Bài 05: Đạo đế, Bát chánh đạo

01/11/2021 3.568 lượt xem

Vô khổ, tập, diệt, đạo là một lời tuyên bố của Tâm Kinh. Ta đi vào phạm vi của chân đế, của vô lậu, của liễu nghĩa kinh: không có khổ, tập, diệt và đạo. Các vị bồ tát dạo chơi trong biển sinh tử để cứu người. Nơi ta gọi là biển khổ chính là môi trường hành đạo của họ. Họ không còn bị những đợt sóng còn, mất, tử, sinh vùi dập. Ranh giới giữa khổ và diệt, giữa khổ và vui đã mất đi. Chính bằng chất liệu khổ mà họ tạo ra an lạc, bằng phân rác mà họ tạo ra được bông hoa. Phiền não tức bồ đề là ngôn ngữ siêu việt khổ vui. Hoa và rác tương tức. Chúng ta biết rằng cái khổ mà chúng ta thấy là ngược với cái vui, nhưng sau một thời gian tu tập và quán chiếu sâu sắc, khổ vui sẽ tương tức. Sau khi vượt ra, không còn sợ hãi và trốn chạy cái khổ, không còn mê đắm trong cái vui tương đối, chúng ta đạt tới niềm vui chân thật và vô lậu, đó là niết bàn. Cái vui này siêu việt cả cái khổ và cái vui thông tục: Sanh diệt diệt dơi, tịch diệt vi lạc. Giai đoạn quán chiếu khổ và tập tuy còn là trong cõi hữu lậu nhưng giai đoạn đó đã chứa đựng những hạt giống của vô lậu. Khi nghe ngôn ngữ của chân đế, chúng ta phải thấy ngôn ngữ đó không nói ngược lại sự thật tục đế.

Bây giờ chúng ta nói đến chánh kiến về Tập, tức là những nguyên do gần xa gây ra khổ. Cứ để khổ đau tràn lấp, làm cho đen tối cuộc đời. Đó là một câu trong bài Sám Nguyện. Hàng ngày, những ý tưởng, lời nói và hành động của ta có thể đang nuôi dưỡng cái khổ mà ta không biết. Bây giờ tu học ta phải nhận diện, quán chiếu, thấy được những điều ta đã làm và đã nói thường gây đổ vỡ trong đời sống hàng ngày.

Bụt dạy nhiều phương pháp giúp ta nhìn thấy bản chất của khổ và tập, thấy được bản chất của diệt, thấy ta có thể đạt tới diệt, tức là hạnh phúc. Nếu làm đúng phương pháp Bụt dạy, nếu chuyển hóa thành công, ta sẽ phát khởi được cái nhìn vô lậu. Lúc đó ta sẽ không còn kẹt vào các khái niệm khổ, diệt và đạo nữa. Tư tưởng ta có thể bị kẹt. Ví dụ như nghĩ rằng diệt là không còn gì nữa hết cho nên hết khổ, đó là một quan niệm sai lầm. Chứng đạo rồi ta không còn chấp trước nữa, dù cả vào sự tu tập. Trong cửa thiền ta gọi là đói ăn khát uống: Tôi đói thì tôi ăn, tôi khát thì tôi uống, mà khi làm theo điều mong muốn, tôi không gây đau khổ cho tôi và cho người. Khổng tử nói tùng tâm sở dục bất du củ. Tùng tâm sở dục có nghĩa là lòng mình muốn gì thì mình làm cái đó, và mình không còn bị kẹt vào hình thức. Bất du củ là vẫn đúng khuôn phép [3]. Đó là tình trạng thảnh thơi, an lạc nơi Tịnh độ. Theo ngôn ngữ của mười bức tranh chặn trâu là thõng tay vào chợ. Cũng đi vào chợ, cũng nói cũng cười, cũng mua bán như người khác, nhưng mình vẫn là con người giải thoát. Không tuyên bố nghiêm trọng: tôi đang tu đây. Đi thiền hành thảnh thơi như không. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói “ngã pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu.”

Ở trình độ “tùng tâm sở dục” – muốn làm gì cũng được, thì hành động sẽ không còn gây thêm tập, không tạo thêm những nguyên do của khổ. Nhưng nếu chưa đạt tới trình độ đó mà ta bắt chước thì đó là điều nguy hiểm. Khi xưa Hòa thượng Nhất Định, chùa Từ Hiếu, xin vua được từ chức tăng cương về trụ trì ở núi Diên Xuân với hai vị đệ tử. Ngài lập một cái am, gọi là am An Dưỡng, rồi Ngài mời bà mẹ về để được dịp sống gần mẹ già. Các quan trong triều tới thăm, xin cất một ngôi chùa, Ngài nói: “Thôi, thôi, tôi đã trú trì nhiều chùa rồi, mục đích của tôi xin vua về nghỉ là để khỏi phải giữ chùa, không lý bây giờ các vị lại bắt tôi làm chùa nữa?” Từ đó ngài sống những ngày rất an lạc cùng bà mẹ. Có một hôm mẹ ngài bị bệnh nặng, bà nói: “Con, sao mẹ muốn ăn cháo cá quá”. Ngài đi xuống chợ Bến Ngự, thản nhiên xin một con cá đem về nấu cháo cho mẹ ăn. Ngài xách con cá trong tay, đi từ dưới chợ lên núi. Nhiều người nói: “Sao thầy tu mà làm như vậy?” Nhưng vì Ngài không còn nệ vào hình thức nữa, thành ra Ngài thản nhiên: “Làm cái gì cũng được hết”, trong thiền học gọi là đói ăn khát uống. Người ta chỉ làm được như vậy khi đã đạt tới tự do và vượt thoát thường tục.

Diệt tức là sự chấm dứt những nguyên do gây khổ đau. Người ta sống có hạnh phúc, an lành và thảnh thơi mà không tự biết. Trước khi bị khổ đau trấn ngự ta đã có tình trạng diệt, nhưng ta không biết quý. Vì dại dột, ta có thể tự phá hạnh phúc tự nhiên sẵn có của ta. Nguyên do là ta sống không chánh niệm, ta thiếu thầy, thiếu bạn để chỉ cho ta thấy hạnh phúc ta đang có. Những điều kiện hạnh phúc có thể đang có mặt trong ta và xung quanh ta nhưng ta không có khả năng tiếp xúc để sống hạnh phúc.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×