên, lấn hiếp nhau, cắn xé nhau để tự vệ và sinh tồn. Tuy nhiên, nếu như thế thì đại dương vẫn bình lặng trong định luật sinh diệt của các loài…

Ví như trên trời có điểu vương, trên rừng có tượng vương… thì dưới biển cũng có ngư vương! Hốt nhiên, hôm kia, như sau một giấc ngủ ngàn năm dưới đáy đại dương, Ngư vương rùng mình đứng dậy, đội một biển nước trên mình và nhảy vọt lên cao! Ôi một cơn sóng thần cũng không được như thế! Một trận động đất cũng không được như thế! Từng quả sóng núi lớn nổi lên cao, điệp trùng sóng núi, rùng rùng nối đuôi nhau chạy dạt ra bốn phương trời. Muôn loài thủy tộc sợ hãi tưởng là giờ tận thế. Hằng trăm, ngàn ghe thuyền chạy trốn núp vào các vực nhưng cũng không tránh khỏi tử nạn thương vong. Cá nhỏ, có to biển động sóng nhồi nằm phơi xác trắng hếu trên mặt nước…

Ồ! Chuyện gì đã xảy ra mà biển sóng nổi kinh hoàng như thế? Các bậc thức giả, trí giả, giáo sư hải dương học… đều đưa ra một kết luận giống nhau: “Có một loài cá rất to, gọi là Ngư vương vừa xuất hiện. Đây là hiện tượng hằng triệu năm mới có một lần. Trận sóng vừa rồi là sự “ra oai” với muôn loài thủy tộc của Ngư vương đấy!

Nói đến ngang đây, đại đức Na tiên nghỉ hơi một lát. Đức vua Mi-lan-đà thở một hơi dài:

– Dường như trẫm vừa nắm bắt được nội dung của tiền đề rồi đây!

– Đại vương đã đoán trúng – đại đức Na tiên tiếp lời – Biển thế gian này cũng là đại dương mênh mông, vô lượng nước, vô lượng cát như thế đấy, tâu đại vương! Vô lượng nước ấy tức là ái dục tham luyến, vô lượng cát ấy chính là phiền não. Ai dục, tham luyên chính là hạng chúng sanh ngu si tăm tối đếm không xiết kể trên thế gian này. Đáy biển có những luồng lạch, có những hang hóc tối tăm chính là tà kiến, ngã chấp, cứng đầu, vô ơn, bội nghĩa, si mê, hận thù, gian xảo, độc ác v.v…

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

×