176. Có ai thấy Phật không?

13/11/2022 1.973 lượt xem

– Ồ quý hiếm vậy thay.

– Ở đây còn thứ quý hiếm nữa, là tuệ phân tích bảo ngọc, đại vương cũng nên xem tiếp:

Tuệ phân tích ý nghĩa,

Tuệ phân tích pháp ,

Tuệ phân tích văn tự,

Tuệ phân tích biện tài vô ngại (tốc trí biện tài).

Đức vua Mi-lan-đà:

– Đức pháp chủ Xá – lợi – phất có thứ ngọc bảo này.

– Vâng.

– Nhờ đại đức giảng rộng cho nghe.

– Tâu, vâng, Bậc Thinh văn A-la-hán nào trang điểm cho mình loại ngọc bảo này, thì dù đi vào hội chúng nào, đoàn thể nào, giới cấp nào – ví như vua chúa, quan lại, sa môn, bàla-môn, thương gia, nông dân v.v… – bao giờ cũng với thái độ dũng cảm, uy vũ, bất khuất; ngồi không cúi gục đầu xuống, tâm không hề rung động, không sợ hãi, không chau mày, không cần nơi nương tựa, không cần niệm, không cần quán tưởng, không tự trấn an mình; hoàn toàn làm chủ mọi tình thế, tự biết mình là lãnh chúa của muôn loài như sư tử vương tọa thị điềm nhiên giữa chốn sơn lâm vậy.

Đức vua tán thán:

– Thật là đáng khâm phục, ngưỡng mộ!

– Dĩ nhiên rồi! Ví như một viên dũng tướng vô địch xông xáo giữa chốn thiên binh vạn mã; khi đã trang điểm cho mình mười loại khí giới tuyệt hảo rồi – viên dũng tướng ấy chân đạp một kẻ thù, chân đá một kẻ thù, tay nắm chỏm tóc một kẻ thù, tay kia một nhát dao rơi một lúc mười kẻ thù khác v.v… Mỗi mỗi động tác là trúng đích, một mũi tên buông ra xuyên suốt bảy, tám tên giặc. Trường kiếm, đoản kiếm, cung nỏ, giáo ngắn, giáo dài, trủy thủ, đao to, đao nhỏ, xà mâu, đoản côn v.v… y đều sử dụng một cách thiện xảo, nhuần nhuyễn… và chính xác từng ly tấc một… Viên đại dũng tướng ấy chẳng hề sợ ai, chẳng chùn, chẳng run tay, chẳng cần ngồi nghỉ dưỡng sức, chẳng cần tự trấn an mình v.v… Khi tấn, khi thoái, lúc lạng người, lúc né người, lúc cúi xuống, lúc đứng lên, lúc nhảy chéo, lúc nhảy ngang, lúc vút lên cao, lúc hoành thân, lúc đảo bộ… mỗi mỗi động tác của viên dũng tướng… đều tạo thêm lợi thế, khí thế bừng bừng… làm cho kẻ thù dựng đứng tóc gáy, tan tác dần dần… và rùng rùng bỏ chạy.

Tâu đại vương! Bậc Thánh nhân vô lậu trang điểm cho mình loại bảo châu bốn tuệ phân tích, đi vào giữa các hội chúng cũng y như viên đại dũng tướng kia đi vào trận địa giết giặc vậy!

– Thật là khiếp hãi. Xin đại đức cho nghe ngay ngữ nghĩa đi thôi.

– Vâng. Nếu các hội chúng:

Hỏi về ý nghĩa, sẽ giải thích bằng ý nghĩa;

Hỏi về nhân, sẽ giải thích về nhân;

Hỏi về duyên, sẽ đáp về duyên;

Hỏi về cách thức, phương pháp, sẽ giảng giải về cách thức, phương pháp;

Hỏi pháp phân tích nào, đáp pháp phân tích ấy;

Hỏi pháp, trả lời pháp;

Hỏi bất tử pháp, đáp bằng bất tử pháp;

Hỏi pháp không tạo tác, đáp bằng pháp không tạo tác;

Hỏi Niết bàn pháp, trả lời Niết bàn pháp;

Hỏi không pháp, trả lời bằng không pháp;

Hỏi vô tướng pháp, sẽ trả lời về vô tướng pháp;

Hỏi bằng tầm tứ pháp, sẽ giải thích về tầm tứ pháp; Hỏi về vô tầm tứ pháp, sẽ đáp vô tầm tứ pháp; Hỏi về xả pháp, trả lời bằng xả pháp.

Nói tóm lại, hỏi bằng pháp nào sẽ giải thích về pháp ấy một cách có thứ tự, mạch lạc, thông suốt, bác học, vô ngại về ngữ nghĩa, tâu đại vương!

– Vâng!

– Còn nữa, nếu có những kẻ sắc sảo, thích chữ nghĩa, thích lý luận thì:

Hỏi bằng tuệ phân tích sẽ trả lời bằng tuệ phân tích;

Hỏi về văn tự, đáp bằng văn tự;

Hỏi bằng câu, sẽ đáp bằng câu;

Hỏi bằng câu ngắn,, đáp bằng câu ngắn.;

Hỏi bằng chữ, sẽ đáp bằng chữ;

Hỏi bằng chữ nối ráp, sẽ đáp bằng chữ nối ráp;

Hỏi bằng phụ âm, đáp bằng phụ âm;

Hỏi bằng chiết tự sẽ đáp bằng chiết tự;

Hỏi bằng mẫu tự sẽ đáp bằng mẫu tự;

Hỏi bằng chánh âm, sẽ đáp bằng chánh âm;

Hỏi bằng ngôn thuyết, đáp bằng ngôn thuyết;

Hỏi với biện tài, sẽ đáp bằng biện tài;

Hỏi bằng ví dụ, sẽ đáp bằng ví dụ;

Hỏi bằng vị, sẽ đáp bằng vị;

Hỏi bằng tướng, sẽ đáp bằng tướng v.v…

Tất cả, tất cả đều được vị thánh nhân với bốn tuệ phân tích giải bày cặn kẽ, khúc chiết, quảng bác… làm cho các hội chúng giải tan được hoài nghi, có đức tin nơi chánh pháp và trở về với chánh pháp, tâu đại vương!

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

×