Hạ thủ công phu
Tu tập cũng là quán chiếu để nhận diện hạnh phúc, bằng những bài thực tập chánh niệm. Ví dụ: “Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi có hai con mắt. Tôi đang thở ra và tôi mỉm cười với hai mắt của tôi.” Đó là một trong những bài tập giúp ta tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đang có của mình. Ta là người đã tiếp nhận nhiều điều kiện hạnh phúc ấy từ cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên và trời đất nhưng ta đã không biết thừa hưởng kho tàng hạnh phúc đó. Kinh gọi đó là người cùng tử. Trong lúc quán chiếu như vậy ta thấy được ngay trong diệt cũng đã có sẵn mầm khổ. Cách sống hàng ngày của ta có thể tiêu diệt hạnh phúc của ta và tạo ra khổ đau. Rõ ràng là quán chiếu hạnh phúc thì ta thấy khổ đau nằm sẵn trong ấy. Và khi thấy điều đó, ta thấy được đạo.
Bụt dạy phép an trú trong hiện tại (hiện tại lạc trú), tức là sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết quý trọng từng giây phút của đời sống. Con đường rõ ràng như vậy, chỉ có điều ta thực tập hay không mà thôi. Nghe Bụt ta biết là lời Bụt hay lắm, cần đem ra rao giảng cho thế gian, nhưng chính ta lại không chịu thực hành. Cho nên ta phải quyết chí thực tập chứ không còn nói lý thuyết suông, đó gọi là Hạ thủ công phu (get down to the real practice). Thiền hành mỗi ngày, tụng kinh mỗi ngày, thực tập mỉm cười và hơi thở ý thức mỗi ngày, và tập nhìn mọi người bằng con mắt hiểu và thương. Ta nấu cơm, rửa chén và quét nhà như thế nào để có thể có hạnh phúc ngay trong khi ta nấu cơm, rửa chén và quét nhà. Đó là công phu. Trong khi rửa chén, nấu cơm, kê bàn, dọn ghế, uống nước và cưa cây, ta tự hỏi: “Ta đang làm gì đây? – What am I doing?” Ta tự trả lời: Ta đang rửa chén. Rửa chén như thế nào để có an lạc, quét nhà như thế nào để có an lạc đó là điều quan trọng. Khi ta tự hỏi: Ta đang làm gì đây? Ta sẽ rửa chén một cách khác và quét nhà một cách khác. Trong chánh niệm ta thấy hạnh phúc tràn lan. Ta sẽ không còn xem rửa chén và quét nhà là những công tác nặng nhọc và muốn làm cho xong. Ta đang làm gì đây? Hỏi xong ta mỉm cười, và chuyện rửa chén quét nhà bỗng tạo ra một niềm vui trong đời sống hàng ngày. Đó gọi là Hạ thủ công phu.
Ngoài việc thực tập trong cuộc sống cá nhân, chúng ta còn thực tập trong đời sống chung với mọi người. Giả dụ vì xung khắc mà hai người cùng đau khổ. Chúng ta có cơ hội thực tập để làm giảm bớt khổ đau. Cơ hội thứ nhất là cả hai người cùng thực tập. Hai người đều quán chiếu, hai người đều dùng mắt thương nhìn cuộc đời.
Cơ hội thứ hai là người này thực tập nếu người kia không thực tập. Khi ta thực tập và nhìn người kia bằng con mắt từ bi thì không những ta thay đổi mà người đó cũng sẽ thay đổi. Ta không cần hai người mới ký được hòa ước, một mình ta ta đã có thể ký hòa ước rồi. Trong tự tâm ta có thể hòa giải, ta tự bắt đầu trước, và sự chuyển hóa sâu xa và chân thật của ta sẽ đưa tới sự chuyển hóa của người kia.
Cơ hội thứ ba: nếu người này không thực tập thì người kia bắt đầu thực tập.
Thành ra lúc nào ta cũng có ba cơ hội để tạo niềm thông cảm. Tình trạng không phải là một tình trạng tuyệt vọng. Xung quanh ta, bất cứ một lời kinh, một tiếng mõ, một tiếng chuông, một bước chân nào cũng nhắc ta rằng ta có ba cơ hội đó. Hạ thủ công phu là việc ta có thể làm được và có thể làm ngay. Ta có thể thành công trong mấy phút đồng hồ, chứ không hẳn phải chờ ngày này sang ngày khác.
Nếu ta biết thay đổi cách nhìn thì tự nhiên bể khổ cuộc đời sẽ tiêu tan. Mắt thương nhìn cuộc đời là một phương pháp rất mầu nhiệm. Chính ta có thể thay đổi được tình trạng. Đừng nói rằng nếu người kia không thay đổi thì ta làm sao thay đổi.