Trước luận cứ ấy thì đại đức phải trả lời làm sao, đại đức?
– Tâu, họ có quyền nói như thế, tâu đại vương! Quả đúng cái gì họ cũng đông hơn gấp bội, nhưng điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ bao giờ vàng ngọc cũng ít hơn cát đá; trầm hương bao giờ cũng ít hơn tre gỗ. Những tập tục mê tín dị đoan: thần mặt trời, thần mặt trăng, thần bình vôi, thần ống nhổ, thần bò cái, thần gốc đa, thần sông, thần hói, thần rùa, thần sư tử, thần ngã ba, thần bà mụ, thần bói toán, thần đất đai, thần ngày tốt, thần hộ mạng, thần chó mực, thần mèo đen, thần gà quạ v.v… Cả hằng triệu vị thần như thế có mặt từ tôn giáo của họ. Rồi còn hằng trăm hằng ngàn cách tu ăn lông ở lỗ, man di mọi rợ… đã lôi cuốn hàng triệu người ngu si, dốt nát… tin cuồng, tin bậy, lạy lục, cầu khấn, van xin… để họ cầu cạnh đủ mọi thứ tham dục trên cuộc đời này. Khác xa là tiếng sấm uy vũ, cơn sóng dậy vỗ vào giấc mê cuồng tăm tối của chúng sanh, tâu đại vương! Các bậc Thánh nhân A-la-hán trong giáo hội Đức Thế Tôn, sống thanh khiết giữa chốn trần gian cấu uế, bất tịnh… như cả hằng trăm ví dụ sống động… hằng ngàn hình ảnh cụ thể sống động mà đại vương đã từng thấy, từng chiêm nghiệm và từng biết qua. Lẽ nào đại vương lại không đủ sức bẻ gãy câu hỏi ngang ngược tối tăm, cố chấp, cuồng vọng… của họ, hả đại vương?
Đức vua Mi-lan-đà thở dài nói:
– Quả có vậy. Và quả trẫm cũng định nói tương tự thế. Chuyện ấy cho qua. Nhưng giáo pháp chơn chính của họ thì sao? Họ cũng có thể nói rằng, giáo pháp của Đức Thế Tôn không bằng họ. Và cơn sấm động, sóng giật kia… cũng chính là của chân sư, giáo chủ của họ đấy thôi.
– Tâu, đại vương! Đỉnh Hy-mã-lạp-sơn cao ngất tầng mây, ngự giữa hư không một cách uy nghi, đỉnh đạc, không núi nào có thể so sánh được. Nhưng đến gần ta có thể thấy rõ cả hằng ngàn đỉnh núi to nhỏ nhấp nhô kéo dài, bao bọc xung quanh như một bức tường thành kiên cố của cõi trời. Ở đấy có những đỉnh núi rất có tên tuổi, có những đỉnh núi đá phát sáng rất có tên tuổi. Lại có những khu rừng trầm, rừng chiên đàn, rừng đại thọ; có cả hằng trăm hằng ngàn hồ nhỏ nước trong mát như suối trời. Hằng trăm ngàn kỳ hoa, dị thảo, thuốc trường sinh, thuốc dưỡng nhau, thuốc dưỡng lão, thuốc hồi sức, thuốc sinh con… tất thảy đều có đủ….
Tâu đại vương! Đừng tưởng Hy-mã-lạp-sơn chỉ có một màu xanh của núi, hay màu trắng của tuyết, hay màu xám của mây trời! Không phải thế. Nhìn ngày, nhìn đêm, qua các thời khắc khác nhau; đôi khi Hy-mã-lạp-sơn có màu sắc của trời, màu của đêm hắc nguyệt. Thảng hoặc, nó như màu của hoa mạng sanh, có màu trộn lẫn giữa lam, tía thâm. Có khi lại giống màu nơi thân của chúa rồng xanh đậm. Lại có khi sáng trắng như sóng nắng tháng năm. Các đỉnh thấp, núi cháu, núi chắt ở xung quanh cũng biến hiện sắc màu huyền ảo như thế.
Và nơi đây là chốn dạo chơi của thần tiên, chỗ đàn ca xướng hát của càn thát bà. Các loại cẩn na la, phù chú gia tới lui rong chơi thoả thích. Ở đây cũng là quê hương của Kim xí điểu, các loại rồng, a-tu-la và dạ xoa v.v… Và đúng là một quần cư rất thịnh mãn các chủng loại chúng sanh…
Đỉnh Hy-mã-lạp-sơn, hàng ngàn đỉnh núi to nhỏ khác cùng toàn bộ quần cư ấy được ví như pháp sơn vương mà Đức Thế Tôn đã kiến tạo. Vua núi pháp ấy sừng sững, uy nghi, chói lọi giữa mười ngàn thế giới ta bà. Trên chóp núi vua pháp ấy là Tam tạng thánh điển, đồng thời, hiển lộ ba pháp giải thoát là không, vô tướng và vô tác. Hằng ngàn ngọn núi to nhỏ tạo nên thế liên hoàn của quần thể ấy, được ví các đại trưởng lão A-la-hán cùng chư tăng đắc từ đệ nhất quả đến đệ tứ quả; đồng thời cũng là những bậc làm pháp sư, giảng sư; bậc nâng đỡ tạng kinh, tạng Vi diệu pháp, tạng luật; các bậc đầu đà khất thực, bậc thiểu dục, tri túc, bậc đắc tam minh, bậc đắc tuệ phân tích, bậc thành tựu ba-la-mật tuệ, bậc đệ nhất nhẫn nhục, bậc đệ nhất tinh tấn, bậc đệ nhất độc cư, bậc đệ nhất thiền định, bậc đệ nhất thiên nhãn, bậc đệ nhất đa văn, bậc đệ nhất thuyết pháp, bậc đệ nhất đầu đà v.v… Còn nữa, các khu rừng trầm hương, rừng chiên đàn, rừng đại thọ… ấy là gì? Là vô lượng giới đức, định đức ở đấy, hoặc ngạt ngào hương thơm hoặc vững chãi kiên cố để cho muôn loại chúng sanh được chở che và được hưởng bóng mát. Vô lượng nước trường sanh, thuốc dưỡng sức, thuốc dưỡng lão, thuốc dưỡng nhan, thuốc sinh con… ấy là gì? Là vô lượng pháp môn tùy căn tánh, trình độ của chúng sanh, đến đấy để thâu hái lợi ích cho chính mình.
Tâu đại vương! Có lẽ ngoại đạo bảo rằng, họ cũng có pháp sơn vương hùng vĩ cùng quần cư thanh tịnh như thế? Đúng, họ cũng có sáu mươi hai đỉnh núi tà kiến, phiến diện, một chiều đã được Đức Tôn Sư điểm mặt trong kinh Phạm võng. Đức Thế Tôn đã bủa bằng một chiếc lưới lớn, vớt tất thảy tà kiến ấy quăng lên bờ và không một chú cá nào thoát khỏi. Sáu mươi hai luận thuyết kia làm sao đứng vững trước cái thấy biết toàn diện của Đức Đạo Sư? Đại vương cũng đã từng đi tham vấn với các tông phái ấy, lẽ ra đại vương hiểu rõ trình độ kiến giải của họ ngang đâu, đã có thể so sánh với ngọn núi pháp của đại vương chưa, mà dám ví mình là pháp sơn vương như Đức Phật!
Đức vua Mi-lan-đà nói:
– Cái điều định hỏi, trẫm chưa hỏi mà đại đức đã trả lời rồi. Quả là biển thế gian và núi pháp kia, các bậc giáo chủ của ngoại giáo cũng đã từng ví về mình. Nhưng trẫm còn muốn biết đại vương còn ví dụ nào nữa chăng?
– Có thể được, tâu đại vương! Ví như sau những ngày nắng hạn, một trận mưa lớn rơi xuống. Trước khi mưa, trên trời có những đám mây quần tụ hoặc có những đám mây lượn quanh như dây chuyền, có những khoảng sáng rực và có những sắc màu chói chang! Từ hư không, những làn gió mát mẻ quạt tới, phất phới những đóa hoa trời. Có những âm thanh dội vang như voi rống, ngựa hí, cọp gầm… làm chao đảo không gian. Từng lằn điện chớp ngang dọc như xé rách bầu trời. Hằng trăm thứ chim bay liệng tứ tung. Mọi người tụ họp vui tươi hoan hỷ. Mây kéo về thêm nữa, màu sắc thay đổi nữa, hoặc xanh hoặc vàng, hoặc đỏ hoặc trắng, màu hoa cà lẫn lộn màu chim phượng hoàng, màu hồng thẫm lẫn lộn màu trái đào tiên. Nhạc trời trổi khúc ca tấu tưng bừng… Mưa rơi xuống. Mưa rơi khắp thế gian từng trận, từng hồi, ào ào, tuôn chảy đầy mương rãnh, suối khe, giếng to giếng nhỏ, hồ lớn, hồ nhỏ… cỏ cây thấm, đất thấm. Dòng sông hào sảng nước, biển mênh mông nước. Tất cả đều xanh tươi, nảy lộc, đâm chồi. Tất cả đều sanh trưởng no vui, thịnh mãn…
Tâu đại vương, trận mưa ấy được ví là trận pháp vũ của Đức Thế Tôn, đã rơi xuống trần gian này sau mấy triệu năm. Cơn pháp vũ ấy đã thấm vào vô lượng chúng sanh trời người; nẩy lộc đâm chồi đạo quả, no vui hỷ lạc, thịnh mãn phước báu, sanh trưởng đức tin và trí tuệ; tẩy sạch bụi bặm cấu uế, dập tắt lửa tham sân, phiền não…
Tâu đại vương! Không cần phải nói hết ra đây diệu dụng của cơn pháp vũ ấy. Chúng ta không muốn trùng lập văn tự, trùng lập ngữ nghĩa, trùng lập chi pháp. Nhưng quả thật là rõ ràng, khi nước từ bi ấy chảy tràn qua lịch sử, chảy qua các quốc độ, chảy qua thời gian; để chánh pháp có mặt ở đâu thì ở đó không có hận thù, oan trái, kẻ cướp buông đao, hung dữ mỉm cười và tình tương thân tương ái, thuận hòa làm mát mẻ trái tim, làm phơi phới lòng người!
Vậy do đâu mà nước cam lồ bất tử ấy có mặt hôm nay? Ngoại đạo chăng? Chính thể vương pháp của đại vương chăng? Ồ! Đại vương bảo rằng trong quốc độ của đại vương có thứ nước ấy à? Nhưng xin hỏi đại vương lấy thứ nước ấy ở đâu? Ý bần tăng hỏi là hỏi tận suối nguồn?