Đức vua Mi-lan-đà nói:
– Quả đúng là gian hàng tổng hợp. Nhưng đại đức kể nhiều quá. Trẫm nhớ không hết, hãy từ từ nhé! Ví như trong quốc độ của trẫm, trẫm là vua, bên cạnh trẫm có vị quốc sư hằng bàn việc nước với trẫm, các quan đại thần thì chăm lo tất cả công việc từ kinh tế, quân sự, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thiên văn v.v… Ngoài ra lại còn bốn giai cấp trong xã hội, và dân chúng thì làm đủ tất cả mọi ngành nghề v.v… Vậy trong cái gọi là quốc độ chánh pháp của Đức Thế Tôn có tổ chức tương tự như thế hay chăng?
– Có chứ, tâu đại vương!
– Xin đại đức giảng cho nghe?
– Vâng, trước khi trình bày điều đó, bần tăng sẽ xin kể những thần dân ở trong quốc độ chánh pháp ấy đã.
Một là, các bậc hết luyến ái, hết sân hận, hết si mê, hết ái dục và không còn cố chấp; ấy là những bậc đã đắc giải thoát thiền.
Hai là, các vị thọ đầu đà, ở trong rừng, ngăn oai nghi nằm, thọ đi kinh hành, thọ y bó tử thi, thọ tam y, thọ tròn đủ bốn pháp môn, những bậc hiểu pháp đệ nhất.
Ba là, các vị thọ đầu đà, tri túc trong lợi lộc.
Bốn là, các vị đắc thiền, vô sắc thiền, có thần thông hoặc không có thần thông.
Năm là, các vị thực hành để đắc được quả hữu học, có tâm tầm cầu hướng thượng.
Sáu là, các bậc Tu-đà-hườn, Tư-đà-hàm, bậc A-na-hàm, A-la-hán xa lìa các bợn nhơ tội lỗi.
Bảy là, các vị thông suốt tứ niệm xứ, hoan hỷ tiến tu thất giác chi, thực hành tuệ minh sát.
Tám là, các vị thông hiểu thần túc, hoan hỷ nhập định, thực hành tứ chánh cần.
Chín là, các vị thông tuệ ba la mật, có hỷ mãn, có lạc mãn.
Mười là, những vị đi đâu cũng nhìn xuống, không ngó láo liên, biết thu thúc khẩu, gìn giữ lời ăn tiếng nói, thu thúc thân tâm.
Mười một là, người đắc pháp cao thượng, đắc tam minh, đắc lục thông, đắc thần thông ba-la-mật, có trí tuệ ba-la-mật…
Tâu đại vương! Thần dân trong quốc độ chánh pháp ấy rất nhiều, nhưng bần tăng chỉ tóm tắt vào mười một nhóm công dân ưu hạng như vậy thôi!
– Đúng là công dân thượng đẳng! Nếu ai cũng thượng đẳng cả thì ai là vua, là quan, là dân hở đại đức?
Đại đức Na tiên mỉm cười, như nói riêng với đức vua.
– Cũng vì chúng sanh mà ra cả, đại vương!
– Ồ! Vâng! Vậy xin đại đức bi mẫn kể cho “chúng sanh” nghe?
– Vâng! Trong quốc độ của đại vương chỉ có một vị vua, nhưng trong quốc độ của chánh pháp thì có hằng trăm hằng ngàn vị pháp chủ. Đó là những bậc:
Thứ nhất, nâng đỡ trí tuệ cao thượng.
Thứ hai, không dính mắc một chút cấu uế.
Thứ ba, bất động, trạm nhiêm giữa cuộc đời.
Thứ tư, nâng đỡ đạo hạnh, đức độ.
Thứ năm, nâng đỡ phước duyên.
Thứ sáu, vô bố, vô úy.
Thứ bảy, thông tuệ tư duy.
Thứ tám, nâng đỡ thần thông.
Thứ chín, nâng đỡ hào quang.
Thứ mười, nâng đỡ giảng giải kinh nghĩa.
Thứ mười một, nâng đỡ pháp giải thoát.
Thứ mười hai, nâng đỡ pháp luận.
Thứ mười ba, thu thúc trong trí tuệ ba la mật…
Nhóm người cao thượng, siêu việt này đều là những bậc pháp chủ, tâu đại vương!
– Cảm ơn, trẫm đã lãnh hội rồi. Có vua tất có quốc sư. Vậy trong quốc độ chánh pháp, có vị quốc sư ấy chăng?
– Tâu, có ạ! Đấy là các vị vừa đắc bốn tuệ phân tích vừa thành tựu những thần thông tột cùng; có thể đưa tay sờ mặt trời, mặt trăng, đi trên biển, đi trong đất một cách vô ngại. Họ là những vị quốc sư.
– Thế còn những vị quan nào nữa, đại đức?
– Tâu, đấy là những vị quan tòa. Họ hành pháp đầu đà, sống đời thiểu dục tri túc, chán ghét tà mạng, chán ghét trì bình khất thực tà mạng; giữ gìn lục căn thanh tịnh, lánh xa thỏa thích trong sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hằng ngày họ đi nơi này nơi kia, tùy nghi nhận phẩm vật cúng dường, không làm phiền lụy đến ai; như con ong hút nhụy mà không phá hoại nụ hoa, lợi lộc không màng tới, không cần để ý đến sự đòi hỏi của thân và tâm.
Họ đích thực là những vị quan tòa, cầm cán cân quân bình cho thần dân trong quốc độ, tâu đại vương!
– Có phải họ nêu tấm gương thiểu dục tri túc, phải vậy không đại đức?
– Tâu, vâng! Đại vương dùng từ rất chính xác.
– Không dám! Thế còn ai làm phận sự gì nữa, thưa đại đức?
– Tâu, vâng! Đó là vị quan giữ lửa cho quốc độ!
– Ở đấy phải tuyển chọn những bậc như thế nào?
– Tâu, trước tiên vị ấy không còn bợn nhơ phiền não, lại có thiên nhãn thông, thần túc thông, có thiền định kiên cố. Sau đó vị ấy còn phải đi nơi này nơi kia một cách mau lẹ, để giáo hóa mọi người.
– Còn chức vụ gì nữa, đại đức?
– Tâu, còn có chức quan giữ gìn pháp bảo. Ơ đây, phải lựa chọn những vị nghe nhiều, học rộng, nâng đỡ các bộ kinh, nâng đỡ luật; rành rẽ các chủ đề, các loại văn tự ngôn ngữ, đọc đúng giọng dài, giọng ngắn v.v…