Bài 05: Đạo đế, Bát chánh đạo

01/11/2021 3.574 lượt xem

Chánh kiến

Bụt nói tới con đường giải thoát như là con đường của tám sự hành trì chân chính, gọi là Bát Chánh Đạo. Sự hành trì chân chính đầu tiên là chánh kiến.

Kiến là cái nhìn, cái thấy. Chánh kiến là cái thấy, cái nhận thức xác thật. Chữ chánh trong tiếng Hán Việt có nghĩa là thẳng, còn khi nghiêng ta gọi là tà. Chánh kiến có thể dịch là right understanding hay right view (samyak drsti). Chữ Phạn Drsti là cái thấy. Samyak là chính.

Trong văn mạch của Tứ Diệu Đế thì chánh kiến trước hết là cái nhìn rõ rệt về bốn sự thật căn bản. Phải hiểu thế nào là khổ, tập, diệt và đạo. Tu tập chánh kiến có hai giai đoạn, hữu lậu và vô lậu, có cái thấy phản ảnh chân lý tương đối và có cái thấy phản ảnh chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên ta phải ghi nhớ câu Nhị đế dung thông tam muội ấn trong nghi thức tụng niệm hàng ngày. Nhị đế dung thông có nghĩa là tục đế không trái chống với chân đế, chân đế bao gồm tục đế ở trong. Dung có nghĩa là chứa đựng được, có thể bao trùm được. Tương dung có thể dịch là inter-embracing, bao dung lẫn nhau. Thông có nghĩa là cái này truyền với cái kia, inter-penetration. Phải thấy được tính cách dung thông của nhị đế trong mỗi giáo lý của đạo Bụt. Nói rằng chánh kiến là cái thấy đứng đắn về Tứ Diệu Đế, nhưng cái thấy tới mức nào mới là đứng đắn? Sự hiểu biết và nhận thức của chúng ta gần với chân đế nhiều hay ít là tùy theo sự tu tập của chúng ta.

Trong sự tu tập, học hỏi, chúng ta có ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văn tức là nghe giảng, đọc sách, nghe giáo lý, học giáo lý, pháp đàm về giáo lý. Tư là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình mà chiêm nghiệm. Không vâng tin theo một cách ngây thơ những gì mình nghe, mình học. Tu là đem ra thực tập. Thực tập bằng thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng, làm việc, nói năng. Thực tập để có cơ hội xét nghiệm lại, để có thể chuyển đổi tự thân cho sâu sắc hơn, đứng đắn hơn, vững vàng hơn. Đó gọi là quá trình văn, tư, tu (learning, reflecting and practicing). Vặn, tư và tu luôn luôn bắt đầu bằng tục đế, tức là bằng sự thật thông thường, có thể dùng óc suy luận, có thể dùng khái niệm và ngôn ngữ để diễn bày, để chuyên chở. Chúng ta dùng những danh từ và những khái niệm như khổ, tập, diệt, đạo mà tu tập. Càng tu tập bao nhiêu thì chúng ta càng có kinh nghiệm trực tiếp bấy nhiêu, và dần dần chúng ta không còn bị trói buộc bởi những danh từ và khái niệm nữa, nghĩa là bước sang lãnh vực chân đế.

Trong bước đầu văn, tư và tu, tuy rằng chúng ta đang ở trong tục đế nhưng sự tu tập đã hàm chứa chân đế rồi. Và khi đạt tới sự chứng ngộ, có được cái thấy tuyệt đối, thì chúng ta biết rằng sự chứng ngộ đó có chứa đựng tất cả những hạt giống, những thành quả đã đi qua từ những bước đầu tu tập. Nói như vậy để nhắc lại một lần nữa quy tắc Nhị đế dung thông, hai loại chân lý không chống đối nhau. Cho nên, cái hiểu và cái biết của chúng ta về Tứ Diệu Đế dù còn nhỏ bé tới đâu, dù chưa đúng hẳn với lời Bụt dạy, nhưng trong đó đã có hạt giống của chân đế.

Trong Kinh thỉnh thoảng Bụt và các thầy có nói tới thế nào là chánh kiến. Sự diễn tả chánh kiến luôn luôn bắt đầu ở trình độ dễ dàng để mọi người có thể hiểu được. Ví dụ như nói chánh kiến là cái thấy về thiện, ác, về nhân quả: gieo đậu sẽ được đậu, làm lành thì sẽ có phúc, làm dữ thì sẽ bị tai họa, v. v. tất cả đều thuộc về chánh kiến. Tất cả mọi người đều cần những ý niệm sơ khởi như vậy thì mới biết đường đi. Như niềm tin nơi Bụt, một bậc giác ngộ; niềm tin nơi Pháp, con đường giải thoát và niềm tin nơi Tăng, đoàn thể tu tập. Đó là chánh kiến. Tin rằng có thể chuyển hóa đau khổ, rằng có những bậc A la hán, nhờ tu tập mà đã thoát được những phiền não và sinh tử luân hồi… những điều đó đều thuộc về chánh kiến. Hễ lời nói nào, ý niệm nào mà chứa đựng được một hạt chân lý của Phật Pháp trong đó là có chứa đựng ít nhiều chánh kiến rồi, dầu chưa phải cái thấy tuyệt đối.

Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Kinh Thánh Đạo. Kinh nói: “Có bố thí, có cúng dường, có cha có mẹ, có các loài hóa sanh, có các vị sa môn, bà la môn, có người tu học thành công, có sự tu hành để chứng đạt được trong đời này.” Đó là một cách trình bày chánh kiến để mọi người thấy và có đức tin. Với đức tin, người ta đi theo con đường chuyển hóa, bỏ những hành động sai lầm gây khổ đau, bắt đầu tạo an lạc và hạnh phúc. Nhưng chánh kiến trước hết là thấy bốn sự thật mầu nhiệm, tại vì đó là căn bản của Phật Pháp. Mà thấy được bốn sự thật cho rõ ràng thì điều này không phải là chuyện dễ. Công nhận sự thật về khổ, tập, diệt và đạo, tức là chấp nhận Tứ Diệu Đế. Nhưng ta cần có công phu học hỏi, tư duy và công phu thực tập rất nhiều mới có thể có được cái nhìn sâu sắc và vững chãi về Tứ Diệu Đế. Sau đây chúng ta thử tập quán chiếu để có một cái thấy về Tứ Diệu Đế.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×