Bài 05: Đạo đế, Bát chánh đạo

01/11/2021 3.573 lượt xem

Chánh kiến về Tứ diệu đế

Chúng ta biết rằng con đường thoát khổ mà chúng ta tìm, con đường đưa tới sự an lạc mà chúng ta tìm, chúng ta phải tìm ngay ở trong cái khổ. Đó là nguyên tắc thực tập: phải trực tiếp đối diện với khổ. Cái khổ có thể là nỗi sợ hãi, có thể là niềm lo âu, bất an. Cái khổ có thể là mối hận thù, giận dữ, là buồn rầu, chán nản hay tuyệt vọng. Chúng ta phải trở về tiếp xúc và tìm hiểu những nỗi khổ đó với tất cả sự can đảm của mình. Chúng ta phải nâng nỗi khổ lên, ôm vào trong hai tay và quán chiếu sâu xa vào nó. Nếu không làm được chuyện đó thì không dễ gì ta thấy được tập, diệt và đạo.

Khi quán chiếu về khổ, trước hết chúng ta thấy một sự thật là nhiều người đang khổ mà không biết là mình khổ. Họ luôn luôn tìm cách trốn chạy, tìm cách lãng quên cái khổ của họ. Cũng như người bị bệnh ho lao mà không nhận biết mình bị bệnh ho lao.

Nhiều người mang một niềm thất vọng, một nỗi đau khổ quá sâu kín trong lòng mà không tự biết. Họ chỉ cảm thấy không an lạc, cảm thấy không muốn đối diện với chính mình. Vì thế họ tìm sự quên lãng, vùi lấp đời họ trong những quán rượu, vũ trường, bài bạc, hay chôn nỗi khổ của mình trong những phim video, v.v.. Bụt dạy rằng cái khổ của con lạc đà hay con lừa phải chở hành lý nặng nề trên lưng, cái đó chưa phải là khổ. Ngu si không biết mình là khổ, không biết có đường đi thoát khổ, đó mới là cái khổ thật. Đó là tình trạng của người không tu, không biết tu. Bắt đầu vào con đường văn, tư, tu ta nhận diện cái khổ, quán chiếu cái khổ, gọi tên cái khổ của mình mà không còn sợ hãi nữa. Và nhờ đó ta thấy được bản chất của cái khổ, thấy được tập, thấy được diệt và thấy được đạo ở trong khổ.

Thấy Tập tức là thấy được những gốc rễ gần xa, nguyên do của cái khổ. Chúng ta đã sống như thế nào, đã ăn uống như thế nào, đã thở như thế nào, đã tiêu thụ như thế nào? Đã sống đời sống cá nhân và xã hội của chúng ta như thế nào? Ta nhận diện cái khổ, gọi tên nó, quán chiếu và thấy được bản chất của nó. Và khi thấy được bản chất của khổ thì ta sẽ thấy tập. Tập tức là nguyên do của khổ, những nguyên do xa gần trong quá khứ và trong hiện tại. Cái thấy đó chỉ có thể đạt được bằng sự quán chiếu. Chúng ta có những phương pháp để quán chiếu. Chúng ta cần sự yên lặng, cần có thì giờ, chúng ta cần thiền tọa, thiền hành, chúng ta cần bạn tu để giúp đỡ, chúng ta cần thầy để hướng dẫn. Một ông bác sĩ trị bệnh cũng làm như vậy thôi. Bác sĩ mà quán chiếu sai lầm, đưa thuốc sai lầm thì có thể làm hại bệnh nhân. Trong sự tu học, chúng ta làm công việc thầy thuốc cho chính bản thân. Chúng ta phải có đủ thì giờ quán chiếu, phải can đảm tiếp xúc với cái đau khổ của mình. Phải tìm ra những nguyên nhân của khổ đau hàng ngày. Như vậy, không những ta thấy được tập, mà ta còn thấy được diệt đế nữa.

Diệt tức là khổ diệt, nghĩa là sự vắng mặt của khổ. Hôm nay cái khổ có mặt cũng có nghĩa là ngày hôm qua, hay trong quá khứ, nó đã từng không có mặt. Nếu chúng ta biết chuyển hóa thì ngày mai nó có thể cũng không còn có mặt nữa. Đó là sự ước ao của chúng ta. Diệt tức là khổ diệt, có nghĩa là an lạc, hạnh phúc. Ta thấy là ngày xưa ta có những trạng thái vô tư, an lạc, có sức khỏe, nhưng ta đã không biết quý, không biết hưởng và không biết bảo hộ.

Diệt cũng được thực tập qua ba giai đoạn. Thứ nhất là tiếp xúc với cái hạnh phúc bình thường trước khi nó mất. Ví dụ có một bà mẹ yêu quý mà không biết đó là hạnh phúc nên không hưởng niềm vui có mẹ, khi mẹ mất đi thì thấy khổ. Có lúc chúng ta không đau răng mà không thấy mối hạnh phúc của người không đau răng, đợi tới khi răng đau nhức thì mới thấy rằng lúc không đau răng là hạnh phúc. Vì vậy nên khi nhìn vào khổ thì thấy được thế nào là diệt. Thấy tập rồi là thấy diệt. Không đau răng tượng trưng cho biết bao nhiêu là an lạc mà mình đã dẫm đạp, đã tàn phá bằng sự quên lãng và dại khờ của mình. Khi hai chân mình đang còn khỏe, còn chạy được, còn đi được thì mình không biết hưởng, mình không có hạnh phúc. Đến lúc già yếu, chân đi không vững, mình mới thấy rằng có hai chân khỏe là hạnh phúc lớn.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×