176. Có ai thấy Phật không?

13/11/2022 1.953 lượt xem

Đức vua Mi-lan-đà nói:

– Đại đức quá khen!

– Đấy là sự thật! Còn nữa, hiện tại, quốc độ của đại vương ít có điều họa hại, rủi ro; sự phạm pháp của bá tánh thật không đáng kể. Tất cả chủng tộc, giai cấp đều sống trong không khí hòa thuận, yên bình. Dòng quý tộc, bà-la-môn, thương gia, thợ thuyền, nông dân… đều chẳng có chỗ hiềm khích, kích bác nhau, đấu đá nhau. Chẳng có nơi nào mà thủ lĩnh voi, thủ lĩnh ngựa, thủ lĩnh xe, thủ lĩnh bộ binh, thủ lĩnh cung tên… dưới trướng của đại vương đều tài ba lỗi lạc như thế. Những hoàng tử con vua, con bá quan, con thường dân… đều có nơi chốn để học hành rồi sau đó trổ tài phụng sự quốc gia. Rồi tướng lãnh, binh sĩ đều là những người tình nguyện, đầu quân giết giặc hoặc bảo vệ lãnh thổ nơi này nơi khác. Tất cả đều uy vũ, có khí thế, được huấn luyện một cách kỹ càng. Tất cả những gia đình ở trong kinh thành, ví như con những người giàu có, con những người đô vật, con những người giúp việc…đều có cơ hội thăng quan tiến chức, phát triển khả năng của mình.

Rồi còn biết bao nhiêu là nghề thợ tài hoa, làm phong phú, giàu có và thêm sắc màu sinh hoạt đa dạng cho quốc độ. Nào là thợ mạ, thợ tẩy xóa, thợ vẽ đủ loại, thợ làm mạt hương chiên đàn, thợ vàng, thợ thiếc, thợ đồng đỏ, đồng vàng, thợ ngọc, thợ mài hột, thợ quay tơ, thợ nồi, thợ dệt, thợ nắn, thợ trang trí, thợ bảo kiếm, thợ trường kiếm, thợ làm xà mâu, thương giáo, thợ mộc, thợ đoản kiếm, thợ trang sức, thợ làm đất làm cát, thợ chàm, thợ nhựa, thợ nướng thịt, thợ làm vật thực… Ôi! Thật là đủ loại, đủ thứ không thiếu gì!

Ngoài ra, sinh hoạt phố phường, chợ búa thật đông vui, tấp nập, quán xá san sát. Rồi còn nào là chợ hoa, chợ bán vật thơm, chợ bán trái cây, chợ bán thuốc trừ độc rắn, chợ bán thuốc chữa bệnh, chợ bán nước trường sanh, chợ bán ngọc, chợ bán đồ đạc, vật dụng tổng hợp v..v…

Một quốc độ như thế, một đời sống nhân dân hạnh phúc, ấm no như thế… trước tiên là thuộc công đức của đại vương, thứ nữa là phải kể đến vị kiến trúc bậc thầy nọ, phải thế không đại vương?

– Có thể gọi là như vậy!

– Thế là đại vương đã để lại một kinh đô, một toà kiến trúc hoàn chỉnh cho nhân dân và cho hậu thế, phải vậy không đại vương!

– Đúng vậy!

– Đức Thế Tôn cũng đã để lại một kinh đô hoàn chỉnh, một tòa kiến trúc quy mô như thế, đại vương có muốn nghe chăng?

– Rất muốn nghe, thưa đại đức!

– Đức Thế Tôn đã tạo nên một quốc độ chánh pháp, một vương triều thịnh trị, một kinh đô hoa lệ, một tòa lâu đài nguy nga đồ sộ… cũng tương tự như đại vương vậy, tâu đại vương!

– Vâng! Xin đại đức hãy kể cho nghe?

– Tâu, vâng! Trước tiên, kinh đô ấy:

Có giới là thành trì,

Có sự hổ thẹn tội lỗi là pháo đài hộ thành,

Có chánh niệm là quân canh giữ của,

Có chánh trí là đại môn,

Có tinh tấn là chiến lũy,

Có đức tin là chóp vàng của toà bảo điện,

Có trí tuệ là bảo điện,

Có tạng kinh là các đường cho bộ hành qua lại,

Có vi diệu pháp là ngã ba, ngã tư đường v.v…,

Có tạng luật là công đường xét xử nghiêm minh, Có tứ niệm xứ là con đường lớn rộng rãi v.v…

Bần tăng kể sơ như vậy, đại vương có hình dung ra được kinh đô chánh pháp của Đức Thế Tôn đã để lại chăng?

– Thưa, hình dung được, nhưng không có gì đặc biệt lắm. Ngài hãy kể cho nghe ở kinh thành ấy có bán hàng hóa gì lạ không? Có thứ gì mà mọi người thích mua, thích dùng chăng?

– À, vâng! Ở đấy có rải rác các khu chợ trên những con đường, nào chợ bán hoa, chợ bán vật thơm, chợ bán trái cây, chợ bán thuộc độc trừ rắn, chợ bán thuốc chữa bệnh, chợ bán nước trường sanh, chợ bán ngọc, chợ bán hàng hóa tổng hợp… y như là kinh thành này của đại vương không khác!

– Thế thì hay lắm! Hoa của kinh đô trẫm thì có rất nhiều loại, nhiều sắc màu, thơm và quý hiếm. Còn chẳng hay, hàng bán hoa của Đức Thế Tôn chưng bán những hoa gì?

Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:

– Hoa của kinh đô đại vương có lắm sắc màu, ai cũng thấy ngay là đẹp; hương của nó tỏa ra ai cũng cảm nhận ngay là thơm. Nhưng sắc màu ấy chóng tàn, hương ấy chóng phai, thật chẳng xứng cho các bậc trí giả vào đấy để mua, tâu đại vương!

– Còn hoa của Đức Thế Tôn ra sao mà đại đức dám chê bai hàng hoa của trẫm như thế?

– Vâng, hoa của Đức Thế Tôn nom rất xấu xí, chẳng có sắc mà cũng chẳng có hương; có vài loại lại bất tịnh, đáng nhờm gớm là khác, tâu đại vương!

– Thế mà gọi là hoa à?

– Vâng, chính thật là hoa, là vi diệu hoa, tối thắng hoa. Ai mua hoa ấy về, ngày đêm nhìn ngắm, chiêm nghiệm… một thời gian sau, tính chất, tố chất vi diệu của nó sẽ len thấm vào tâm hồn, nó sẽ nở, sẽ phô sắc tỏa hương ở bên trong, giúp ta tận hưởng niềm an lạc, vui tươi, hoan hỷ… không kể xiết được, tâu đại vương!

– Đại đức đừng quảng cáo món hàng nữa, cứ bày bán ra thử xem?

– Tâu, vâng! Hoa ấy được Đức Thế Tôn gọi là “tưởng”. Có những món hàng tưởng sau đây:

Tưởng vô thường,

Tưởng khổ não,

Tưởng vô ngã,

Tưởng tử thần,

Tưởng bất tịnh,

Tưởng tội lỗi,

Tưởng dứt bỏ,

Tưởng diệt luyến ái,

Tưởng tịch diệt,

Tưởng không thỏa thích trong thế gian,

Tưởng vô thường trong tất cả các hành,

Tưởng tử thi chỉ còn xương,

Tưởng tử thi có dòi nhung nhúc,

Tưởng tử thi có nhiều màu sắc,

Tưởng tử thi đứt ra nhiều phần,

Tưởng tử thi máu mủ chảy ra,

Tưởng tử thi sình lên,

Tưởng tử thi có thú cắn xé,

Tưởng tử thi rời rạc mỗi nơi mỗi cái, Tưởng tử thi bị bằm chặt từng miếng nhỏ, Tưởng tử thi bê bết máu v.v…

Mới nghe đến ngang đây, đức vua Mi-lan-đà nói:

– Quả thật là hoa ấy kỳ lạ lắm, nhưng kinh khiếp quá, đại đức!

– Thế thì thôi, bần tăng sẽ bày thêm hoa khác.

– Vâng.

– Những hoa này mát mắt hơn, đấy là:

Từ tưởng,

Bi tưởng,

Hỷ tưởng,

Xả tưởng v..v…

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

×